Theo Thanh tra TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 9/2019, chi phí khám chữa bệnh BHYT vượt quỹ, vượt trần năm 2017 của 151 cơ sở khám chữa bệnh là 258,860 tỷ đồng và chi phí khám chữa bệnh vượt dự toán và vượt trần năm 2018 là 186,352 tỷ đồng, chưa được BHXH Việt Nam xem xét và chấp nhận thanh toán.
Chi phí khám chữa bệnh BHYT vượt quỹ, vượt trần hàng trăm tỷ đồng. Ảnh minh họa. |
Về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí kết dư Quỹ BHYT, Thanh tra thành phố kết luận Sở Y tế chưa chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành có liên quan, thời gian triển khai thực hiện tham mưu, đề xuất chậm trễ, kéo dài từ 5 tháng đến 10 tháng theo chỉ đạo của UBND thành phố về việc sử dụng kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2015, năm 2016…
Sở Y tế tham mưu, đề xuất trích kinh phí kết dư Quỹ BHYT năm 2015 để bổ sung vào Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo thành phố (do Sở Y tế quản lý) số tiền 50 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe, mua thẻ BHYT cho hộ nghèo nhóm 3a, hộ cận nghèo thành phố là chưa phù hợp với tình hình thực tế...
Kinh phí Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo thành phố còn thừa của năm 2015 hơn 24,5 tỷ đồng, năm 2016 hơn 43,6 tỷ đồng và năm 2017 hơn 14,7 tỷ đồng, phải nộp về Quỹ dự phòng BHYT theo quy định.
Đối với số tiền 176,617 tỷ đồng dùng để mua sắm trang TBYT trong nguồn kinh phí kết dư Quỹ BHYT năm 2015, Bộ Tài chính và Văn phòng UBND thành phố thống nhất giao Sở Y tế báo cáo lại đầy đủ việc mua sắm, thanh toán các khoản mua sắm trang TBYT từ nguồn kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT năm 2015 và có ý kiến đề nghị cụ thể, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư. Những việc này có trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở Y tế.
Trong phần kết luận về thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các đơn vị: BV Ung Bướu, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhi đồng 1, Công ty cổ phần BV Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, Công ty TNHH Trung tâm Y khoa Phước An, Thanh tra thành phố cho rằng các đơn vị này đã có sai sót trong việc thực hiện hồ sơ chẩn đoán dịch vụ kỹ thuật dẫn đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT chưa đúng với tổng số tiền hơn 28,1 tỷ đồng.
Việc sử dụng thuốc trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đề nghị thanh toán BHYT từ năm 2014 đến quý 2 năm 2019 tại 5 đơn vị này cũng có sai sót về giá thuốc đề nghị thanh toán với tổng số tiền là hơn 2,6 tỷ đồng.
Các sai sót này trách nhiệm thuộc về lãnh đạo cao nhất của 5 đơn vị và trưởng các khoa, phòng có liên quan. Riêng BV Ung Bướu không xây dựng danh mục vật tư y tế đối với 23 mặt hàng gửi BHXH thành phố để làm cơ sở thanh toán chi phí VTYT từ nguồn Quỹ BHYT cho các bệnh nhân khám chữa bệnh có tham gia BHYT, là thực hiện chưa đúng quy định. Ngoài ra, một số thuốc thanh toán BHYT, BV Ung Bướu thực hiện mua sắm theo giá thuốc của BV Chợ Rẫy, giá thuốc mua sắm theo các đợt năm 2011, năm 2012, năm 2013 với số lượng 109 mặt hàng thuốc, tổng số tiền 28,662 tỷ đồng cũng chưa đúng quy định…
Về thực hiện mua sắm trang TBYT và VTYT, BV Ung Bướu còn có sai sót về trình tự thủ tục về không ban hành Quyết định thành lập Bên mời thầu là chưa phù hợp quy định tại Khoản 3, Điều 74 Luật Đấu thầu năm 2013. BV này cũng thực hiện 32 gói thầu mua sắm trực tiếp VTYT và hóa chất mà không bằng hình thức đấu thầu rộng rãi.
Tương tự, BV Nhân dân Gia Định cũng thực hiện mua sắm trực tiếp 15 gói trang TBYT không bằng hình thức đấu thầu rộng rãi… BV Nhi đồng 1 chưa lập thành kế hoạch mua sắm trang TBYT 5 năm (giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020), mới chỉ lồng ghép trong kế hoạch hoạt động 5 năm…
Thanh tra TP Hồ Chí Minh kết luận, qua thanh tra việc mua sắm trang TBYT và VTYT, cho thấy cả baBV(Ung Bướu, Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 1) đều sai trong việc áp dụng hình thức đấu thầu thực hiện (riêng đối với BV Nhân dân Gia Định còn thực hiện mua sắm trực tiếp 15 gói TBYT)…
Từ một số kết luận nêu trên, Chánh Thanh tra thành phố kiến nghị và đã được Chủ tịch UBND thành phố thống nhất, kết luận chỉ đạo giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH thành phố tham mưu, đề xuất UBND thành phố có văn bản đề nghị BHXH Việt Nam sớm xem xét, thanh quyết toán đối với kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phát sinh vượt quỹ, vượt trần và vượt dự toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT năm 2017, năm 2018 và năm 2019 theo quy định.
Đồng thời, có văn bản đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về khám, chữa bệnh từ nguồn kinh phí Quỹ BHYT với nhiều nội dung, trong đó, kiến nghị Bộ Y tế xem xét kết cấu đầy đủ các chi phí (nhất là chi phí khấu hao trang TBYT) vào cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. Đề xuất mở rộng nhiều gói BHYT để giảm gánh nặng cho gói BHYT bắt buộc vì với mức đóng như hiện nay và việc tăng giá khám chữa bệnh BHYT (do chính sách đưa dần tiền lương và các chi phí khác vào giá nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách) cộng với chính sách tăng quyền lợi cho người bệnh (thông tuyến, mở rộng các dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới,...) thì các cơ sở khám chữa bệnh sẽ phải vượt dự toán chi kinh phí khám chữa bệnh BHYT.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH thành phố, Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH tham mưu, đề xuất UBND thành phố hướng xử lý đối với nguồn kinh phí kết dư Quỹ BHYT năm 2016 chưa sử dụng. Chấn chỉnh việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm TCB cho các đơn vị, BV công lập trực thuộc Sở Y tế chưa đúng quy định theo kết luận thanh tra. Tiến hành thanh tra việc liên doanh, liên kết, đặt máy, mượn máy tại các BV công lập trực thuộc Sở Y tế. Tổ chức kiểm điểm các cá nhân (BV Ung Bướu, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhi đồng 1) có sai sót trong việc sử dụng thuốc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, thực hiện đấu thầu, mua sắm TCB, trang TBYT và VTYT theo kết luận thanh tra.
Đề nghị Giám đốc BHXH thành phố xử lý, thu hồi các khoản chi thanh toán khám, chữa bệnh BHYT của các đơn vị có sai sót theo kết luận thanh tra đúng theo quy định. Giao Giám đốc các BV Ung Bướu, Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 1 khắc phục sai sót, tồn tại của hồ sơ bệnh án. Tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc theo quy định pháp luật về đấu thầu và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đúng quy định…