- Huyền thoại SBC ở thành phố mang tên Bác
- Đại tá Phan Thanh - Một huyền thoại SBC
- Dấu ấn người thủ lĩnh SBC một thời
Đất nước thanh bình đã 45 mùa xuân, thành phố Hồ Chí Minh cũng ngần ấy thời gian bình yên dù trải qua không ít gian nan, thử thách trong việc giữ gìn trật tự trị an. Để đổi lấy sự yên bình ấy, lực lượng Công an thành phố nói chung, Cảnh sát hình sự - đặc biệt là những chàng ngự lâm săn bắt cướp (SBC) nói riêng - đã lập nhiều chiến công huyền thoại, sáng ngời lòng quả cảm.
Đại tá Mai Văn Tấn cùng thời với những cái tên đã đi vào huyền thoại như Đội trưởng SBC đầu tiên Ba Tung (Phan Thanh), Đại úy Hai Thành (Võ Tấn Thành, đội trưởng kế vị), Dương Minh Ngọc, Lý Đại Bàng, Phạm Văn Thịnh (Hai Thịnh), Kỷ Bình Thế, Lê Thanh Liêm, Nguyễn Thanh Hiền, Thắng, Phổ, Cỏi, Khôi…
Tiếp theo Thiếu úy Kỷ Bình Thế, Đại tá Lý Đại Bàng, Đội trưởng SBC kế vị Võ Tấn Thành, Đội trưởng SBC đầu tiên Ba Tung, nay lại thêm một huyền thoại SBC nữa ra đi vĩnh viễn. Đó là Đại tá Mai Văn Tấn. Ông qua đời vào ngày 28-10-2020, để lại bao tiếc thương cho gia đình, bạn bè và các cựu SBC cũng như người dân thành phố. Mai Văn Tấn là một trong những chàng ngự lâm SBC được mệnh danh là “vua tốc độ”, có tài bắn súng siêu đẳng, đã cùng đồng đội lập nên những chiến công huyền thoại trong cuộc chiến chống tội phạm, giữ gìn bình yên cuộc sống cho nhân dân.
Khi lính hình sự say nghề
Đầu Xuân năm 1978, chàng trai trẻ Mai Văn Tấn rời gia đình bên dòng Tiền Giang vào ngành Công an khi vừa tròn 19 tuổi. Sau gần một tháng huấn luyện gian khổ, Ba Tấn đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt trong nghề trinh sát và được tuyển chọn vào Đội Trinh sát SBC Phòng CSHS CATP.
Quá trình chiến đấu, Mai Văn Tấn đã có những kỷ niệm vui buồn, gian khổ với những chiến công thầm lặng. Một lần Đội trưởng Đội SBC Hai Thành phân công Mai Văn Tấn qua quận 4 theo dõi một đối tượng lừa đảo và cướp tài sản. Nhiệm vụ của anh là ngồi canh ở đầu hẻm đường Đoàn Văn Bơ xem đối tượng ra vô thế nào, tiếp xúc với ai? Công việc chỉ có vậy nhưng anh phải ở đây gần hai tuần. Ngày ngày uống nước mía, nhai bánh mì, nuốt khoai sắn.
Đại tá Mai Văn Tấn khi giữ chức Trưởng Phòng CSHS. |
Ngày đó, anh em thường cắm chốt một mình, chẳng có máy liên lạc, không thể trao đổi với ai, nên chỉ biết chờ tin báo miệng từ người của anh Hai Thành. Báo cáo tin tức cho anh Hai thì dùng bút chì viết vào vỏ bao thuốc lá Hoa Mai hay Đà Lạt theo thư tay, và nhận chỉ đạo cũng từ đó. Hoặc đang ngồi gặm bánh mì thì em bé bán vé số hay bà nào đó lại đưa miếng giấy bảo có người gửi thì đó là thư của anh Hai.
Lần này nhận vỏ bao thuốc lá gấp tư, Mai Văn Tấn mở ra đọc, tâm can xúc động dạt dào và thấy thương anh Hai vô cùng. Vì trong thư anh Hai Thành hỏi vỏn vẹn một câu: Có bị muỗi cắn nhiều không? Ngẫm nghĩ một hồi, trinh sát trẻ Mai Văn Tấn giật mình: “Chắc anh Hai chỉ đạo ẩn ý gì đây, chứ hổng lẽ hỏi thiệt vậy”.
Lúc đó tâm trí Ba Tấn vận động hết công lực để nghĩ xem anh Hai muốn chỉ đạo gì. Nghĩ mãi không ra, Ba Tấn đành ngồi khóc vì sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó anh viết thư với nội dung: “Em không rõ anh Hai muốn chỉ đạo gì?” Chiều hôm sau, Ba Tấn nhận được thư của anh Hai Thành có nội dung: “Chú mày giàu trí tưởng tượng quá. Anh hỏi ngồi chỗ đó có bị muỗi cắn nhiều không. Có thì nói để anh mua nhang muỗi cho mà đốt”.
Quả thật chỗ Mai Văn Tấn ngồi có rất nhiều muỗi, ngày đêm muỗi thi nhau đốt sần người. Sau đó, một cậu bé đưa năm khoanh nhang đuổi muỗi, anh biết đó là của anh Hai Thành. Ba bốn ngày sau, không thấy đối tượng xuất hiện, Ba Tấn dò hỏi thì người dân cho biết “có mấy ông nào đó “kẹp” nó đi hôm trước rồi”.
Lúc này anh lại vận hết công lực trí óc để đoán xem đối tượng đã đi với đồng bọn hay bị trinh sát bắt. Anh định đến Công an phường hỏi chuyện thì một trinh sát đến bảo “Anh Hai bảo cậu về, đối tượng đã bị bắt rồi”. Mai Văn Tấn nghĩ, theo dõi đối tượng mà đối tượng bị đồng đội bắt không biết thì nguy to rồi, về ăn kiểm điểm chắc luôn. Nhưng trái với ý nghĩ của anh, khi về, anh Hai Thành xin lỗi vì để quên anh, còn đối tượng thì do yêu cầu khẩn cấp, trinh sát đã bí mật bắt khi hắn vừa đi xe đạp ra khỏi nhà. Mai Văn Tấn liên tưởng lại là lúc đó chắc anh đi vệ sinh.
Trinh sát Mai Văn Tấn - Người thứ 2 từ trái qua. |
Lần theo dõi nghi can giết người ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, Tấn cũng được cử lên đây nằm gần hai tuần. Đây là vùng quê, người dân lúc bấy giờ rất nghèo khổ, nhưng tấm lòng của bà con với anh em công an thì như cá với nước, họ đùm bọc, chở che, giúp đỡ tận tình.
Ruột tượng gạo anh gửi bà con nấu rất tiết kiệm, độn sáu bảy mươi phần trăm khoai sắn và bảo anh ăn cho no để có sức mà theo dõi tội phạm. Thế rồi gạo hết và án đã phá xong (đối tượng bị bắt ở nơi khác) nhưng cái tính hay quên của anh Hai Thành đã “bỏ đói” trinh sát Tấn thêm bốn năm ngày nữa. Sau đó anh Hai Thành cho gọi Ba Tấn về, xin lỗi và chịu phạt một chầu đế Gò Đen.
Đối tượng tên Đông (biệt danh Đông Nam Bộ) là tên cướp giết người khét tiếng đã trốn thoát khỏi Trại giam Chí Hòa. Việc truy bắt tên Đông vô cùng gian nan, cực khổ vì hắn rất tinh ranh, xuất quỷ nhập thần bất cứ lúc nào và thường cắt đuôi trinh sát rất tài tình. Một chiều cuối tuần, Mai Văn Tấn chở vợ và hai con về ngoại ở quận 4. Vừa đến khu vực Gò Mã (Q4), phát hiện Đông Nam Bộ đang chạy xe máy phía trước, anh Tấn bảo vợ con “xuống, xuống”.
Vợ và hai con liền xuống xe, anh phóng theo tên Đông. Biết gặp công an, hắn phóng nhanh vào hẻm. Anh tăng ga đuổi theo nhưng nhiều con hẻm ngoằn ngoèo đã giúp hắn cắt đuôi sau khoảng mười phút truy đuổi. Anh quay lại thì vợ và hai con đang lững thững trên đường. Anh cười buồn vì để mất đối tượng. Sau đó, Đông Nam Bộ bị Cảnh sát hình sự Đắk Lắk bắt theo lệnh truy nã.
Vụ anh theo dõi tên cướp đầu sỏ Trịnh Xuất ở quận 1 cũng là một chiến công xuất sắc nhưng rất thầm lặng. Sau hàng tháng trời ròng rã truy lùng, Ba Tấn phát hiện Trịnh Xuất thường ăn nhậu tại một nhà hàng ở quận 3. Một chiều tối cuối tuần, Trịnh Xuất cùng nhân tình từ nhà hàng bước ra, Ba Tấn ra ám hiệu cho các trinh sát áp sát.
Rồi ngay lập tức, anh cùng một trinh sát ép súng K54 vào bụng Trịnh Xuất, giải hắn về Phòng Cảnh sát hình sự. Quá trình đấu tranh, Trịnh Xuất khai nhận đã dụ yêu 6 cô gái rồi lột sạch tài sản, nhiều cô còn bị hắn đe dọa lấy mạng nếu báo với công an. Nghe Mai Văn Tấn và các trinh sát nói về âm mưu của Trịnh Xuất, cô nhân tình ấy toát mồ hôi và cảm ơn các trinh sát SBC đã cứu mạng và tài sản cho mình.
Bản lĩnh, trí tuệ vì thành phố thân yêu
Vào thời điểm năm 1978-1979, phố phường Sài Gòn chuyện cướp bóc xảy ra liên tục, có ngày hàng chục, thậm chí hàng trăm vụ. Rúng động nhất là các vụ án lớn như vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, con bác sĩ Lã Hỷ để tống tiền, đặc biệt là vụ án giết nữ hoàng sân khấu cải lương Thanh Nga và chồng cô, cộng thêm vụ thảm sát 3 người tại nhà “quận chúa” Mộng Hoa ở quận Tân Bình, lực lượng Cảnh sát hình sự thành phố phải căng mình, dàn sức điều tra truy lùng hung thủ.
Tuy mới được thành lập nhưng lực lượng SBC đã chứng tỏ bản lĩnh, trí tuệ, nhất là tinh thần mưu trí, dũng cảm, dám hy sinh tính mạng để bảo vệ sự yên bình cho nhân dân. Một chiến sĩ SBC Công an quận 1 đã bị bọn tội phạm bắn chết trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Biến đau thương thành hành động, trinh sát trẻ Mai Văn Tấn cùng đồng đội ngày đêm tích cực theo dõi, điều tra khám phá băng nhóm bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, con bác sĩ Lã Hỷ và kẻ bắn chết vợ chồng Thanh Nga vì bắt cóc con trai cô không thành. Băng cướp này do tên Nguyễn Văn Tân cầm đầu. Chúng đã đền tội trong một phiên tòa sau đó.
Đầu tháng 6-2020, Đại tá Mai Văn Tấn còn kể với chúng tôi về kỷ niệm anh cùng đồng đội bắt tướng cướp khét tiếng Tín Mã Nàm. Tín Mã Nàm là tướng cướp và trùm giang hồ vô cùng độc ác ở Sài Gòn - Chợ Lớn thời chế độ cũ. Cuộc điều tra truy bắt Tín Mã Nàm xuất phát từ việc trình báo của nữ ca sĩ phòng trà tên Thục Nh. vào đầu thu năm 1979. Theo lời Thục Nh., Tín Mã Nàm đã hãm hại gây cảnh mù lòa cho chồng Thục Nh. và cướp cô về làm vợ trong một thời gian dài trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Được phân công cùng các trinh sát theo dõi tên cướp khét tiếng này, Mai Văn Tấn đã mất ăn mất ngủ bao đêm.
Đồng chí Mai Văn Tấn nhận Huân chương chiến công Hạng 3. |
Một hôm anh cùng đồng đội phát hiện Tín Mã Nàm chạy xe Honda 67 trên đường Tỉnh lộ 10, quận 6 và huyện Bình Chánh, anh cùng đồng đội áp sát nhưng vì đường đông người và Tín Mã Nàm quá tinh ranh nên đã kịp phóng xe tẩu thoát. Sau đó lãnh đạo phòng chỉ đạo trinh sát Kỷ Bình Thế vào vai “trợ lý mật vụ” cho Tín Mã Nàm rồi điều hắn từ Đà Lạt về quận 11 để anh em trinh sát đón bắt vào cuối năm 1979.
Trận đó trinh sát trẻ Mai Văn Tấn cùng đồng đội mai phục suốt đêm ở nghĩa địa Triều Châu, quận 11. Cuộc đấu súng sinh tử với Tín Mã Nàm và đồng bọn diễn ra vô cùng quyết liệt, cuối cùng Tín Mã Nàm và 2 tên đồng bọn đã bị tước súng, khóa tay.
Khi giữ chức Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, đại tá Mai Văn Tấn đã kịp thời chỉ đạo lực lượng trinh sát và điều tra viên theo dõi, bắt giữ tên giang hồ khét tiếng Bình Kiểm. Dù rất gian manh, xảo quyệt và gan lì nhưng trước sự thẩm vấn khôn khéo và kiên quyết của cán bộ lão luyện Mai Văn Tấn và các điều tra viên, Bình Kiểm đã cúi đầu nhận tội, khai rõ quá trình phạm pháp trong một thời gian dài.
Từ một trinh sát SBC được mệnh danh là một trong những “vua tốc độ Honda 67 xoáy nòng”, chiến sĩ Mai Văn Tấn đã phấn đấu trưởng thành qua nhiều chức vụ. Sau nhiều năm làm Trưởng Công an huyện Nhà Bè, Đại tá Mai Văn Tấn được điều về giữ chức Trưởng Phòng CSHS, Công an TP HCM.
Anh đã cùng lãnh đạo phòng tập trung xây dựng lực lượng CSHS thành phố tiếp tục lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần giữ gìn bình yên cuộc sống cho nhân dân. Những chiến công huyền thoại của anh và đồng đội năm xưa rất đáng trân trọng và lưu danh sử sách. Đại tá Mai Văn Tấn mãi mãi là một huyền thoại SBC trong lòng người dân thành phố.
Thanh NghịXem thêm: /200326-CBS-iaoht-neyuh-tom-oC/gtna-ueil-uT/nv.moc.dnac.gtna