Gái hát được đưa ra mua bán
Sau nhiều chuyên án dày công theo dõi, điều tra, các trinh sát hình sự công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện, phía sau những nhân viên chuyên phục vụ mở bia tại các quán karaoke tồn tại một đường dây mua bán người, hoạt động bảo kê phức tạp và nguy hiểm.
Vào ngày 14/7/2019, cháu Nguyễn Thị H. (SN 2003, TP Sầm Sơn) lên nhà bạn chơi ở TP Thanh Hóa. Sau khi cùng bạn lên một chiếc xe có 3 thanh niên do bạn gọi đến để chở lên Vĩnh Lộc chơi, cháu bị các đối tượng bắt giữ lại làm nhân viên quán hát.
Khi H. có ý định bỏ trốn thì bị các đối tượng đe dọa, đánh đập, giam lỏng và yêu cầu viết giấy vay nợ 20 triệu đồng, phải làm nhân viên quán hát trong vòng 1 năm. Hơn 10 ngày sau, H. mới được bố đến giải cứu.
Quá trình điều tra, được biết, H. bị một đối tượng là Trương Thị Hồng, người quen của bạn cháu H. bán cho các đối tượng Lê Tuấn Phong (SN 1984, thị trấn Vĩnh Lộc), Bùi Duy Tuấn (SN 1988. TP Thanh Hóa), Bùi Xuân Tùng (SN 2000, huyện Hà Trung) với giá 5 triệu đồng.
Dư luận vẫn chưa quên, vào tháng 6/2020, Công an Thanh Hóa phá Chuyên án 620M, triệt phá một đường dây mua bán người và bắt giữ người trái pháp luật để ép làm nhân viên phục vụ tại các quán karaoke.
Trong vụ án này, cảnh sát bắt giữ 4 đối tượng. Những đối tượng này đã câu kết với một số đối tượng khác thiết lập một đường dây mua bán các cô gái trẻ từ các tỉnh: Gia Lai, Đăk Nông, Hà Giang, Hà Tĩnh về Thanh Hóa để ép làm nhân viên phục vụ tại các quán Karaoke.
Thủ đoạn của các đối tượng này là câu kết với một số đối tượng là người địa phương hoặc lên mạng xã hội rủ rê các cô gái này về làm nhân viên các quán karaoke với mức lương cao.
Các cô gái được cho một số tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đi mua quần áo, sau đó các đối tượng tuyên bố số tiền đó là cho vay nên các cô gái phải làm nhân viên để trả nợ dần.
Sau một thời gian, những nhân viên này còn bị mua đi bán lại giữa các quán hát với nhau với giá 3-5 triệu đồng. Số tiền mua bán này, các đối tượng ép nhân viên phải tiếp khách để trả nợ.
Quá trình điều tra, cảnh sát xác định đây là đường dây mua bán người và có biểu hiện chăn dắt gái mại dâm.
Ngoài việc bị mua đi bán lại, nhân viên quán hát còn bị "giam lỏng", ép tiếp khách, bị đánh đập. Đa số thiếu nữ đều có độ tuổi từ 13-16 tuổi, đến từ các huyện miền núi, là người dân tộc thiểu số.
Gái hát, gái mại dâm "núp bóng" giúp việc
Trao đổi với PV Dân trí, Trung tá Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Các nhân viên quán hát, hầu hết được ký hợp đồng đến lao động giúp việc tại quán nhưng trên thực tế lại là các nhân viên phục vụ quán hát.
Rất nhiều trường hợp nạn nhân là những cô gái ở vùng dân tộc thiểu số, lúc đầu rao trên mạng là đến để giúp việc, nhưng khi đến thì bắt phải tiếp khách. Thậm chí là khách muốn có thể bị bắt đi tiếp mại dâm. Các cô này muốn bỏ về thì chúng không cho về mà sẽ giam lỏng đánh đập, đe dọa. Đây là hành vi giữ người trái pháp luật".
Cũng theo Trung tá Thịnh, khi nhân viên phục vụ một thời gian, nhiều quán sẽ làm mới nhân viên bằng cách mua lại nhân viên từ một quán hát khác, bán nhân viên cũ đi với giá giao động từ 3-5 triệu thậm chí 10- 20 triệu đồng/nhân viên hoặc có thể hơn phụ thuộc nhiều yếu tố. Hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội mua bán người.
Trong khi đó, các đối tượng liên quan đến các ổ nhóm nuôi một nhóm để chuyên đi cung cấp gái hát cho một số quán karaoke trên vùng nhất định. Gần như các cô gái này được bố trí nơi ăn nơi nghỉ. Khi khách có nhu cầu đến nhân viên thì điện cho quản lý, quản lý cung cấp nhân viên. Sau đó tính chia với nhau, về trả lương cho nhân viên một phần, một phần thì khách hàng quản lý và một bên là chủ quán karaoke được, chia ba" - Trung tá Nguyễn Hữu Thịnh cho biết.
Với kinh nghiệm nhiều năm đấu tranh với tội phạm buôn bán người, Trung tá Lê Văn Đức, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa nhận ra rằng, nhiều cô gái trẻ, thậm chí các em gái chưa đủ tuổi vị thành niên đã "gia nhập" và hành nghề gái hát như thế. Trong số này có nhiều em gái tự nguyện "gia nhập" mà không hề biết rằng mình đang là nạn nhân của bọn buôn người.
Theo thống kê từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ năm 2013 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều tra, làm rõ và khởi tố gần 20 vụ, 31 bị can phạm tội "Mua bán người", giải cứu trên 44 nạn nhân bị các đối tượng lừa bán. Hiện nay loại tội phạm này vẫn luôn tìm mọi cách để dụ dỗ, lôi kéo phụ nữ, nhất là các cô gái trẻ.
Bình Minh
Xem thêm: mth.39503755141210202-ekoarak-nauq-gnuhn-uas-pun-un-ueiht-nab-aum-yad-gnoud/taul-pahp/nv.moc.irtnad