vĐồng tin tức tài chính 365

Sáng nay xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm vì sai phạm tại cao tốc TPHCM - Trung Lương

2020-12-14 08:04

Hôm nay 14.12, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án tiêu cực xảy ra tại dự án cao tốc TPHCM – Trung Lương.

Triệu tập đến tòa 13 doanh nghiệp

Trong vụ án này, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT từ tháng 8.2011 - 2.2016), Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT giai đoạn tháng 4.2007 - 8.2017) và 5 đồng phạm khác cùng bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức án 10-20 năm tù.

Xe chở các bị cáo đến Tòa án nhân dân TPHCM sáng 14.12. Ảnh: Hữu Huy
Xe chở các bị cáo đến Tòa án nhân dân TPHCM lúc 6h50 sáng 14.12. Ảnh: Hữu Huy

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (49 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) và 12 người khác bị cáo buộc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Theo dự kiến, phiên tòa sẽ bắt đầu vào ngày 14 đến 25.12. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Huỳnh Văn Trực, Phó Chánh toà Hình sự TAND TPHCM. Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm chủ toạ, thẩm phán Vũ Tất Trình và ba hội thẩm nhân dân.

Khoảng 6h50 sáng 14.12, ông Đinh La Thăng được dẫn giải đến tòa. Ảnh: Hữu Huy
Khoảng 6h50 sáng 14.12, ông Đinh La Thăng được dẫn giải đến tòa. Ảnh: Hữu Huy

Giữ vai trò công tố có đại diện Viện KSND tối cao và Viện KSND TPHCM tham gia phiên tòa có ông Nguyễn Mạnh Thường, ông Lê Hữu Ngọc, ông Tô Hữu Thông, bà Trần Thị Liên và ông Ngô Phạm Việt. Do là phiên xử kéo nhiều ngày nên toà đã lên danh sách thẩm phán, hội thẩm cùng kiểm sát viên dự khuyết.

Để chuẩn bị cho phiên tòa, HĐXX đã triệu tập đại diện Bộ Tài chính và 13 doanh nghiệp, như: Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Công ty TNHH Phát triển đầu tư Thái Sơn, Công ty CP BOT và BT Quốc lộ 20…

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “Trọc”) được dẫn giải đến tòa. Ảnh: Hữu Huy
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ được dẫn giải đến tòa. Ảnh: Hữu Huy

Bị cáo Đinh La Thăng bị tạm giam tại trại giam B14 Bộ Công an (Hà Nội); còn các bị cáo khác bị tạm giam tại trại giam T16 Bộ Công an, trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh, trại tạm giam T75, trại tạm giam T771 Bộ Quốc phòng. Tất cả đã được di lý vào TPHCM để tiến hành xét xử.

Hơn 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho người liên quan. Riêng bị cáo Đinh La Thăng có 6 luật sư bào chữa gồm luật sư Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Hồng Hà, Ngô Minh Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM) và luật sư Hoàng Văn Hướng, Hoàng Văn Doãn, Nguyễn Văn Tuý (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Ngoài ra, có hai luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng Trường. Bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ có 5 luật sư. Ngoài ra, 26 luật sư khác tham gia bào chữa cho các bị cáo còn lại.

Bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính

Theo cáo trạng, bị cáo Đinh La Thăng (thời điểm xảy ra vụ án là Bộ trưởng Bộ GTVT) với vai trò là người đứng đầu Bộ đã được giao quản lý tài sản, trong đó có quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương, đã ký văn bản đề nghị tìm đối tác để bán quyền thu phí tại dự án này.

Tháng 2.2012, khi Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương bán lại quyền thu phí cao tốc này cho doanh nghiệp khác để lấy tiền đầu tư hạ tầng, bị cáo Thăng đã điện thoại chỉ đạo Dương Tuấn Minh (nguyên tổng giám đốc tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) để giới thiệu công ty của Đinh Ngọc Hệ (là công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính) tiếp cận và tham gia mua quyền thu phí; sau đó tạo điều kiện để công ty của Hệ trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Các bị cáo được đưa đến phiên tòa sáng 14.12. Ảnh: Hữu Huy

Theo cáo trạng, bị cáo Đinh La Thăng nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị lớn, cần tìm đối tác có năng lực tài chính để tối ưu hóa việc bán quyền thu phí, nhưng bị cáo vẫn phớt lờ, cố tình tạo điều kiện cho công ty Yên Khánh đang thua lỗ của Đinh Ngọc Hệ giành quyền thu phí cao tốc.

Bên cạnh đó, bị cáo Đinh La Thăng còn được xác định đã bút phê đề xuất để cho Công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung hai nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm và đề nghị cho công ty Yên Khánh cấn trừ vào tiền phải thanh toán theo hợp đồng mua quyền thu phí dẫn đến việc doanh nghiệp tiếp tục không thanh toán đúng theo quy định.

Đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ, sau khi được bị cáo Đinh La Thăng giúp trúng đấu giá quyền thu phí, Hệ có nhiều hành vi cắt giảm, che giấu doanh thu nhằm chiếm đoạt, gây thất thoát hơn 725 tỉ đồng của nhà nước.

Cáo trạng xác định bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ các sai phạm của các cán bộ tại Bộ GTVT trong việc tổ chức bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cho Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ gây hậu quả thất thoát cho nhà nước hơn 725 tỉ đồng.

Từ đó, cáo trạng kết luận hành vi của bị cáo Đinh La Thăng phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) và chịu trách nhiệm chính trong vụ án.

Xem thêm: odl.721268-gnoul-gnurt-mchpt-cot-oac-iat-mahp-ias-iv-mahp-gnod-av-gnaht-al-hnid-gno-ux-tex-yan-gnas/taul-pahp/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sáng nay xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm vì sai phạm tại cao tốc TPHCM - Trung Lương”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools