Thị trường tăng điểm trong tuần thứ sáu liên tiếp với thanh khoản giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 24,47 điểm (+2,4%) lên 1.045,96 điểm; HNX-Index tăng 9,84 điểm (+6,5%) lên 162,32 điểm. UPCoM-Index tăng 0,11 diểm (+0,16%) lên 68,72 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn giảm nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng 12.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn niêm yết.
Khá nhiều nhóm ngành có sự tăng trưởng tốt về vốn hóa ở tuần giao dịch vừa qua. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa tương đối mạnh. Thống kê 113 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 46 mã tăng trong khi cũng có 55 mã giảm.
Cổ phiếu THD của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức tiếp tục gây chú ý khi tăng đến gần 60% chỉ sau 1 tuần giao dịch. Tính xa hơn, cổ phiếu này đã có 11 phiên tăng liên tiếp trong đó có 6 phiên tăng trần liên tiếp. Giá cổ phiếu THD đã tăng từ 22.510 đồng/cp lên 51.000 đồng/cp sau 11 phiên, tương ứng gấp 2,3 lần. Ngày 7/12, THD đã chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 539:2.961 (1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền, 539 quyền được mua 2.961 cổ phiếu mới). Giá phát hành 10.000 đồng/cp.
Tiếp sau đó, cổ phiếu NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay tăng 27,3% từ 4.660 đồng/cp lên 5.930 đồng/cp. Đà tăng của cổ phiếu NVT diễn ra trong bối cảnh không có bất kỳ thông tin hỗ trợ nào.
Tương tự, các cổ phiếu cũng tăng giá trên 15% trong tuần qua nhưng cũng không có thông tin hỗ trợ và thanh khoản chỉ duy trì ở mức thấp có NTB của CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584, DTA của Cổ phần Đệ Tam, VGV của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - CTCP.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG giảm mạnh nhất với 20,6%. Như vậy, cổ phiếu SIP đã điều chỉnh trở lại sau khi tăng rất mạnh ở tuần trước đó. Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) thông báo đăng ký bán hơn 9,3 triệu cổ phiếu SIP tương đương với 11,77% số cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian giao dịch từ ngày 9/12 đến 21/12. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận tại HNX. Theo phương án thoái vốn đã được phê duyệt, giá khởi điểm thoái vốn lần này là 97.500 đồng/cp. Tuy nhiên, nếu giá khởi điểm này thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 ngày liên tiếp trên thị trường chứng khoán thì sẽ lấy theo giá tham chiếu bình quân này.
Cổ phiếu VNI của CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam giảm 14%. Tuy nhiên, cổ phiếu này hiếm khi có giao dịch khớp lệnh. Trong tuần vừa qua, VNI chỉ có giao dịch duy nhất ở phiên cuối tuần với khối lượng vỏn vẹn 8.200 đơn vị.
Một cổ phiếu bất động sản đáng chú ý khác là NTC của CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên giảm giá 8,8% trong tuần vừa qua. Ngay sau khi chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt (tỷ lệ 60%) và trả cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 2:1), NTC đã điều chỉnh trở lại. Cổ phiếu NTC trước đó đã tăng một mạch từ 86.030 đồng/cp (21/9) lên 259.616 đồng/cp (4/12), tương ứng gấp 3 lần.
Còn về 3 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất nhóm bất động sản (cổ phiếu họ Vingroup), cả 3 đều tăng so với tuần trước những ở mức rất khiêm tốn. Trong đó, VIC của CTCP Vingroup tăng chỉ 0,9%, VHM của CTCP Vinhomes cũng tăng 0,1%. VRE của CTCP Vincom Retail có mức tăng khá nhất với 2,1%.
Xem thêm: lmth.6662419877061-meid-mat-al-dht-21-11-7-naut-nas-gnod-tab-ueihp-oc-ial-nihn/nv.semitaer