17 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nằm trong Đề án “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn…” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Các ngân hàng thương mại nhà nước (gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank).
Ngoài ra còn có, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp hoá chất Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
LỢI NHUẬN 17 TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY CÓ XU HƯỚNG GIẢM DẦN
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, hiệu quả hoạt động của 17 doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh còn hạn chế.
Tổng tài sản của 17 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty trong giai đoạn 2017-2019 khoảng 2,4 triệu tỷ đồng, đó năm 2019 có tổng tài sản đạt cao nhất trong 3 năm là 2,56 triệu tỷ đồng. Tổng vốn chủ sở hữu năm 2019 là 1,23 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với thực hiện năm 2017 và năm 2018 là 1,17 triệu tỷ đồng.
Tổng doanh thu của Tập đoàn Kinh tế, Tổng công ty và Công ty mẹ đều có xu hướng tăng khá đều với chỉ số bình quân giai đoạn 2017 - 2019 là 1,44 triệu tỷ đồng; 920.531 tỷ đồng (Công ty mẹ).
Tuy nhiên, lãi phát sinh trước thuế có xu hướng giảm. Lãi phát sinh trước thuế năm 2019 đạt 149.026 tỷ đồng, giảm 0,98% so với thực hiện năm 2018 tuy có tăng nhẹ so với năm 2017.
Các công ty mẹ có tổng doanh thu tăng nhưng lãi phát sinh trước thuế lại giảm như: Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có tổng doanh thu tăng 55% nhưng lãi phát sinh trước thuế giảm 16% so với thực hiện năm 2018. Đối với năm 2018, tổng doanh thu tăng 26% nhưng lãi phát sinh trước thuế giảm 23% so với thực hiện năm 2017.
Nếu so sánh với khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân, khu vực doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có xu hướng giảm dần quy mô và tỷ lệ đóng góp ở tất cả các chỉ tiêu trong giai đoạn 2016-2018. Khu vực Doanh nghiệp nhà nước đang có chỉ số nợ cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp.
Thời gian vừa qua đã phát hiện một số doanh nghiệp dự án có các dự án rơi vào tình trạng bị thua lỗ, kém hiệu quả; một số doanh nghiệp để xảy ra tình trạng và vụ việc gây nhức nhối dư luận cũng làm mờ nhạt vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là 12 dự án thua lỗ, yếu kém thuộc ngành công thương.
SỬA LUẬT ĐỂ GỠ KHÓ
Tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 26/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 97/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng Đề án “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”.
Trong Đề án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng 17 Tập đoàn, Tổng công ty trên trở thành những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh mẽ về tài chính và khoa học công nghệ, đóng vai trò chủ đạo trong ngành nghề của mình và trở thành “sếu đầu đàn”.
Chẳng hạn, với PVN, xây dựng trở thành tập đoàn dầu khí quốc gia ngang tầm với các nước như Thái Lan, Malaysia. SCIC được xây dựng trở thành Quỹ đầu tư của Chính phủ, 1 trong 10 tập đoàn tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đến năm 2030 trở thành Trung tâm số-Digital Hub ở khu vực Châu Á và chủ động, tiên phong tham gia gánh vác 03 trụ cột của nền kinh tế số Việt Nam về hạ tầng và dịch vụ số, tài nguyên số, chuyển đổi số…
Vietnam Airlines được xác định là hãng hàng không quốc gia Việt Nam, lực lượng vận tải chủ lực tại Việt Nam với hệ sinh thái đầy đủ, toàn diện trong đó mảng vận tải hàng không đóng vai trò trung tâm, ACV vai trò chủ đạo trong đầu tư khai thác các Cảng hàng không, thực hiện phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Để xây dựng được những doanh nghiệp trở thành bộ phận cấu trúc dẫn dắt, lan toả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật chuyên ngành như Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất…và các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật này để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết những khó khăn bất cập.
Đồng thời, nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phát triển liên kết, hình thành các chuỗi giá trị có sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo nguyên tắc bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất từ nay đến năm 2030 không nên thành lập mới các Tập đoàn, Tổng công ty do nhà nước sở hữu. Tập trung vào việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các Tâp đoàn kinh tế nhà nước hiện có.
Thời gian trước mắt, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 4 Công ty mẹ của các tập đoàn sau: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội Viettel.
Thực hiện cổ phần hóa hoặc thoái vốn (tại các Công ty mẹ đã hoàn thành cổ phần hóa), Nhà nước nắm giữ vốn ở mức chi phối (từ 50% tổng số cổ phần trở lên) tại các Tập đoàn Kinh tế, Tổng công ty còn lại.
Xem thêm: mth.37625145151210202-coun-ahn-yt-gnoc-gnot-naod-pat-71-iov-nad-uad-ues-hnih-hnid/nv.ymonocenv