Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục xây dựng một lớp nông dân mới, có khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, đổi mới tư duy và cách làm - Ảnh: QUANG HIẾU
Chiều 12-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư trung ương Đảng về đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2010-2020” và quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Trưởng Ban Dân vận trung ương, trưởng Ban Chỉ đạo đề án 61 Trương Thị Mai đồng chủ trì.
Dẫn cảnh báo báo chí quốc tế rằng một nạn đói lớn có thể xảy ra trên toàn cầu, còn nặng nề hơn cả dịch COVID-19, Thủ tướng nhấn mạnh nông dân, nông nghiệp Việt Nam là nền tảng, trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.
Theo Thủ tướng, chúng ta đã triển khai quyết liệt, sát sao đề án 61, đạt nhiều kết quả đáng mừng. 10 năm qua, mặc dù còn khó khăn về ngân sách nhưng Chính phủ đã cấp 660 tỉ đồng bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân trung ương; 63 tỉnh thành đã cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp địa phương gần 2.000 tỉ đồng.
Chính phủ đã quan tâm lo cả đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, giải quyết tình trạng "được mùa rớt giá".
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng vẫn còn một số tồn tại lớn như một số ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện để hội nông dân các cấp tham gia thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn.
"Nhiều nơi còn bất cập, nhất là trong việc bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đội ngũ cán bộ ở một số cấp còn còn thiếu và yếu về trình độ, năng lực nghiệp vụ. Việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham mưu các vấn đề liên quan đến nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn hạn chế" - Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục xây dựng một lớp nông dân mới, có khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm, không để tình trạng "con trâu đi trước, cái cày theo sau".
Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng đề nghị cùng với ngân sách trung ương, các địa phương xem xét cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Hơn 27.000 nông dân là tỉ phú
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đề án 61, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do các cấp hội nông dân phát động đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn.
Hằng năm, trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (đạt 138,4% so với mục tiêu đề án). Trên 2,2 triệu hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, trên 775.000 hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, trên 505.000 hộ thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỉ đồng, hơn 27.000 hộ thu nhập trên 1 tỉ đồng.
Hằng năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 220.000 hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 4.800 tỉ đồng; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động; giúp trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, 100.000 hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm ăn khá giả, giàu có, góp phần nâng cao thu nhập cho cư dân ở nông thôn từ mức 9,15 triệu đồng/người (năm 2008) lên mức 35,88 triệu đồng/người (năm 2018), tăng gấp 3,92 lần (đạt 156,8% so với mục tiêu đề án)...
TTO - Cứ sau mỗi năm, chương trình Tiếp sức nhà nông lại đón nhận tin vui từ những hộ nông dân nghèo được hỗ trợ vốn vươn lên thoát nghèo, con cái học giỏi.