Chiều 15/12, HĐXX tuyên bố sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào chiều nay (16/12) vụ Nguyễn Trần Hoàng Phong (sinh năm 1988, ngụ quận Gò Vấp) lái xe Mercedes tông trực diện khiến tài xế GrabBike chở nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường tử vong, còn chị Hường bị thương tật 79%.
VKS đề nghị bị cáo Phong 6 – 7 năm tù về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Đồng thời, đề nghị HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại Lê Mạnh Thường (người lái xe GrabBike đã tử vong sau vụ tai nạn) 477 triệu đồng, bị hại Nguyễn Thị Bích Hường (nữ tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines) 1,4 tỉ đồng.
Nữ tiếp viên hàng không và hiện trường vụ tai nạn
Tuy nhiên, đáng chú ý là tại tòa, bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong cho biết, trong thời gian chờ tòa xử đã ký công chứng sang tên nhà chung cư mua trả góp chung với mẹ cho người mẹ nên giờ không còn tài sản nào khác để chịu trách nhiệm với bị hại.
Theo tờ Pháp luật TP.HCM, Phong khai thời điểm ký giấy chuyển nhượng, bị cáo đang bị tạm giam, có một người ở phòng công chứng đến, mang giấy tờ yêu cầu Phong ký. Bị cáo ký nhưng không biết giấy tờ đó có nội dung gì.
Công chứng viên Nguyễn Thanh Lương phân tích: Theo Điều 44 Luật Công chứng thì trường hợp Phong đang bị tạm giam, nếu có yêu cầu công chứng thì việc công chứng có thể diễn ra tại trại. Do đó, việc công chứng viên vào trại công chứng là bình thường.
Cũng theo công chứng viên Lương, quá trình tố tụng, Phong chưa bồi thường cho bị hại nhưng có tài sản duy nhất lại bán đi như vậy càng chứng minh rõ dấu hiệu tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ.
Trả lời Pháp luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Duy Quang, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích thêm, trong vụ việc này, bị can đang bị tạm giam, nếu CMND của bị can CQĐT đang thu giữ mà có để công chứng viên đối chiếu thì chỉ có ĐTV, cán bộ điều tra cùng cấp thì mới thực hiện được, đồng thời chỉ được ĐTV cho phép (trích xuất phạm) thì công chứng viên mới làm được việc nêu trên.
Bị can, mẹ bị can, công chứng viên, ĐTV không thể không biết bị can phạm tội gì, gây thiệt hại cho ai, có nghĩa vụ gì trong vụ án. Tuy nhiên, họ vẫn tiến hành các thủ tục cho bị can chuyển nhượng tài sản của chính bị can cho người khác là việc làm trái pháp luật (cả về lý luận, thực tiễn) và đạo đức nghề nghiệp. Như vậy, cần phải xem xét hành vi tẩu tán tài sản của mẹ bị can và bị can, cũng như cần xem xét hành vi giúp sức cho việc tẩu tán tài sản của những người liên quan.
Căn cứ Điều 61 BLHS về quyền của bị hại, Điều 128 BLTTHS, bị hại nộp đơn đề nghị tòa kê biên căn nhà để ngăn chặn mọi giao dịch phát sinh.
Theo tờ Tuổi trẻ, sau tai nạn, mẹ ruột của bị cáo Phong đã nộp hơn 29 triệu đồng cho Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP để khắc phục hậu quả thiệt hại cây xanh do tai nạn gây ra.
Mẹ của bị cáo thỏa thuận với ông Thành (chủ xe Mercedes) khắc phục một phần thiệt hại tài sản với số tiền 300 triệu đồng để sửa xe Mercedes gây tai nạn. Các bên thống nhất sẽ thực hiện việc bồi thường trên sẽ được chia làm 3 giai đoạn và ông Thành đã làm đơn bãi nại đối với bị cáo Phong.
Còn bị hại là nữ tiếp viên hàng không cho biết, chị chưa nhận được một đồng bồi thường nào. "Cuộc sống của tôi cực khổ đến mức sống không bằng chết. Tất cả diễn ra gần 1 năm rồi, gia đình nhà Phong không hề màng đến, không một câu hỏi thăm, hành động này là không có tình người”, tờ Thanh Niên thuật lại lời chị Hường nói tại phiên xử.
Mẹ của bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong sợ hãi trước sự tấn công của cộng đồng mạng