Đại dịch COVID-19 kéo nhu cầu sử dụng cá tầm của người Việt xuống thấp. Không chỉ vậy, cá tầm Việt còn đứng trước nguy cơ “vỡ trận” vì cá tầm giá rẻ từ Trung Quốc ồ ạt đổ bộ, cả qua kênh chính thức lẫn thẩm lậu.
Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) vừa phát hiện và bắt giữ lô hàng 4.000kg cá tầm Trung Quốc trị giá 413.947.200 đồng nhập về Việt Nam. Dù hình thức là nhập chính ngạch, tuy nhiên doanh nghiệp đã “biến tấu” không khác gì buôn lậu khiến cơ quan chức năng xử phạt DN nhập cá tầm 140 triệu đồng.
Lận đận con cá tầm Việt
Ngay từ năm 2013, khi cá tầm còn được coi là món ăn đắt tiền, là đặc sản thì thị trường từng chứng kiến phen lấn sân ồ ạt đến từ cá tầm Trung Quốc.
Thời điểm đó, cá tầm TQ thuần túy nhập lậu, mỗi năm cả nghìn tấn, giá bán từ 140.000 - 150.000 đồng/kg, đã khiến ngành công nghiệp cá tầm non trẻ tại Việt Nam chao đảo. Giá cá nội địa lập tức được điều chỉnh nhưng vẫn không thể xuống dưới mức 190.000 - 200.000 đồng/kg. Vì thấp hơn nữa, doanh nghiệp nuôi sẽ lỗ nặng.
Tình hình nóng đến mức tại cuộc họp giao ban của Bộ NNPTNT về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hồi tháng 6.2013, Thứ trưởng Bộ NNPTNT thời đó là bà Nguyễn Thị Xuân Thu phải nhấn mạnh: “Bất kỳ lô hàng cá tầm nào kiểm tra không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sẽ buộc phải tiêu hủy”.
Suốt từ đó cho đến năm 2014 khi cá tầm Trung Quốc chính thức được nhập vào Việt Nam, rồi đến tận ngày hôm nay, theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, “cuộc chiến” giữa con cá tầm được nuôi tại Việt Nam và cá tầm Trung Quốc chưa bao giờ yên ả.
Cá tầm TQ vốn giá rẻ, chất lượng thấp nhưng đang được miễn thuế vẫn cứ ồ ạt nhập vào Việt Nam trong khi người tiêu dùng trong nước khó lòng phân biệt giữa hai loại khi đã thành phẩm.
Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Cá nước lạnh, năm 2020, sản lượng cá tầm nuôi trong nước là 3.170 tấn, trong đó lớn nhất là Tập đoàn Cá tầm Việt Nam, khoảng 1.700 tấn.Hiệp hội Cá nước lạnh cho biết, việc phát triển mô hình chăn nuôi cá tầm trong nước đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Phần lớn vùng nuôi nằm ở vùng sâu xa, nơi có nguồn nước chảy sạch lạnh hoặc vùng hồ thuỷ điện núi cao, đời sống bà con khó khăn. Việc mở ngành nuôi cá tầm đã đóng góp nhiều cho việc an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương.
Kể từ năm 2018 đến nay, trước sự đe dọa từ cá tầm TQ giá rẻ, chất lượng thấp, hàng loạt hồ nuôi cá tại Lâm Đồng, Kon Tum, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái... buộc phải để hoang phế, nước đọng cạn đáy. Một số trang trại phải chuyển đổi mô hình. Nông dân và người nuôi cá lao đao.
Anh Nguyễn Văn Tuân, một người nuôi cá tầm tại Lai Châu cho biết: "Hiện tại cá tầm Việt Nam đang bán giá trên 200.000 đồng/kg, tuy nhiên do cá tầm Trung Quốc quá rẻ nên một số DN chấp nhận bán lỗ vốn, phải hạ xuống 120.000 - 150.000 đồng/kg để cạnh tranh với cá tầm Trung Quốc”.
Một số chủ trang trại cũng bày tỏ, thực tế có rất nhiều thương lái, tiểu thương, thậm chí các nhà hàng nhập cá tầm lai của Trung Quốc giá rẻ nhưng khi bán lại giới thiệu là cá tầm Việt Nam. Do vậy cần phải rõ ràng về nguồn xuất xứ để người tiêu dùng biết và lựa chọn.
Lợi dụng chính sách để thẩm lậu
Theo tìm hiểu của PV, sau khi việc buôn lậu, vận chuyển cá tầm Trung Quốc qua đường tiểu ngạch phần nào bị siết chặt, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chuyển đổi hình thức bằng việc nhập khẩu chính ngạch cá tầm Trung Quốc với nhiều ưu đãi về thuế, thủ tục thông quan.
Thế nhưng, kể cả khi được tạo điều kiện như vậy thì cũng có không ít doanh nghiệp sử dụng các thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng.
Sáng 15.12, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, đơn vị này vừa phát hiện và bắt giữ lô cá tầm Trung Quốc do Công ty TNHH Đầu tư và XNK An Hưng (Hà Nội) nhập về Việt Nam. Mặc dù hình thức nhập chính ngạch tuy nhiên doanh nghiệp này đã “biến tấu” không khác gì buôn lậu.Cụ thể, quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trị giá khai báo trên tờ hải quan nhập khẩu không đúng với số lượng cá nhập về. Tang vật vi phạm được định giá lên đến 4.000 kg cá tầm Trung Quốc trị giá 413.947.200 đồng. Ông Minh cũng cho biết, sau khi củng cố các chứng cứ, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt công ty An Hưng 140 triệu đồng.
Còn theo số liệu Tổng cục Hải quan cung cấp, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam trong các năm 2018 là 1.164 tấn, 2019 là 1.849 tấn, tạm tính trong năm 2020 nhập khẩu khoảng 1.000 tấn, chủ yếu đi qua Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Có 6 DN hoạt động trong lĩnh vực này, tất cả đều có trụ sở tại Hà Nội.
Về giá, theo tờ khai hải quan, các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm Trung Quốc mua với giá 103.486 đồng/kg. Sau đó vận chuyển về bán cho các tiểu thương ở miền Bắc với giá 115.000 - 120.000 đồng/kg còn trong thị trường miền Nam sẽ bán với giá 130.000 - 140.000 đồng/kg do phải thêm phí vận chuyển.
Cá tầm Việt "kêu cứu"
Ngày 15.12, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng đã có công văn số 12/VB-HHPTCNLLĐ gửi tới Bộ NNPTNT kiến nghị phối hợp giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc. Trong công văn gửi đi, đơn vị này cho biết, việc cá tầm từ Trung Quốc ào ạt vào Việt Nam với giá thấp, dẫn đến cá tầm nuôi tại các trang trại Việt Nam không tiêu thụ được. Mang lại muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp và người nông dân nuôi cá.
Văn bản cũng cho biết, cá tầm Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam mặc dù có giá thành rẻ nhưng chất lượng kém, thịt nhão, không thơm ngon như cá tầm nuôi tại Việt Nam và quan sát hình dạng bên ngoài khác nhiều so với các loài cá tầm đang nuôi tại Việt nam.
Hiện Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng đang họp bàn với các địa phương cùng giới chuyên gia để gửi công văn đến Quốc hội, Chính phủ và các Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về vấn đề nhập khẩu cá tầm Trung Quốc làm ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp trong nước cũng như tiềm ẩn nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Xem thêm: odl.377268-ob-od-ta-o-er-ueis-couq-gnurt-mat-ac-iv-oad-oal-teiv-mat-ac/gnourt-iht/nv.gnodoal