Giảm sử dụng tiền mặt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiện lợi và nhanh chóng, tránh nguy cơ rửa tiền, tiền giả, đồng thời xác định vị thế của Ngân hàng Trung ương trong cuộc chạy đua số… là những lý do khiến nhiều nước đang thúc đẩy việc phát hành tiền kỹ thuật số.
Chính quyền Thụy Điển cho biết, đang nghiên cứu phát hành đồng tiền kỹ thuật số E-Krona sau các cuộc thử nghiệm quy mô lớn, dự kiến kết thúc vào tháng 11/2022. Người dân Thụy Điển có thể thanh toán cốc cà phê hay một chiếc kem bằng thẻ hoặc điện thoại thông minh tại chi nhánh địa phương của chuỗi quán cà phê lớn nhất đất nước. Nhiều cửa hàng và nhà hàng còn ghi rõ bảng hiệu chỉ chấp nhận thanh toán thẻ hoặc điện tử.
Tiền kỹ thuật số đang trở thành trào lưu của các ngân hàng Trung ương các nước. (Ảnh minh họa: KT)
Theo cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển Cecilia Kingsley, thói quen ít sử dụng tiền mặt đang giúp Thụy Điển trở thành người chiến thắng trong cuộc đua hướng tới xã hội hoàn toàn không dùng tiền mặt đầu tiên trên thế giới.
"So với con số cách đây 10 năm, xu hướng người dân sử dụng tiền mặt đã giảm mạnh. Đây là sự kết hợp của các điều kiện pháp lý, sự thay đổi của công nghệ, nhận thức và hành vi của con người đang tạo ra một cuộc cách mạng tại Thụy Điển", ông Cecilia Kingsley nói.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển ông Per Bolund cho biết, nước này cũng đã triển khai một cuộc thử nghiệm quy mô lớn dùng tiền kỹ thuật số từ tháng 2/2020.
Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển Riksbank, chỉ có 1% GDP Thụy Điển ở dưới dạng tiền mặt trong năm 2018. Đến năm 2020, việc sử dụng tiền mặt ở Thụy Điển đã giảm xuống mức thấp trong lịch sử, chiếm dưới 10% tất cả các khoản thanh toán trong nước, chỉ số thấp nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Thực tế không chỉ Thụy Điển, tiền kỹ thuật số đang trở thành trào lưu của các ngân hàng Trung ương các nước. Hiện có đồng tiền số khác như Bitcoin nhưng được tạo ra thông qua việc giải các thuật toán phức tạp và do nhiều cộng đồng trực tuyến kiểm soát thay vì một cơ quan Trung ương. Trước đó, các cơ quan tài chính của một số quốc gia, bao gồm Pháp, Nga và Liên minh châu Âu (EU) có sáng kiến phát triển một loại tiền quốc gia kỹ thuật số.
Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde nhấn mạnh, tiền quốc gia kỹ thuật số sẽ trở thành một xu thế. "Tôi nghĩ xu hướng này sẽ sớm xảy ra. Nhiều quốc đảo đã phát hành tiến kỹ thuật số ở cấp ngân hàng Trung ương. Do đó việc các Ngân hàng Trung ương phát hành tiền kỹ thuật số sẽ là xu thế mới. Có thể nó sẽ không phổ biến ngay vì cần giai đoạn thử nghiệm nhưng là xu hướng khó tránh", bà Christine Lagarde bày tỏ.
Bất chấp những câu hỏi về mức độ bảo mật an toàn thông tin khách hàng, khả năng bị hacker, hay cơ sở hạ tầng chưa thuận lợi, nhưng giới chuyên gia nhận định, ngân hàng Trung ương các nước sẽ sớm tung ra các đồng tiền kỹ thuật số của mình, quan trọng chỉ là vấn đề thời gian.
Trào lưu này diễn ra vào thời điểm tiền ảo bitcoin đạt giá trị kỷ lục và các nhà đầu tư tổ chức chuyển chú ý sang tiền điện tử. Điều này tạo áp lực khiến các Ngân hàng trung ương muốn xác lập "địa bàn" và không muốn là kẻ đi sau trong cuộc chạy đua trên thế giới số.
Xem thêm: nhc.23753543241210202-coun-cac-gnou-gnurt-gnah-nagn-auc-eht-ux-al-gnad-os-tauht-yk-neit/nv.fefac