Một giờ học của sinh viên quốc tế ở Úc năm 2020 - Ảnh: THE AUSTRALIAN
Các trường đại học quốc tế đều cho rằng nếu không nhanh tay mở cửa, du học sinh có thể chuyển sang các nước "đối thủ" trong giai đoạn "hậu COVID-19" sắp tới.
Trả mọi chi phí để đón sinh viên
Báo The Age (Úc) đưa tin sinh viên quốc tế có thể trở lại những đại học ở bang Victoria (Úc) ngay từ tháng 1-2021 tới đây, nếu đề xuất mới của ngành giáo dục được thông qua.
Theo đó, chính quyền bang Victoria đang xem xét kế hoạch đưa 23.000 sinh viên quốc tế đến tiểu bang này từ đầu năm 2021, đồng thời tạo mọi điều kiện cho sinh viên cách ly.
Kế hoạch được nhóm các trường đại học và công ty lưu trú đưa ra, nhằm cân bằng lợi ích của các trường và sự an toàn của cộng đồng trước dịch COVID-19.
Scape - công ty cung cấp nơi ở cho sinh viên lớn nhất nước Úc - sẽ là một trong những "ông lớn" hậu thuẫn chương trình.
Ông Craig Carracher - giám đốc điều hành Scape - cho biết dự kiến sẽ có 23.000 sinh viên quốc tế trở lại bang Victoria từ tháng 1 đến tháng 4-2021.
Sinh viên sẽ sang Úc bằng các chuyến bay do các công ty lưu trú trả tiền, sau đó cách ly tại những cơ sở tư nhân dành riêng cho sinh viên. "Chúng tôi có nhiệm vụ chăm sóc sinh viên, an ninh và quản lý 24/7 các bạn" - Carracher nói với The Age.
Cuối tháng 11, Đài ABC News (Úc) đưa tin một chuyến bay đặc biệt chở 63 du học sinh quốc tế đã đến ĐH Charles Darwin (lãnh thổ Bắc Úc). Đây là bước đầu trong chương trình thí điểm để khởi động lại những chương trình du học.
Các sinh viên phải âm tính ít nhất 72 ngày trước khi lên máy bay, sau đó đến Úc sẽ cách ly thêm 14 ngày. ĐH Charles Darwin chi trả toàn bộ tiền vé máy bay, xét nghiệm, cách ly, chỉ vì quá "khát" sinh viên quốc tế.
Bà Gladys Berejiklian - thủ hiến bang New South Wales - cũng đang xem xét thí điểm đưa 1.000 sinh viên/tuần trở lại tiểu bang từ tháng 1-2021, nhằm bắt đầu bù đắp phần nào lượng du học sinh thiếu hụt trầm trọng trong năm 2020.
Không nhanh sẽ mất "miếng bánh"
Không chỉ Úc, các trường đại học ở Mỹ cũng bắt đầu nới lỏng những quy định để đón thêm sinh viên từ đầu năm 2021.
Tới đây, ĐH California San Diego (California) chuẩn bị chỗ ở cho hơn 11.000 sinh viên trong khu ký túc xá, trong khi ĐH Princeton (New Jersey) nâng số lượng sinh viên có thể học tại cơ sở kể từ tháng 1-2021 từ dưới 500 lên đến hơn 5.000 người.
ĐH Cornell (New York) dự kiến đón khoảng 19.500 sinh viên sống bên trong hoặc xung quanh trường trong học kỳ mùa xuân.
Đến nay, hơn 80% sinh viên đăng ký học tập trung. Hai trường lớn là ĐH Brown (Rhode Island) và ĐH Harvard (Massachusetts) cũng tăng gấp đôi số sinh viên đến học trực tiếp trong năm học mới.
Theo The New York Times, quyết tâm thu hút thêm sinh viên trở lại ngay khi đại dịch còn phức tạp ở nhiều bang thể hiện nhu cầu thật sự của nhiều trường.
Theo khảo sát ở hơn 700 trường đại học tại Mỹ mới đây, sinh viên quốc tế đến Mỹ giảm tới 43% trong kỳ mùa thu 2020.
Trong khi đó, thống kê của Viện Giáo dục quốc tế Mỹ công bố cuối tháng 11 cho thấy tổng số sinh viên quốc tế ở Mỹ năm học này giảm còn 1,8 triệu người. Đây là lần đầu tiên số sinh viên quốc tế ở nước này giảm trong hơn một thập niên qua.
Ông David Greene - hiệu trưởng ĐH Colby (Maine) - kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện từ tháng 1-2021. Ông cho rằng các cơ sở giáo dục đại học đã quen với việc ghi nhận những ca nhiễm COVID-19 trong trường và biết cách khống chế.
Vì vậy, các trường tự tin những biện pháp phòng dịch tích cực sẽ kìm hãm được sự lây lan của COVID-19, đủ an toàn cho sinh viên đến học tại cơ sở, thay cho việc học trực tuyến như hiện nay.
Từ cuối tháng 10-2020, Bộ Di trú, tị nạn và quốc tịch Canada (IRCC) cho phép du học sinh đến Canada nếu trường đại học đã có kế hoạch phòng ngừa COVID-19, được cơ quan y tế tỉnh, bang phê duyệt.
Quyết định này giúp Canada đi trước một bước trong cuộc đua "mời gọi" sinh viên trong giai đoạn "hậu COVID-19" sắp tới. Điều này cũng đã làm cho các trường ở Úc phải "nhanh tay", nếu không muốn sinh viên quốc tế quay sang Canada, Mỹ, hay châu Âu.
Chính quyền liên bang "ra tay"
Ông Dan Tehan - bộ trưởng Bộ Giáo dục Liên bang Úc - cho biết chính phủ yêu cầu mọi tiểu bang và vùng lãnh thổ phải đưa ra kế hoạch phối hợp giữa cơ quan giáo dục và y tế để đưa sinh viên quốc tế trở lại an toàn. Kế hoạch được kỳ vọng sẽ được thông qua từ sau Giáng sinh đến cuối tháng 12 năm nay.
Du học sinh được tiêm vắcxin khi đến Anh
Theo BBC, từ ngày 8-12, Anh đã đồng loạt triển khai tiêm phòng vắcxin COVID-19, đánh dấu bước ngoặt trong "cuộc chiến" chống COVID-19. Cơ quan y tế nước này khẳng định sinh viên quốc tế có thể được tiêm chủng với quy trình giống như các dịch vụ y tế khác trước đây.
Đồng thời, bà Michelle Donelan - bộ trưởng các trường đại học (Vương quốc Anh) - vừa gửi một bức thư truyền tải thông điệp của ngành giáo dục nước này đến các du học sinh.
Theo đó, bà cảm ơn sự đồng hành của các bạn trong giai đoạn khó khăn của những học kỳ vừa qua. Bà cũng khuyên sinh viên quốc tế nên cân nhắc trở lại Anh, tận dụng thời gian nghỉ đông khoảng 5 tuần trước khi vào học kỳ mùa xuân.
Theo PIE News, làn sóng du học sinh trở lại Anh sau kỳ nghỉ đông là rất có thể. Bởi theo nghiên cứu mới đây, 92% du học sinh quốc tế sẵn sàng cách ly để đến Anh.
Tỉ lệ này cao hơn nhiều cách đây nửa năm, khi số sinh viên quốc tế sẵn sàng chịu cách ly để đến Anh chỉ hơn 70% (vào tháng 6).
Ngành mũi nhọn của Úc
Sinh viên quốc tế ở Úc thời COVID-19 - Ảnh: THE AUSTRALIAN
Theo The Age, du học sinh hằng năm góp gần 40 tỉ đôla Úc cho nền kinh tế. Ở một số tiểu bang, sinh viên quốc tế là nguồn thu khổng lồ cho ngân sách địa phương.
Chẳng hạn, khoảng 227.000 du học sinh từ 170 quốc gia đến học tập ở Melbourne (bang Victoria) năm 2019 cũng đã góp đến 13,7 tỉ đôla Úc.
Bang Victoria - nơi có những trường đại học hàng đầu như ĐH Monash, ĐH La Trobe và ĐH RMIT - luôn xem giáo dục đại học là một ngành mũi nhọn.
Do vậy, ông Phil Honeywood - giám đốc điều hành Hiệp hội Giáo dục quốc tế Úc (IEAA) - lên tiếng phê bình lãnh đạo nhiều tiểu bang, trong đó có thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews, dường như đang bỏ bê "ngành công nghiệp có giá trị nhất" trong thời điểm nhạy cảm này.
Theo ông Honeywood, cần đưa sinh viên quốc tế về Úc càng sớm càng tốt. Đây là vấn đề cấp bách vì các "đối thủ" như Canada hay Anh dần mở cửa cho du học sinh từ sớm.
Hiện nay, Ấn Độ và Nepal - hai đất nước chiếm số lượng sinh viên đến Úc nhiều thứ 2 và thứ 3 - có dấu hiệu giảm dần.
Riêng số sinh viên từ Trung Quốc - nơi du học sinh đến Úc nhiều nhất - chỉ có thể tạm ổn định nếu họ có thể sang Úc vào tháng 1-2021.
"Tôi xin nhấn mạnh cho sinh viên quốc tế trở lại vào học kỳ mùa xuân tới đây là vấn đề cấp bách, nếu không chúng ta sẽ bị bỏ lại và hậu quả sẽ khó lường" - ông Honeywood nói.
TTO - Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Minh Dũng (Daniel Nguyễn), hiện là bếp trưởng tại Mia Saigon Luxury Boutique Hotel (TP.HCM)
Xem thêm: mth.91893558131210202-naux-aum-coh-ud-yk-taoh-hcik/nv.ertiout