Quyền được hưởng thụ của người dân
Văn kiện Đại hội Đảng lần này, sau nhiều năm tập trung vào quyền của người dân dựa trên khía cạnh kiểm soát quyền lực nhà nước - “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” - thì lần này bổ sung thêm một khía cạnh đặc biệt, là “dân hưởng thụ”.
Đó là phát hiện của phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An, người cho rằng đây là biểu hiện của “sự quan tâm đến đời sống của người dân, đến những quyền lợi sát sườn, đến những nhu cầu xứng đáng được hưởng của người dân” (trích báo điện tử Vietnamplus ngày 7-11-2020). Bà cho rằng, ngoài việc quan tâm đến nhu cầu vật chất, văn kiện lần này đã đề cập đến yếu tố tinh thần của người dân.
Mục tiêu lớn
Hưởng thụ (hưởng: được dùng; thụ: nhận lấy), với nghĩa gốc của “Từ điển tiếng Việt” do giáo sư Hoàng Phê chủ biên, là “hưởng của xã hội, trong quan hệ với cống hiến”. Nhưng, trong đời sống, từ này được hiểu theo biến thể là “tận hưởng”, tức là cảm nhận sự sung sướng một cách trọn vẹn, hết mình. Tức là kim chỉ nam mà chúng ta hướng đến rất rộng, thậm chí là một trong những mục tiêu lớn nhất và đáng bỏ công sức nhất của đời người: mưu cầu hạnh phúc.
Ảnh: L.G. |
Đây dường như là một mục tiêu mơ hồ và vì sự khó nắm bắt này. Trong nhiều năm, khái niệm này ít được cụ thể hóa trong các văn bản chế định từ nhỏ đến lớn của chúng ta. Liệu mọi người có biết được khi nào họ đang hạnh phúc không và nếu có, thì yếu tố văn hóa nào ngăn cản họ biểu lộ điều này một cách thành thật? Hay các nghiên cứu buộc phải tách bạch được sự khác biệt giữa những niềm vui nhất thời (dựa trên chất kích thích chẳng hạn) và cảm giác tận hưởng cuộc sống thực sự.
Nhưng, đo đạc hạnh phúc vẫn là điều mà con người luôn nỗ lực hướng đến. Khảo sát giá trị thế giới (The World Values Survey) - một dự án đồ sộ do các nhà khoa học xã hội tiến hành nhằm tìm hiểu trạng thái của các nền văn hóa trên toàn thế giới, đã cung cấp nhiều dữ liệu đáng kể về sự hài lòng trong cuộc sống và thước đo phúc lợi của các nền dân chủ công nghiệp từ năm 1981 đến 2014.
Hầu hết các nghiên cứu về kinh tế học hạnh phúc dựa trên bộ câu hỏi này hoặc một số biến thể nhỏ của chúng: những người được hỏi sẽ trả lời theo thang điểm từ 1 (không hài lòng) đến 10 (hài lòng) với các khía cạnh đo mức độ thỏa mãn của họ với cuộc sống. Các cá nhân tự quyết định xem điều gì là quan trọng, vấn đề hạnh phúc có nghĩa là gì và họ hạnh phúc như thế nào. Với câu trả lời của họ, các nhà khoa học xã hội có thể nghiên cứu hạnh phúc dưới dạng thực nghiệm.
Trong quá trình khám phá điểm hạnh phúc cố định này ở mỗi người, Richard Easterlin, nhà kinh tế học người Mỹ đã phát hiện ra nghịch lý, sau này được mang tên ông (Easterlin paradox) và công bố nó vào năm 1974. Nghịch lý này nói rằng ở bất kỳ thời điểm nào, những người có thu nhập cao hơn đều hạnh phúc hơn, vì họ tự đánh giá mình có đặc quyền tương đối so với những người có thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên, điều mâu thuẫn là theo thời gian, tổng thu nhập quốc dân tăng lên lại không làm tăng mức hạnh phúc trung bình, vì mức tiêu dùng mà mọi người đưa ra để so sánh với nhau cũng tăng lên.
Tức là việc chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế thôi có thể là một sai lầm: việc làm ra thật nhiều của cải không nhất thiết phải là mục tiêu duy nhất. Lý tưởng nhất là nó phải đi kèm với phân phối lại các nhu cầu, đảm bảo được an toàn tài chính, khả năng tiếp cận việc chăm sóc sức khỏe và nhân phẩm, những tiền đề cho một cuộc sống đáng tận hưởng.
Nhà xã hội học người Hà Lan Ruut Veenhoven của Đại học Erasmus ở Rotterdam gọi cơ chế này là “Thuyết đáng sống” (liveability theory), nói rằng những xã hội đáng sống nhất là xã hội có khả năng cung cấp ở mức độ cao nhất nhu cầu cho con người (theo tháp nhu cầu Maslow chẳng hạn) với số lượng dân chúng lớn nhất. Và chìa khóa để đáp ứng điều này, như các nhà khoa học xã hội và kinh tế đã thống nhất, chính là sự vận hành của nền kinh tế.
Tấm lưới bảo vệ
Mấu chốt của sự thiếu hạnh phúc của con người hiện đại nằm ở nguyên lý tăng trưởng vô độ của thị trường, với mục tiêu là tăng tổng giá trị của cải không ngừng. Thị trường là công cụ hữu hiệu cho một mục tiêu như thế, mang lại mức sống cao hơn cho nhiều người hơn bất kỳ hình thức sản xuất kinh tế nào trước đây, nhưng logic bên trong của nó có thể là điểm khiến chúng ta cảm thấy không hạnh phúc.
Điều này bắt nguồn từ khái niệm quan trọng nhất của chủ nghĩa tư bản: hàng hóa, cụ thể hơn là hàng hóa sức lao động. Một thế giới mang tính hàng hóa là thế giới trong đó đại đa số dân chúng sống bằng cách bán khả năng lao động của mình dưới dạng hàng hóa thông qua hình thức làm công ăn lương. Nói cách khác, để tồn tại, con người phải bán sức lao động của mình trên cùng một thị trường phục vụ cho bất kỳ loại hàng hóa nào khác. Dù có nhiều mặt tích cực và đáng khen ngợi thì nền kinh tế thị trường thuần túy, nơi coi sức lao động là hàng hóa, có thể đem đến 2 hệ quả tiêu cực.
Thứ nhất, khi con người hiện đại trở thành hàng hóa, họ trở thành đối tượng của các lực lượng vận hành thị trường tàn nhẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Họ phải đối mặt với một thế giới vốn có đặc trưng là bất an kinh niên, vì thị trường mua bán sức lao động của họ, giống như bất kỳ thị trường hàng hóa nào, luôn biến động, khó kiểm soát. Mọi người trở nên phụ thuộc vào các lực lượng vốn không quan tâm đến họ. Để tồn tại và phát triển, các nhân tố của thị trường áp dụng các giá trị làm nên nó, như là chủ nghĩa cạnh tranh, chủ nghĩa vị kỷ, tập trung vào lợi ích vật chất ngắn hạn. Trên thực tế, những điều này làm mất đi một cuộc sống thỏa mãn.
Thứ hai, khi con người bị thu hẹp vào hệ quy chiếu hàng hóa, họ thiếu khả năng đưa ra những tuyên bố về đạo đức đối với xã hội, cũng như việc chúng ta không có trách nhiệm đạo đức với một giạ lúa hay chiếc điện thoại di động. Điều này dẫn đến những người lao động bị sa thải vô tội vạ, không được đóng bảo hiểm, thiếu bảo hộ lao động, chăm sóc y tế và tất nhiên, không hạnh phúc.
Trong văn kiện trình Đại hội Đảng - một tài liệu có tính chất chính trị cao, việc đưa mục tiêu “dân hưởng thụ” vào là một nỗ lực có ý nghĩa: Đó là hành động kỳ vọng sẽ phanh những ảnh hưởng tiêu cực từ cơ chế thị trường, với con người là trung tâm của một đời sống hạnh phúc hơn. Trong bức tranh tăng trưởng kinh tế, lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy một cơ chế mới có thể lưu tâm đến niềm vui thực sự.
Đấy có thể là bước khởi đầu đáng giá, như Albert Einstein từng mô tả rằng chúng ta cần phải “tự hỏi bản thân xem cấu trúc của xã hội và thái độ văn hóa của con người phải được thay đổi như thế nào để cuộc sống con người trở nên thỏa mãn nhất có thể”. Đặt một cụm từ đúng vào trong một thái độ chính trị có thể đem đến những thay đổi bước ngoặt.
Có thể là ngoài quyền được biết, được cung cấp thông tin, bàn bạc và chất vấn, giám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước cũng như các cấp chính quyền, công dân cũng cần thêm niềm vui được tham gia vào các cơ chế này (từ thái độ tiếp nhận và ứng xử của hệ thống công quyền chẳng hạn), cũng như xa hơn là niềm vui cảm thấy mình đang sống một cuộc đời đáng sống, và cho dù không chiến thắng trên thị trường lao động, thì họ vẫn có thể tồn tại và cảm thấy mình được quan tâm.
Mục tiêu này cũng dẫn đến việc nâng cao yêu cầu của chính hệ thống công quyền trong việc tạo ra một mạng lưới an toàn xã hội để giảm bớt sự bất bình đẳng và tăng cảm giác thỏa mãn chung. Nó đảm bảo rằng những người không thể tìm được việc làm sẽ được cung cấp mức thu nhập tối thiểu, cũng như những người lao động sẽ được hưởng những phúc lợi để cảm thấy rằng họ không giống như hàng hóa. Con cái, gia đình họ sẽ được chăm sóc, dịch vụ chăm sóc sức khỏe là một quyền xã hội, nhân phẩm được coi trọng và công việc là đáng để cống hiến chứ không phải mang tính hủy hoại.
Tất cả những điều này phải gắn với nỗ lực mang lại hạnh phúc, có thể được hưởng thụ vì anh ta là một công dân, không phải chỉ thuộc về những người có thể trả tiền cho chúng.
(Phạm An)
Hướng tới lợi ích thực chất
“Dân hưởng thụ”, nói cho cùng, là làm sao mọi văn bản được ban hành hay mọi dự án được triển khai đều hướng đến lợi ích thiết thực của người dân. “Dân hưởng thụ” cũng có nghĩa là phải chấm dứt các hành vi và các thủ tục mang xu hướng dồn đẩy cái khó cho người dân. Tùy vào hoàn cảnh mỗi địa phương, mỗi vùng đất mà biên độ “dân hưởng thụ” được cân nhắc khác nhau.
Cũng tương tự như khái niệm “dân hưởng thụ” trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa tiêu chí “chỉ số hạnh phúc” vào nghị quyết.
Theo tân Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - Đỗ Đức Duy: "Ý tưởng này xuất phát từ nhận định, nếu đặt nặng vấn đề tăng trưởng và thu ngân sách thì Yên Bái mãi là tỉnh khó khăn, mãi là tỉnh nghèo, có trình độ phát triển thấp. Bởi vậy, địa phương chọn hướng đi làm sao để người dân hài lòng và hạnh phúc”.
Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái được đánh giá trên 3 yếu tố, thứ nhất là sự hài lòng về điều kiện kinh tế xã hội, thứ hai là tuổi thọ trung bình và thứ ba là môi trường sinh thái.
Ânhr: L.G. |
Chỉ số hạnh phúc là một khái niệm được đề cập một cách gấp gáp trong thế giới hội nhập, khi nhu cầu danh lợi đang tạo ra những cạnh tranh sôi sục và những hệ lụy nhức nhối. Nhiều quốc gia đã chọn ngày 20-3 hằng năm là Ngày Quốc tế hạnh phúc nhưng để cân đong hạnh phúc đích thực thì vẫn còn nhiều tranh cãi. Với tỉnh Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy khẳng định “bà con nói đường đi tới đâu thì chủ nghĩa xã hội tới đó, tức là với bà con, có được con đường đi xe máy là đã rất hạnh phúc”. Còn nhìn rộng ra toàn quốc, Việt Nam phải có chỉ số hạnh phúc như thế nào?
Năm 2012, Tổ chức New Economics Foundation của Anh đã đưa ra Chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index - HPI) và công bố Việt Nam xếp thứ hai trong số những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Tuy nhiên, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam lại cho rằng chỉ số HPI chưa phản ánh chính xác thực tế tại Việt Nam.
Thông qua đề tài “Hạnh phúc của người Việt Nam: Quan niệm, thực trạng và chỉ số đánh giá”, phó giáo sư, tiến sĩ Lê Ngọc Văn băn khoăn: “Chúng tôi đã khảo sát khắp nơi trên thế giới mà không tìm ra cách tính toán hạnh phúc chung. Hiện tại, các quốc gia và các tổ chức quốc tế vẫn đang tiếp tục xây dựng chỉ số hạnh phúc một cách độc lập. Chúng tôi phải nhờ nhiều chuyên gia để tính toán, tìm ra chỉ số đo lường hạnh phúc của người Việt Nam”.
Con người sinh ra không chỉ chăm lo cho cái ăn và cái mặc, mà còn nhiều quan hệ tình cảm cũng như nhiều khát vọng tương lai. Ước mơ giàu sang hoặc cơ hội sáng tạo của từng cá nhân cũng là đòn bẩy quan trọng cho mỗi địa phương và mỗi quốc gia trên con đường phát triển. Hiện nay, đã có nhiều nước đặt Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) ở vị trí then chốt hơn cả Tổng sản phẩm nội địa (GDP). Vì vậy, từ câu chuyện Yên Bái cũng gợi mở nhiều suy tư cho cả Việt Nam về chỉ số hạnh phúc, khi tài nguyên thiên nhiên và niềm tin con người đang bị khai thác cạn kiệt bởi các tệ nạn dai dẳng từ “tham nhũng vặt” đến “ăn quá dày”.
Muốn “dân hưởng thụ”, có lẽ phải nghĩ đến túi tiền của người lao động. Mức thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã hợp lý chưa? Từ ngày 1-7-2020, mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Nghĩa là cá nhân có thu nhập dưới 15 triệu đồng và phải nuôi dưỡng một người thân thì không phải nộp thuế. Đành rằng, thuế thu nhập cá nhân cũng là một nguồn thu quan trọng cho ngân sách. Thế nhưng, nếu làm phép toán để người nộp thuế chỉ đủ duy trì cơm áo thì đã thật hợp lý chưa? Ở ngưỡng thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân, người lao động vẫn đảm bảo cái ăn cái mặc nhưng không thể đầu tư cho những hoạt động khác nhằm nâng cao năng lực và hoàn thiện bản thân. Nếu từng công dân chỉ biết quanh quẩn cơm canh thường ngày thì rõ ràng chất lượng sống của cộng đồng rất thấp.
(Lê Thiếu Nhơn)
Phải xác định nhu cầu của nhân dân
Cùng thời điểm với việc các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII được công bố để lấy ý kiến đóng góp của người dân, ở phiên họp Quốc hội ngày 9-11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết tới năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu cấp điện cho các hộ dân ở miền núi, biên giới, hải đảo. Bộ trưởng cho biết, hiện 100% số xã trên cả nước đã được cấp điện lưới và 99,6% số hộ dân đã được sử dụng điện lưới.
Chúng ta, những người sống ở đô thị, có thể sẽ cảm thấy sốc và vô cùng bất thường nếu như một ngày nào đó toàn thành phố của mình bỗng dưng không có điện. Với đại đa số, điện đã như một dạng “nhu yếu phẩm” thường nhật không thể không có. Vậy mà vẫn còn 0,4% số hộ dân chưa được hưởng thụ thứ “nhu yếu phẩm” thông thường này.
Tất nhiên, ai cũng hiểu rằng để kéo điện lưới đến những vùng hẻo lánh có điều kiện địa lý khó khăn là một việc rất gian nan. Không phải cứ dựng cột, kéo dây là sẽ có điện bởi còn vô vàn những trở ngại khác. Và con số 0,4% cũng là con số rất nhỏ thôi nhưng dù nó có nhỏ đến mấy đi nữa, cá biệt đến mấy đi nữa thì cũng đủ khiến chúng ta nao lòng bằng câu hỏi “Tại sao vẫn có những đồng bào còn phải chịu cảnh khốn khó đến thế?”.
Ảnh: L.G. |
Rõ ràng, mức độ hưởng thụ của người dân ở mỗi nơi đều có khác biệt rất lớn so với các khu vực khác. Những người ở đô thị sầm uất, với đầy đủ các điều kiện xã hội, sẽ có mức độ hưởng thụ cao hơn hẳn những người ở vùng hẻo lánh. Đây không phải là khó khăn, là vấn đề riêng của Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào cũng tồn tại những chênh lệch kiểu này.
Ngay cả những người sống cùng một thành phố cũng đã có những chênh lệch hưởng thụ rồi. Điều kiện kinh tế khá giả, mức độ hưởng thụ cũng sẽ khác hẳn với người có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp hơn. Sự chênh lệch ấy là bản chất của đời sống chứ không phải do hình thái xã hội hay do thể chế.
Song, cơ bản, người dân ở bất kỳ địa chỉ nào, ở bất kỳ tầng lớp nào cũng đều có quyền hưởng thụ công bằng nhau về mức độ ở một điểm duy nhất: các dịch vụ công.
Có một điểm chúng ta cần lưu ý là mấy năm gần đây, dịch vụ bảo hiểm y tế (BHYT) đã và đang được thực thi rất tốt. Nhiều người dân đã cảm thấy sự thiết thực của BHYT và cho dù ngành y tế có còn những tồn đọng gì đi nữa, chính sách BHYT vẫn thực sự rất đáng khen ngợi. BHYT công bằng với tất cả những người dân tham gia, bất luận hoàn cảnh cá nhân của họ như thế nào. Song, dịch vụ y tế cho người dân thì lại hoàn toàn khác. Hiện tượng bệnh nhân đổ về các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện trung ương là minh chứng rõ nét nhất cho sự thiếu công bằng này.
Y tế và BHYT chỉ là một ví dụ rất nhỏ thôi trong vô vàn ví dụ về dịch vụ công. Và, nếu mở rộng hơn nữa, các đầu tư công cũng chưa mang lại sự công bằng hưởng thụ cho người dân.
Câu chuyện điện lưới ở trên có thể được lý giải bằng các khó khăn địa lý, bằng số hộ dân chưa có điện lưới là thiểu số quá ít. Nhưng, có rất nhiều khía cạnh khác nữa về cơ sở vật chất hạ tầng, cơ sở văn hóa... cho thấy nhiều người dân ở các vùng nông thôn đang rất thiệt thòi so với cư dân thành thị. Thậm chí, có những vùng thua thiệt hơn vùng khác mà đơn cử là điều kiện giao thông vận tải của miền Tây Nam bộ chưa được tốt như Đông Bắc bộ.
Và để thiết lập sự công bằng hưởng thụ này, Chính phủ còn phải đi một chặng đường dài bởi các dự án đầu tư công không thể chỉ được thực hiện nhờ vào quyết tâm, ý chí mà còn phải cần tới vốn đầu tư cùng các kế hoạch phát triển sát sườn.
Nói như thế để biết, dù chưa được công bằng trong hưởng thụ khi so sánh với các nơi có điều kiện hơn mình, người dân vẫn không bao giờ kêu ca, oán thán. Chứng tỏ, người dân hiểu và thông cảm cho các khó khăn của Chính phủ. Vậy thì Chính phủ cũng cần phải hiểu dân thực sự, để đặt nhân dân làm trọng tâm trong phương châm “dân thụ hưởng” của mình.
Thực tế, muốn làm cho một ai đó được thụ hưởng, tức là họ có cảm giác hưởng thụ thật sự chứ không chỉ đơn thuần là được nhận một cái gì đó, chúng ta rất cần phải hiểu được nhu cầu của họ là gì. Vì thế, khi Chính phủ xác định phương châm “dân thụ hưởng”, dứt khoát việc cần làm đầu tiên phải là xác định nhu cầu chung của nhân dân là gì. Từ nhu cầu chung ấy, Chính phủ mới bắt đầu thiết kế các mô hình dịch vụ công để trước mắt thỏa mãn nhu cầu này.
Một câu chuyện rất đơn giản nhưng có thể nói ra được nhiều điều. Những năm tháng bao cấp khó khăn về kinh tế, chuyện gia đình nào có được một cái đài thu thanh (radio) là vô cùng lớn lao bởi đó là một món hàng xa xỉ. Và nhu cầu về thông tin của người dân thì luôn tồn tại, luôn phát sinh mỗi ngày. Thế nên, thời đó, mỗi tổ dân phố đều có cái “loa phường” và có cả bảng tin để dán nhật báo.
Còn bây giờ, khi xu hướng cá nhân hóa đã rất mạnh mẽ và điều kiện về phương tiện tiếp cận của người dân đã tốt hơn rất nhiều, cái loa phường bỗng dưng trở nên phiền hà với họ. Nhu cầu của họ là không bị sự phiền hà ấy quấy rầy mỗi ngày nữa.
Nhưng, họ cũng bắt đầu nảy sinh những nhu cầu thông tin cao hơn với những tin tức chuyên sâu, với những đòi hỏi về minh bạch, công khai. Và, nhu cầu minh bạch, công khai này đã được đáp ứng toàn diện, tối đa trong khả năng có thể hay chưa? Chắc chắn không ai dám khẳng định là “Đã”.
Một loạt các động thái gần đây (như chuyện hướng tới bỏ sổ hộ khẩu giấy chẳng hạn) đang có xu thế hướng tới việc cho nhân dân được thụ hưởng một dịch vụ công tốt hơn, hiệu quả hơn và tiết kiệm thời gian hơn. Có thể nói, đó chính là những nỗ lực âm thầm nhưng rất đáng ghi nhận của Chính phủ.
Song, vẫn còn rất nhiều bất cập trong hệ thống khiến cho người dân cảm thấy bị phiền nhiễu và do đó kéo theo sự mất niềm tin. Và đã đến lúc Chính phủ cần phải điều nghiên cụ thể để nắm bắt người dân muốn gì, cần gì bởi chỉ cách đó mới có thể giúp đặt nhân dân thành trọng tâm thụ hưởng.
Và còn một điểm nữa mà chúng ta cũng phải nhắc tới là sự trong sạch cần có trong những dự án đầu tư công. Đã có quá nhiều đại án xoay quanh các dự án đầu tư công bị phanh phui và xét xử trong thời gian qua. Chúng khiến người dân có cảm giác họ bị một số cá biệt quan chức lợi dụng để tư lợi và nó khiến mục đích mang lại các quyền lợi hưởng thụ cho nhân dân mờ nhạt đi rất nhiều. Đây chính là thứ nguy hại nhất đối với xã hội và thể chế bởi nó hủy hoại niềm tin một cách khốc liệt. Cảm giác hưởng thụ không còn thì chắc chắn mục đích của phục vụ là bất thành.
Khi đặt nhân dân là người thụ hưởng, bộ máy phải coi mình là người phục vụ, người cung cấp dịch vụ. Đặt mục tiêu phục vụ lên hàng đầu, người đại diện của bộ máy sẽ luôn tìm hiểu mức độ thỏa mãn của người thụ hưởng bằng cách so sánh giữa nhu cầu của họ với việc cung cấp dịch vụ của mình. Lấy phép so sánh đó làm thước đo công việc và cố gắng hoàn thiện dựa trên thước đo ấy phải là phương châm hành động. Nếu không, tất cả những gì đọng lại sẽ chỉ là các tuyên bố bằng sáo ngữ và nó càng khiến sự mất niềm tin trong dân trầm trọng hơn.
(Hà Quang Minh)
Phạm An - Lê Thiếu Nhơn - Hà Quang MinhXem thêm: /292126-gnouh-uht-coud-nad-ed-oas-maL/ed-neyuhC/nv.moc.dnac.tcgtna