Thị trường chứng khoán khởi động phiên giao dịch đầu tuần với diễn biến tích cực. Ngay từ đầu phiên, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục giao dịch tích cực và đồng loạt tăng giá. Cùng với đó, khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng đi lên và giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu.
Tâm điểm của thị trường tập trung vào cuối phiên khi lực cầu tăng vọt và kéo hàng loạt cổ phiếu trụ cột tăng giá. Trong đó, VCB đảo chiều từ giá đỏ lên tăng 2,8% lên 99.900 đồng/cp. Bên cạnh đó, bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup cũng giao dịch theo chiều hướng tích cực khi VIC tăng 2% lên 108.900 đồng/cp, VHM tăng 2,4% lên 87.000 đồng/cp, còn VRE tăng 4,9% lên 30.000 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán khi nhận hàng loạt cổ phiếu tăng trần, cái tên đầu ngành như SSI cũng được kéo lên mức giá trần và khớp lệnh hơn 11,8 triệu cổ phiếu. Một số cái tên khác như ORS, WSS, SBS, VIG, VND, AGR... cũng tăng trần.
Hòa cùng với sự tích cực của thị trường chung, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu bứt phá mạnh. Các mã như SIP, DRH, SII, FIT, DTA hay BII cũng được kéo lên mức giá trần. SIP gây chú ý khi khớp lệnh kỷ lục 10,3 triệu cổ phiếu. Trước đó, GVR đã đăng ký bán gần 9,34 triệu cổ phiếu SIP nhằm thực hiện thoái phần vốn góp đầu tư ngoài ngành, thu hồi vốn đã đầu tư để phục vụ mục tiêu, chiến lược phát triển trong thời gian tới. Thời gian thực hiện từ 9/12 đến 21/12. Tập đoàn nắm giữ 10,74 triệu cổ phiếu trước giao dịch, tỷ lệ 13,53%.
THD tiếp tục khiến nhà đầu tư bất ngờ khi tăng trần lên 56.100 đồng/cp. Cổ phiếu này cũng đã có 12 phiên tăng liên tiếp và thị giá đã lên gấp 2,5 lần so với phiên 26/11.
Bên cạnh đó, HDG cũng tăng 6% lên 33.450 đồng/cp, HAR tăng 5,6% lên 4.750 đồng/cp, ASM tăng 5,4% lên 13.700 đồng/cp. Các mã bất động sản thanh khoản cao khác cũng tăng giá tốt gồm TDH (5,3%), PDR (4,5%), OGC (3,9%), DIG (3,8%), SCR (2,5%).
Ở chiều ngược lại, khá ít cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm sâu ở phiên 14/12. Trong đó, PFL giảm 5% xuống 1.900 đồng/cp, TNT giảm 1,7% xuống 1.720 đồng/cp…
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 18,13 điểm (1,73%) lên 1.064,09 điểm. Toàn sàn có 343 mã tăng, 112 mã giảm và 53 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,42 điểm (2,11%) lên 165,74 điểm. Toàn sàn có 110 mã tăng, 57 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,62 điểm (0,92%) lên 69,35 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 14.107 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 677 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 2.662 tỷ đồng. VRE phiên 14/12 đứng đầu về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 18 triệu cổ phiếu. ITA cũng là cổ phiếu bất động sản khác nằm trong top 10 mã khớp lệnh toàn thị trường với 16,3 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại bán ròng trở lại 466 tỷ đồng trên toàn thị trường và chủ yếu do thỏa thuận cổ phiếu TMS. Trong khi đó, VRE và NLG là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top bán ròng của khối ngoại với lần lượt 58 tỷ đồng và 15 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM và HDG là 2 mã bất động sản được mua ròng mạnh với lần lượt 31 tỷ đồng và 13 tỷ đồng.
Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tăng điểm mạnh hơn 1% phiên thứ hai liên tiếp với thanh khoản gia tăng và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất hứng khởi và lực cầu mua lên trong phiên đầu tuần là tương đối tốt. Tuy nhiên, nếu xét trên biểu đồ kỹ thuật thì tình hình lại không thực sự tích cực. Thị trường đang có dấu hiệu của đợt chạy nước rút cuối (climax top) trước khi điều chỉnh như đã diễn ra hai lần trước đó vào 23/10 và 3/9, với việc VN-Index đều tạo gap up so với phiên tăng hơn 1% trước đó với thanh khoản gia tăng. Sau đó, thị trường đều cần những nhịp điều chỉnh trở lại để tạo mặt bằng giá mới.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12 duy trì basis dương 1,72 điểm so với chỉ số cơ sở VN30 trong bối cảnh chỉ còn 3 phiên nữa là đáo hạn cho thấy sự lạc quan của các nhà giao dịch về xu hướng thị trường.
SHS dự báo VN-Index có thể sẽ mở cửa tại mức giá xanh, nhưng giảm trở lại sau đó với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.045 điểm (đỉnh tháng 6/2018). Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục tận dụng những nhịp tăng điểm trong phiên để hạ tỷ trọng cổ phiếu. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao hạn chế mua đuổi và có thể canh những nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.045 điểm (nếu có) để giải ngân thăm dò.
Xem thêm: lmth.2997247497061-ahp-tub-nas-gnod-tab-am-ueihn-gnos-nad-puorgniv-oh-ueihp-oc/nv.semitaer