Một người đàn ông ném một vật không xác định trong cuộc biểu tình ở Paris ngày 12-12 để phản đối dự thảo luật an ninh toàn diện - Ảnh: AFP
Trong khi những phản ứng về đạo luật chống "ly khai Hồi giáo" đã tạm lắng, dự thảo luật an ninh mới lại đưa nước Pháp vô tình cảnh thêm bất an, cộng với tâm lý bất bình đang gia tăng trong người dân do các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch COVID-19.
Căng thẳng gia tăng
Các nhóm biểu tình cho biết đã có khoảng 60.000 người tham gia biểu tình trên khắp đất nước ngày 12-12, còn theo Bộ Nội vụ là 26.417 người. Theo báo Le Monde ngày 13-12, các nhóm biểu tình cho rằng đã có đến khoảng 10.000 cảnh sát và hiến binh cơ động được huy động tại Paris.
Dẫu sao, quy mô biểu tình hôm 12-12 kém xa ngày 28-11, lên đến 130.000 người. Nguồn cơn là ba cảnh sát vũ trang đã xông vào phòng ghi âm của một nhà sản xuất âm nhạc rồi bắt anh này.
Theo cảnh sát, do anh này không đeo khẩu trang mà còn chèo kéo họ đến tận nhà, thậm chí còn đánh trả cảnh sát. Nhưng camera trong nhà cho thấy anh này bị đánh đập tơi tả, đâu có đánh ai, chỉ che thân thôi. Câu chuyện vỡ lở với băng ghi hình, càng thêm ầm ĩ do anh này là người da đen.
Nói cho ngay, bất cứ đạo luật an ninh nào cũng được vịn lý do... bất an. Dự thảo luật an ninh toàn diện cũng thế, với các lý do trình bày ở ngay đoạn mở đầu: "Sự bất an ngày nay diễn ra ngày càng nhiều dưới các hình thức khác nhau trong cuộc sống hằng ngày của người Pháp: từ sự mất văn hóa trong giao thông đến bạo lực nghiêm trọng đối với con người, lan qua tới buôn lậu - đặc biệt là ma túy - ở gầm các tòa nhà, bạo lực đô thị hoặc ẩu đả giữa các băng nhóm".
Một trong những người "đứng tên" dự luật này là ông Christophe Castaner - bộ trưởng Bộ Nội vụ từ ngày 16-10-2018 cho tới 6-7-2020. Do ông này đã "đứng mũi chịu sào" trước làn sóng biểu tình bạo động của các nhóm "áo vàng" bắt đầu từ tháng 8-2018 tới sau này, nên dễ cho rằng dự thảo luật nhằm đối phó với các làn sóng xuống đường tương tự sau này.
Điều 24 gây tranh cãi
Dự thảo luật không bị phản đối vì các bổ sung, sửa đổi đó mà vì mỗi một điều 24 với nội dung: "...Bị phạt 1 năm tù và phạt 45.000 euro vì tội phổ biến, bằng bất kỳ phương tiện nào, với mục đích làm suy giảm tính toàn vẹn thể chất hoặc tinh thần, hình ảnh của khuôn mặt hoặc bất kỳ yếu tố nào khác cho phép nhận dạng một viên chức cảnh sát quốc gia hoặc của một quân nhân thuộc lực lượng hiến binh quốc gia khi người này đang hành động trong khuôn khổ một chiến dịch cảnh sát".
Điều 24 này, trong góc độ của Bộ Nội vụ, nhằm bảo vệ nhân viên công lực khỏi bị nhận diện trả thù sau này. Song sau vụ anh da đen bị đánh hôm 28-11, công luận lấy đó làm mũi dùi phản kháng. Dự luật được cho nhằm chống lại "chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan", nhưng xuất hiện đông đảo những ý kiến phản đối cho rằng nó được làm ra để gia tăng quyền lực của cảnh sát, khiến người dân khó khăn hơn trong việc quay phim cảnh sát.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng ở chỗ ban đầu anh này bị tạm giam và điều tra hình sự về tội "bạo lực nơi người có chức trách công quyền" và "làm loạn", song qua đến thứ ba thì được thả ra nhờ băng ghi hình cho thấy sự thật, còn các cảnh sát bị truy tố "bạo lực bởi người có chức trách công quyền" và "giả mạo văn bản công" (tức khai láo). Từ đó, ngôn ngữ Pháp bùng nổ động từ "flouter" - làm mờ hình ảnh - cùng các biếm họa ảnh cảnh sát, thậm chí các "đại chính khách", phải bị làm cho mờ đi, bằng không ra tòa chiếu điều 24 mà xử.
Dân chúng phản đối điều 24 này do cho là vi phạm tự do ngôn luận, kể cả quyền tự do châm biếm mà chính Tổng thống Emmanuel Macron đã bảo vệ trong vụ khủng bố chặt đầu thầy giáo hồi tháng 10 trước đó. Vụ xuống đường lớn hôm 28-11 đã khiến ông Tổng thống Macron và cánh của ông ở Quốc hội rút lại điều 24 mà viết lại hoàn toàn.
Những phản đối này còn thêm "cộng hưởng" của những "buồn phiền" do toàn xã hội bị giãn cách từ cuối tháng 10. Bắt đầu từ ngày 15-12 sẽ giới nghiêm sớm hơn một tiếng, từ 8h tối. Ngay cả giao thừa dương lịch vẫn giới nghiêm từ 8h tối tới 6h sáng như mọi ngày. Riêng lễ Noel xả giới nghiêm song cấm tụ tập trên sáu người đoàn tụ trong một nhà.
Trong khung cảnh "bó tay, bó chân" đó, dân chúng dễ nổi quạu. Theo Bộ Y tế Pháp, cứ 10 người thì có 2 người bị rối loạn trầm cảm, gấp đôi năm ngoái. Bài học tối thiểu: ráng cẩn trọng (ví dụ đeo khẩu trang) nơi công cộng, cũng như cẩn trọng trong hành vi công lực.
142
Cuộc biểu tình chống dự luật an ninh hôm 12-12 vừa qua ở Paris nhuốm màu bạo lực và dẫn tới gần 150 người bị bắt. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin viết trên Twitter cho biết cảnh sát đã bắt 142 người vì "vài trăm tên côn đồ đã đến để gây ra bạo lực".
TTO – Bộ trưởng Nội vụ Pháp gọi một số kẻ biểu tình quá khích là “côn đồ”, khi cuộc biểu tình chống dự luật an ninh hôm 12-12 vừa qua ở Paris nhuốm màu bạo lực và dẫn tới gần 150 người bị bắt.
Xem thêm: mth.9973437041210202-pahp-o-hnib-tab-av-na-tab/nv.ertiout