Ngày mai (14/12), TAND TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải), Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải) cùng 5 đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Liên quan tới vụ án, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") cùng 12 đồng phạm bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Được biết, mọi công tác chuẩn bị cho phiên tòa đã hoàn tất. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Huỳnh Văn Trực. Thẩm phán thứ hai trong HĐXX là ông Vũ Tất Trình. Đại diện Viện KSND tối cao và Viện KSND TPHCM tham gia phiên tòa có ông Nguyễn Mạnh Thường, ông Lê Hữu Ngọc, ông Tô Hữu Thông, bà Trần Thị Liên và ông Ngô Phạm Việt.
HĐXX xác định bị hại trong vụ án là Bộ Giao thông vận tải. Bên cạnh đó, HĐXX triệu tập 14 pháp nhân và 11 cá nhân tới tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tại phiên tòa bắt đầu vào sáng mai, bị cáo Đinh La Thăng có 6 luật sư bào chữa gồm luật sư Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Hồng Hà, Ngô Minh Hưng, Nguyễn Văn Túy, Hoàng Văn Hướng, Hoàng Văn Doãn. Luật sư Chu Thị Trang Vân và Nguyễn Đình Hưng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng Trường. Bào chữa cho bị cáo Út "trọc" có luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, Lê Thị Bích Chi, Lê Hồng Nguyên, Đặng Thị Thanh Xuân, Phạm Thành Luân. Ngoài ra, còn 26 luật sư khác tham gia bào chữa cho các bị cáo.
Ông Đinh La Thăng bị tạm giam tại trại giam B14 Bộ Công an (Hà Nội); còn các bị cáo khác bị tạm giam tại trại giam T16 Bộ Công an, trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh, trại tạm giam T75, trại tạm giam T771 Bộ Quốc phòng. Tất cả đã được di lý vào TPHCM.
Theo cáo buộc, ông Thăng với vai trò là người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải - được giao quản lý tài sản, trong đó có quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương, đã ký văn bản đề nghị tìm đối tác để bán quyền thu phí tại dự án này.
Tháng 2/2012, sau khi Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương cho bán quyền thu phí, ông Thăng đã điện thoại chỉ đạo Dương Tuấn Minh (nguyên tổng giám đốc tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) để công ty của Đinh Ngọc Hệ (kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính) mua được quyền thu phí.
Hành vi này của ông Thăng được cho là "phớt lờ" các quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước và chuyển giao quyền thu phí. Tức là ông Thăng nhận thức rất rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị lớn, cần tìm đối tác có năng lực tài chính để tối ưu hóa việc bán quyền thu phí, nhưng vẫn "giúp" công ty đang thua lỗ của Út "trọc".
Quá trình tổ chức đấu giá, ông Thăng ký quyết định về việc thành lập hội đồng bán đấu giá quyền thu phí và Tổ thường trực giúp việc Hội đồng, giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch. Toàn bộ hoạt động xây dựng, hoàn thiện đề án và kết quả bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương được ông Trường báo cáo Bộ trưởng.
Thông qua các tài liệu này, ông Thăng biết việc bán đấu giá không thực hiện đúng quy định của pháp luật, để cho công ty Yên Khánh của Hệ trúng thầu theo ý định ban đầu của mình.
Cơ quan tố tụng cũng cho rằng, ông Thăng biết công ty Yên Khánh nợ kéo dài, không thanh toán tiền trúng đấu giá như cam kết, vi phạm quy chế bán đấu giá, hợp đồng phải bị chấm dứt trước hạn và trả lại quyền thu phí cho Nhà nước. Tuy nhiên, khi được Dương Minh Tuấn báo cáo, ông Thăng không chỉ đạo chấm dứt trước hạn hợp đồng mà còn yêu cầu "để doanh nghiệp trả từ từ".
Ngoài ra, ông Thăng còn bút phê đề xuất để cho công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung hai nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm và đề nghị cho công ty này cấn trừ vào tiền phải thanh toán theo hợp đồng mua quyền thu phí dẫn đến việc doanh nghiệp tiếp tục không thanh toán đúng theo quy định.
Theo cáo buộc, nhờ sự "giúp đỡ" của ông Thăng, ông Trường... Út "trọc" đã chiếm đoạt, hưởng lợi tổng cộng 725 tỷ đồng của Nhà nước.
Theo cơ quan ban hành cáo trạng, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính, với vai trò người chủ mưu, cầm đầu trong vụ án.
Xuân Duy