"Mạng 4G đã rất phổ cập, bên cạnh phục vụ rất tốt những nhu cầu kết nối con người ở tốc độ cao đã bước đầu phục vụ cả các kết nối vạn vật bởi các tiêu chuẩn NB-IoT hay LTE-M. Song với 5G, mọi nhu cầu kết nối của con người và vạn vật trong một một xã hội số thông minh và hiện đại sẽ được đáp ứng, mở ra một giai đoạn mới của ngành viễn thông.
Xây dựng thành công một mạng 5G như vậy cùng với những nền tảng dịch vụ số tốt nhất và hiện đại nhất là một trong những sứ mệnh quan trọng nhất của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel hiện nay và những năm sắp tới", TS Lê Bá Tân - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel cho biết.
Trước đây, với công nghệ 2G-3G-4G, Việt Nam đều triển khai muộn hơn so với thế giới khá nhiều năm nhưng với 5G – một công nghệ mới nhất và có thể trở thành nhân tố nền tảng cho xã hội số thì Việt Nam lại song hành cùng thế giới. Khi nhận nhiệm vụ chuẩn bị hạ tầng cho việc song hành đó, lãnh đạo Viettel Networks có suy nghĩ gì?
Trước hết, nhiệm vụ này đòi hỏi chúng tôi phải khai phá rất nhiều mảng kỹ thuật mới, thách thức mới trong việc khai thác, xây dựng triển khai mạng 5G của Viettel Networks. Chủ yếu, tri thức kinh nghiệm ít ỏi ban đầu đến từ đối tác, sách vở hoặc thông tin từ các nhà mạng khác trên thế giới. Do vậy, chúng tôi phải nhanh chóng tiếp cận tri thức đó, nhanh chóng học hỏi và làm chủ các khâu bước triển khai 5G trong bối cảnh Tập đoàn đã đặt ra những mục tiêu thách thức để Viettel luôn là nhà mạng tiên phong dẫn dắt việc triển khai 5G ở Việt Nam cũng như các thị trường mà chúng tôi đang đầu tư.
Ngay sau thời điểm khai trương mạng di động 5G đầu tiên trên thế giới vào tháng 4/2019 tại Hàn Quốc và Mỹ, thì đầu tháng 5/2019, Viettel đã đặt mục tiêu thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên mạng di động của Viettel thay vì trong phòng Lab mà nhiều quốc gia khác đã lựa chọn.
Chúng tôi đã triển khai các trạm phát sóng 5G đầu tiên được kết nối cùng nền tảng mạng lưới 4G cung cấp dịch vụ đến các thuê bao 5G đầu tiên của Việt Nam, có thể thực hiện cuộc gọi đến bất kỳ thuê bao nào khác trên mạng lưới. Nhiều thiết bị bao gồm thiết bị truyền dẫn, thiết bị vô tuyến, các tính năng mới của mạng lõi và các thiết bị đầu cuối 5G mới đã được triển khai trong thời gian rất ngắn từ kết quả làm việc đầy nhiệt huyết của các kỹ sư Viettel và chuyên gia của bạn đã mang đến cuộc gọi 5G đầu tiên vào ngày 10/5/2019. Sau đó mạng 5G được chúng tôi mở rộng triển khai các pha về sau.
Chúng tôi coi đây là một vinh dự cho một lứa lớp kỹ sư của Viettel Networks, vì thông thường, một thế hệ mạng di động mới thường đi sau thế hệ mạng cũ từ 7-9 năm. Riêng 5G, chúng ta lại đi sớm hơn và chỉ sau khi khai trương mạng 4G 2 năm. Chúng tôi luôn khao khát được làm mới bản thân, được tiếp cận cái mới, nên anh em rất mong chờ cơ hội này. Sau hơn một năm, chúng tôi cũng từng bước làm chủ và kết quả đạt được khá tốt.
Để đạt được tốc độ cao trên 1 GB/s và lại phủ liền mạch có thể "driving test" được trong lễ khai trương kinh doanh thương mại thử nghiệm hôm 30/11 ở Hà Nội, các kỹ sư của Viettel Networks phải giải quyết những vấn đề gì?
Vào tháng 9/2020, Viettel nhận được chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: phải tập trung xây dựng thật nhanh mạng thử nghiệm thương mại với khoảng 100 trạm phát sóng. 100 trạm ở Hà Nội sẽ phủ sóng liền mạch khoảng 3-4 km vuông với chất lượng phát sóng ngang với các nhà mạng hàng đầu trên thế giới, tốc độ trung bình 300-500MB/s, để mọi người có thể trải nghiệm thực sự dịch vụ di động 5G trong cuộc sống.
Nhận chỉ đạo này, Viettel đã đầu tư 85 trạm thu phát sóng Macro 5G của Ericsson với cấu hình mạnh nhất 64 phát, 64 thu, cùng 15 trạm 5G Micro 8 phát, 8 thu của Tổng công ty công nghệ cao Viettel - VHT để triển khai thành một vùng phủ 5G liền mạch bao gồm 100 trạm thu phát sóng.
Sau khi thiết bị về vào ngày 15/11, chúng tôi đã triển khai thần tốc và tập trung tối ưu trong tuần cuối tháng 11, với rất nhiều lực lượng tham gia, bao gồm cả lực lượng cải tạo hạ tầng, củng cố bổ sung hàng chục tuyến cáp truyền dẫn, nâng cấp điện 3 pha để đảm bảo đủ công suất cho các trạm 5G phát sóng. Rất nhiều thách thức lớn nhỏ xuất hiện và chúng tôi đã vượt qua khi triển khai hạ tầng và dịch vụ tại các khu vực đông đúc, địa bàn hẹp, nhạy cảm quanh 3 quận trung tâm lớn của thủ đô Hà Nội.
Đến cuối tháng 11, theo chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn và cam kết với Bộ, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng tổ chức một buổi trải nghiệm. Theo đó, bất kỳ ai, dù ngồi trên xe buýt, đi xe máy hay đi bộ lang thang trên các tuyến phố từ Hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát lớn xuống đến tận Lăng Bác, dọc các tuyến phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo về đến tượng đài Lê Nin, Văn phòng Chính phủ, Phủ Chủ tịch đều có thể sử dụng được 5G của Viettel.
Lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông, Chủ tịch Tập đoàn cùng các quan khách đã chứng kiến và trải nghiệm toàn bộ vùng phủ liền mạch, tốc độ cao, trải nghiệm dịch vụ video với độ phân giải cao trên điện thoại tại bất kỳ điểm nào trong suốt hành trình tham quan Hà Nội. Sóng 5G cũng như dịch vụ của chúng ta luôn rất tốt, ngay cả trước cửa Bưu điện Bờ Hồ và hay xung quanh phố đi bộ ở Hồ Hoàn Kiếm.
Tại thời điểm này, các anh em kỹ sư của Viettel Networks vẫn tiếp tục miệt mài nghiên cứu tối ưu thêm để nhanh chóng nhân rộng triển khai cho Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là nhiệm vụ tiếp theo mà chúng tôi đang thực hiện và trong tháng 01/2021 phải hoàn thành.
Với rất nhiều người dùng mạng 5G đơn giản là siêu tốc độ Internet trên di động. Ngoài siêu tốc độ 5G Viettel còn đem lại những điều gì khác cho người dùng Việt Nam?
Đối với 5G, siêu tốc độ mới chỉ là pha ban đầu. Còn với chuẩn 5G đầy đủ sẽ giúp giải quyết ba vấn đề. Một là tốc độ, hai là độ trễ và ba là số lượng kết nối trên một đơn vị diện tích tốt hơn hàng chục lần so với 4G.
Đảm bảo những yếu tố kỹ thuật đó giúp mạng 5G có khả năng phục vụ cho các kết nối vô cùng đa dạng của vạn vật. Có những vật cần kết nối với tốc độ rất chậm nhưng số lượng rất lớn, ví dụ như các sensor cảm biến: cảm biến nhiệt độ, không khí, độ ẩm, hoặc cảm biến về xe cộ, về điều kiện khí hậu, thủy văn…
Cũng có loại khác đòi hỏi tốc độ cao như truyền hình độ phân giải cao, dịch vụ thực tế ảo tăng cường... Một loại kết nối nữa lại cần độ trễ rất thấp như xe tự lái trong đó hành động điều khiển xe từ xa phải truyền đến chiếc xe gần như tức thời.
5G phải được thiết kế thực hiện được tất cả tác vụ này.
Trong tương lai gần, năm 2021, khi Viettel có kế hoạch triển khai 5G ra tất cả các tỉnh, thành phố có nhu cầu thì Viettel Networks sẽ đặt mục tiêu dẫn dắt một số hoạt động về thử nghiệm và xây dựng một số dịch vụ mới trên nền tảng 5G. Đặc biệt là tại khu công nghiệp, ví dụ phối hợp với Samsung để triển khai phủ sóng cho nhà máy ở Bắc Ninh, phục vụ các hệ thống robot và tự động hóa trong nhà máy.
Thứ hai là một số khu resort, khu căn hộ chung cư cao cấp, chúng tôi cũng sẽ có kế hoạch triển khai các giải pháp thông minh, tự động trên nền tảng mạng 5G ở đó. Thứ ba là các cảng biển, nơi phải vận hành một số hệ thống máy móc tự động.
Chủ tịch Tập đoàn Viettel cũng đang định hướng Viettel Networks và một số đơn vị khác trong Tập đoàn triển khai các khu 5G Industrial Park trong năm 2021. Đó là những dịch vụ thực sự, là thế mạnh của 5G.
Tham vọng của chúng tôi là trong năm 2021 đạt được những mục tiêu này. Và phải đến năm 2021, chúng ta mới thấy rõ tại sao cần có 5G và 5G mang đến những giá trị mới như thế nào. Chắc chắn, các phòng học ảo, truyền dẫn hình ảnh trong không gian ba chiều sẽ được triển khai.
Triển khai dịch vụ 5G cho các thiết bị đầu cuối smartphone và 5G cho kết nối vạn vật – IoT, ứng dụng nào sẽ đến trước?
Úng dụng 5G cho smartphone sẽ xảy ra trước, ví dụ như các dòng máy Oppo, Xiaomi, Huawei… và một số hãng khác đã sẵn sàng tại thời điểm này. Khách hàng có thể trải nghiệm dịch vụ ngay tại các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm. Trong tháng 12/2020, các dòng máy điện thoại Samsung 5G và quý 1, quý 2/2021 là các thiết bị đầu cuối của Apple sẽ sẵn sàng cho dịch vụ 5G của Viettel. Cơ bản trong khoảng nửa đầu năm 2021, gần như tất cả các hãng đều có điện thoại 5G. Thậm chí là Vinsmart cũng sẽ có thiết bị đầu cuối 5G.
Các thiết bị IoT sẽ đến sau một chút, nhưng bùng nổ, lan tỏa nhanh hơn bởi vì đó là không gian rất mới mà các nhà phát triển ứng dụng đang tập trung nghiên cứu và xây dựng hệ thống đầu cuối cho dịch vụ.
Ngay khi phát sóng thương mại thử nghiệm 5G, thiết bị "Make in Vietnam" của Viettel đã được lắp đặt. Điều này nói lên điều gì và sẽ dự kiến các ảnh hưởng tích cực gì với người dùng?
Chiến lược Make in Vietnam mà Bộ Thông tin và Truyền thông khởi xướng, hay những hoài bão của lãnh đạo Tập đoàn Viettel trong việc tập trung đầu tư cho nghiên cứu phát triển, sản xuất thiết bị viễn thông cho nền công nghiệp quốc phòng cũng như ứng dụng dân sự đã trở thành chiến lược lớn, là một trong các cột trụ của Tập đoàn.
Thiết bị mạng 5G đã được Viettel tập trung nghiên cứu và triển khai trong giai đoạn 2019-2020 và bước đầu đã có những thiết bị phát sóng đầu tiên cấu hình 8 phát 8 thu được triển khai tại Hà Nội, như ở Bộ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội và một số vị trí khác.
Trong năm 2021, mục tiêu là những thiết bị đó sẽ đảm bảo điều kiện để thương mại hóa. Đồng thời, Viettel sẽ có thiết bị thiết bị 64 phát, 64 thu, ngang với cấu hình mạnh nhất hiện nay của Ericsson. Thiết bị này đang được các cán bộ, kỹ sư của Viettel tập trung phát triển và sẽ được lắp vào mạng lưới Viettel trong năm 2021.
Đối với thiết bị cấu hình nhỏ, tôi tin là có thể triển khai thương mại được. Thiết bị cấu hình lớn hơn thì sẽ là pha thử nghiệm, triển khai một số vị trí trạm để tiến hành đánh giá kỹ thuật, sau đó sẽ là thương mại hóa.
Ngoài ra, Vingroup cũng kết hợp với Viettel để xây dựng dự án kết hợp giữa thiết bị vô tuyến của VinSmart với thiết bị xử lý baseband (băng gốc) của VHT theo chuẩn Open RAN trên nền tảng nguồn mở. Dự án này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo hai tập đoàn thúc đẩy từ giữa năm 2020. Tôi tin sẽ có những dòng sản phẩm kết hợp giữa hai tập đoàn.
Về thiết bị đầu cuối, tôi tin VinSmart và BKAV cũng có những sản phẩm đầu cuối 5G tương thích để triển khai thương mại được trong năm 2021.