Nhiều người chạy xe ôm phải xoay xở thêm nghề khác như vá xe để tăng thu nhập - Ảnh: MẠNH DŨNG
"Người ít tiền mới phơi mình, đi xe ôm để tiết kiệm. Còn người chạy xe ôm cũng là người nghèo, người đang gặp khó khăn" - những tài xế xe ôm công nghệ hay truyền thống đều cùng tâm sự này.
"Dân chạy xe ôm chỉ qua năm thứ ba, thứ tư trở lên đã hay đổ bệnh, mà nhiều nhất là bệnh hô hấp và mắt vì khói bụi. Còn tai nạn thì chỉ biết tự an ủi là gặp xui xẻo thôi.
Ông Nguyễn Văn Thảo (chạy xe ôm truyền thống)
"Ngồi lâu rồi vẫn chưa nổ khách"
Chúng tôi cũng hay đi xe ôm công nghệ, mấy bữa nay ngó sang đường, chỗ tiệm bánh mì, nước mía, không còn thấy màu áo quen thuộc đứng chật kín.
Đó là nơi không ai đuổi họ, có gầm cầu đi bộ che mưa nắng, lại có sẵn tiệm thức ăn nhanh mỗi khi đói lòng. Một nơi lý tưởng để đợi nổ cuốc (tín hiệu báo có khách gọi xe) nằm trên đường Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội, đối diện Trường ĐH Công đoàn.
Tới dãy quán trà đá phía ngoài sân trường mới tìm thấy một tài xế đang cúi bấm điện thoại. Cốc trà đá 3.000 đồng đã cạn, anh nói: "Ngồi ở đây lâu rồi vẫn chưa nổ khách", nghĩa là chưa có khách gọi.
Anh là Nguyễn Văn Bảng, chạy xe ôm công nghệ đã 4 năm, thuê trọ ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội. Tâm sự về khó khăn, anh Bảng liệt kê: Thu nhập giảm, thuế phí tăng, khách hàng ít, tài xế đông. Để chứng minh, anh bấm điện thoại, mở lịch sử cuốc xe chỉ cho chúng tôi chi tiết thu nhập thực nhận mỗi cuốc, chi phí phải đóng, tổng thu nhập một ngày.
Đến 16h30, anh chạy được hai cuốc, tổng thu nhập 70.600 đồng, trong đó giá cước 69.000 đồng, phí ứng dụng 18.818 đồng, tiền thưởng 1.600 đồng, thu nhập thực nhận còn 51.781 đồng.
Hôm nay anh làm muộn, mới mở app nên thu nhập chừng vậy. "Trước đây chưa tính phí thuế cao, thu nhập của tôi đỡ hơn. Tôi chỉ chạy 8 - 10 tiếng, tự cho mình nghỉ một ngày trong tuần. Nhưng xe chạy liên tục không phải ngồi đợi thế này" - anh Bảng cho biết.
Ở góc phố Hồ Đắc Di (quận Đống Đa), một tài xế xe ôm công nghệ khác đang nằm dài trên yên xe máy. Đó là anh Nguyễn Văn Mạnh, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Tốt nghiệp sư phạm, anh từng là thầy giáo nhưng đồng lương eo hẹp, không được công việc ổn định nên anh nghỉ, 2 năm nay ra chạy xe ôm công nghệ.
Anh kể: "Năm ngoái chạy xe còn đỡ, năm nay dịch bệnh càng khó khăn". Anh Mạnh nói đã nằm dài ở đây cả tiếng rồi vẫn chưa nổ cuốc. Lúc nào xót ruột quá, anh lái xe chạy lòng vòng.
Anh Mạnh chỉ điện thoại cho chúng tôi cuốc xe vừa hoàn thành rất chi tiết: tiền khách trả 13.000 đồng, cước 12.000 đồng, phí nền tảng 1.000 đồng, phí sử dụng ứng dụng và thuế 3.273 đồng.
"Thu nhập từ chạy xe ôm của anh phải chi phí những khoản gì?" - chúng tôi hỏi. Anh Mạnh tính: "Tiền ăn uống ba bữa ở Hà Nội hết 100.000, tiền xăng 70.000 nữa. Hôm nào xe cán phải đinh, bể lốp thì bữa đó coi như làm công không".
Anh tiếp tục tính những khoản phí dầu nhớt mỗi tháng thay hai lần vì xe hoạt động nhiều và bảo dưỡng định kỳ 6 tháng ít nhất cũng mất tổng cộng 2 triệu, rồi thuê phòng trọ mỗi tháng đôi triệu nữa. "Mấy năm trước, tôi còn gửi cho vợ mỗi tháng được 9-10 triệu, nay mỗi tháng chỉ 5-7 triệu đồng" - anh Mạnh thở dài nói đó là đã cố gắng lắm.
"Anh chạy đến mấy giờ thì nghỉ?". "Tôi thường mở app lúc 8h sáng, chạy đến 8h tối thì nghỉ. Nhưng đợt này tôi phải chạy tới 11h đêm mới tắt app".
Khoảng 22h, chúng tôi tiếp tục gặp anh tài xế xe ôm công nghệ đang nhẫn nại đợi khách. Anh là Lê Xuân Quân, quê Thanh Hóa, đã chạy xe hơn 2 năm. Anh đang thuê phòng trọ 2,2 triệu đồng/tháng ở đường Thái Hà (quận Đống Đa), vợ và con nhỏ ở quê.
Trước khi chạy xe ôm công nghệ, anh làm cho công ty điện tử nhưng ít việc nên nghỉ. "Tôi nghĩ chạy xe bây giờ cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt thì hãng xe phải tạo điều kiện cho anh em mới đúng" - Quân cho biết thêm mình cũng đã tắt app hai ngày để phản đối.
Tài xế Bảng đang trĩu nặng lo âu - Ảnh TÂM LÊ
Cố "cày" nhiều hơn để lấy thu bù chi
Những người chạy xe ôm chuyên nghiệp như anh Quân, anh Mạnh và anh Bảng đều đang có con nhỏ, nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc từng ngày vào mỗi chuyến xe của các anh.
Chị Nguyễn Minh Hằng, vợ tài xế Quân, cho biết chị phải nghỉ nghề may thuê để ở nhà trông con nhỏ. Mọi chi phí đều chờ đợi ở chồng, tiền sữa bỉm cho con nhỏ, tiền rau cháo mỗi ngày và tiền học mẫu giáo cho đứa con lớn. "Nếu anh ấy ốm phải nghỉ thì tôi chỉ còn biết cầu trời cho anh ấy khỏe lại" - chị Hằng càng lo lắng hơn khi nghe chuyện tài xế đình công vì tăng thuế phí.
Ở TP.HCM, nhiều tài xế xe ôm công nghệ cũng cho biết đang "cố cày nhiều hơn để lấy thu bù chi, chứ chẳng thể có cách nào khác".
Anh Tuấn (xin không nêu tên đầy đủ) tâm sự người ngoài nhìn giới "tài áp" (xe ôm công nghệ) này thu nhập "được", nhưng không rõ họ đã phải đánh đổi sức khỏe, "cày" rất nhiều để bù đắp vào các chi phí thực trả.
"Nói thật lòng, anh em chúng tôi từng tính chi li với nhau là nhiều cuốc xe không lời, thậm chí bị lỗ, nếu tính kẹt đường và khấu hao xe cộ. Nhưng vẫn phải cày cục thôi, mong chuyến lời bù chuyến lỗ" - anh Tuấn trải lòng.
Trong khi đó, những người chạy xe ôm "cô đơn" theo kiểu truyền thống cũng chia sẻ họ đang gặp nhiều khó khăn do bị cạnh tranh dữ dội. "Bây giờ cứ ra đường là thấy tài xế xe ôm mặc đồng phục chạy khắp nơi nên giành khách nhau là chuyện thường ngày.
Chúng tôi gặp khó, mà họ cũng chẳng thuận lợi gì" - ông Trần Văn Chí, 56 tuổi, tài xế xe ôm truyền thống hay đón khách trên đoạn đường Trường Chinh gần ngã tư An Sương (quận 12), cho biết.
Hơn 20 năm chạy rạc người để mưu sinh, ông Chí kể trước đây chạy xe ôm nhiều khi gặp "cuốc ngon" (được giá), nhưng bây giờ rất hiếm. Các hãng xe công nghệ cạnh tranh với nhau, rồi cạnh tranh với cả xe ôm truyền thống, nên giá cước cũng giảm, người lái xe không còn mấy lời lãi.
"Thực sự anh em tụi tôi có ngày thu không đủ chi, nhiều người sa vào nợ nần. Cuộc sống ở thành phố đắt đỏ, nhiều chi phí, nếu không chắt bóp dè sẻn thì không có tiền để phụ vợ nuôi con cái. Bên xe ôm công nghệ bây giờ thì phần nhiều là người trẻ vắt sức mà đeo app.
Còn cánh xe ôm "cô đơn" tụi tôi hầu hết là già cả, làm được ngày nào biết sống qua ngày đó. Không có ai dư dả gì, nên bệnh tật là khó khăn ngay" - ông Chí nói tuổi thanh niên còn cố mong có ngày đổi nghề, chứ những người chạy xe ôm đã bạc mặt, bạc tóc rồi thì chỉ có thể tiếp tục lăn ra đường.
Nghề xe ôm "lấy mỡ mình rán mình"
Nhiều tài xế xe ôm công nghệ lẫn truyền thống cho biết ngoài các chi phí cuộc sống hằng ngày và xăng nhớt, sửa xe..., họ còn chịu khấu hao rất nặng nề vào "cần câu" - chiếc xe máy.
Trung bình giá mua một chiếc xe máy để chạy được xe ôm hiện nay phải khoảng 25-40 triệu đồng, do có nhiều cạnh tranh nên khách hàng không chịu đi xe kém. Nhưng nếu như người thường đi phải 10-15 năm mới hư hỏng nặng thì chiếc xe ôm chỉ có "tuổi thọ" 3-4 năm là quá nhão và lúc đó khách chê, không chịu đi nữa.
"Rất nhiều dân xe ôm chạy đến nát xe và không dành nổi tiền để mua lại xe mới. Nghĩ lại cứ y như lấy mỡ mình rán mình" - ông Trần Văn Chí trải lòng.
TT - Xe ôm là nghề của cánh mày râu. Vậy mà nơi làng quê nghèo xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) có đội xe ôm nữ nổi tiếng. Điều lạ là nữ xe ôm ở đây rất đắt khách. Có lúc thấy chị em làm ăn được, thanh niên trong làng sắm xe chạy nhưng đành bỏ cuộc vì không có khách...
Xem thêm: mth.36534759051210202-hnis-uum-pob-tahc-mo-ex/nv.ertiout