Thử thách cho doanh nghiệp Việt Nam trên chính "sân nhà"
Đông Nam Á được biết đến như một "vựa nông sản" lớn của thế giới với sản lượng xuất khẩu nhóm các sản phẩm chính (lúa gạo, cà phê, hạt điều, v.v.) đạt ngưỡng 79 tỷ USD năm 2018. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, các nhà cung cấp nông sản đang đứng trước nhiều khó khăn khi các thị trường nhập khẩu lớn đang áp dụng ngày một nhiều những quy định ngày càng nghiêm ngặt.
Kể cả với các thị trường theo đuổi thương mại tự do, nhu cầu nông sản cũng sụt giảm mạnh do xu hướng quay lưng với hàng nhập khẩu của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nông sản vì thế gặp phải nhiều bất lợi khi cạnh tranh với đối thủ tại những quốc gia khác.
Trên thực tế, với mức tăng trưởng GDP bình quân 6,3%/năm, thị trường nội địa của các nước Đông Nam Á được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đa ngành, trong đó có ngành nông sản. Việc dân số trong khu vực tăng trưởng đều, đạt ngưỡng hơn 650 triệu năm 2020 cùng với sự phát triển của tầng lớp trung lưu kéo theo nhu cầu nông sản chất lượng ngày một tăng cao là động lực để các nhà sản xuất thay đổi trọng tâm, tăng cường phục vụ thị trường nội địa.
Tuy nhiên, khó khăn ấy vô hình trung lại khiến nhiều doanh nghiệp tìm về với thị trường nội địa, vốn được đánh giá có độ ổn định và "sức chống chịu" tốt hơn nhiều so với thị trường xuất khẩu mà nhiều doanh nghiệp chưa chú tâm tận dụng. Và các sản phẩm nông sản Việt cần phải đổi mới để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng nội địa.
Những bao bì có tính thẩm mỹ và sự sáng tạo vẫn chưa thực sự phổ biến trong ngành nông sản Việt hiện nay. Ảnh: HAN Coffee
Tại Việt Nam, bên cạnh chất lượng, mẫu mã sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút người tiêu dùng, tạo chỗ đứng vững chắc cho mặt hàng nông sản trong nước khi cạnh tranh đang ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, tìm ra giải pháp đổi mới mẫu mã kịp thời là bài toán nan giải cho nhiều doanh nghiệp Việt, nhất là trong ngành nông sản vốn chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm mà chưa chú trọng thiết kế bao bì để nâng tầm giá trị của sản phẩm đó.
Theo các chuyên gia, đa phần các sản phẩm của Việt Nam kém sức hấp dẫn với người tiêu dùng khi cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu do thiết kế bao bì. Cụ thể, nhiều bao bì với thiết kế nhạt nhòa, lạc hậu, trùng lặp hoặc quá bóng bẩy, thiếu tinh tế, không những không truyền tải được thông điệp từ nhà sản xuất mà còn có thể khiến người tiêu dùng nghi ngờ chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh yếu tố thẩm mỹ, đa phần bao bì nông sản Việt chưa bắt kịp được xu hướng thân thiện với môi trường mà đông đảo người tiêu dùng hiện nay quan tâm. Nghiên cứu từ Mintel cho thấy mức độ "xanh" của một sản phẩm có ảnh hưởng lớn tới quyết định mua sắm; thể hiện qua việc 74% người tiêu dùng thế hệ Y có xu hướng lựa chọn các sản phẩm với bao bì thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, sự thụ động và chậm trễ trong việc cải tiến bao bì có thể gây ra thiệt hại về doanh thu cho doanh nghiệp, đánh mất sự tin tưởng của khách hàng.
Hợp tác là giải pháp để vượt qua khó khăn, chiếm lĩnh thị trường nông sản nội địa
Nền kinh tế toàn cầu đang chứng kiến sự trỗi dậy của xu hướng hợp tác liên ngành giữa các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở mỗi khâu trong một dự án, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm các đơn vị đối tác có chuyên môn sâu về lĩnh vực đó như nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, thiết kế, truyền thông, v.v... để hỗ trợ hoàn thiện các hạng mục một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Đây được coi là một trong những giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp đưa nông sản Việt đến gần hơn với người tiêu dùng và đóng vai trò then chốt trên chặng đường phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Hợp tác liên ngành đang trở thành xu hướng của các doanh nghiệp nông sản châu Á. Ảnh: TDRI
Chẳng hạn, để tạo ra được thiết kế mới phù hợp, trước hết doanh nghiệp cần tìm hiểu để thấu hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Khi hợp tác với một đơn vị có chuyên môn nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp sẽ nhận được những thông tin chính xác, đáng tin cậy và được cập nhật liên tục về đối tượng khách hàng của mình; từ đó xây dựng chiến lược đầu tư hợp lý nhất để đổi mới bao bì theo đúng yêu cầu của thị trường.
Sau đó, doanh nghiệp cần dựa vào sức sáng tạo của các công ty thiết kế chuyên nghiệp để tạo nên những mẫu bao bì mới đầy tính nghệ thuật. Một sản phẩm với thiết kế đẹp mắt, phù hợp và độc đáo sẽ tạo dấu ấn đậm nét với người tiêu dùng trong một thị trường "bội thực" hàng hóa và liên tục thay đổi như hiện nay. Điều đó cũng góp phần khẳng định hình ảnh riêng biệt của thương hiệu, truyền tải hiệu quả giá trị mà thương hiệu đem lại cho người tiêu dùng.
Tại châu Á, đặc biệt là tại các quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, đã có không ít những doanh nghiệp địa phương thành công bằng giải pháp hợp tác như vậy. Trong số đó, phải kể đến câu chuyện của nhà cung cấp nông sản chế biến Kia Shing Foodtec đến từ Malaysia, từng gặp phải trở ngại về thiết kế bao bì khi tiếp cận với đối tượng người tiêu dùng trẻ.
Nhận thấy sự giảm sút trong doanh thu do ảnh hưởng của COVID-19, Kia Shing Foodtec đã hợp tác với Taiwan Design Research Institute (TDRI) - tổ chức kết nối doanh nghiệp liên ngành tại Đài Loan. Trong đó, công ty thiết kế chuyên nghiệp Dot Design phụ trách thiết kế bao bì sản phẩm phù hợp để tiếp cận đối tượng khách hàng mà thương hiệu mong muốn. Dưới sự hỗ trợ quản lý dự án của TDRI, Kia Shing Foodtec đã cho ra mắt bao bì sản phẩm hoàn toàn mới, góp phần thay đổi diện mạo cho Kia Shing Foodtec, đồng thời khẳng định vị thế của doanh nghiệp tại trị trường nông sản Malaysia.
Bao bì “xanh” của BigC giúp nông sản tăng giá trị trong mắt người tiêu dùng. Ảnh: Internet
Tại Việt Nam, dù chưa phổ biến nhưng việc hợp tác, tìm kiếm các công ty chuyên sản xuất bao bì phù hợp với xu hướng của người tiêu dùng, đặc biệt là xu hướng sống xanh, đã và đang được một số doanh nghiệp áp dụng. Từ năm 2018 đến nay, các chuỗi siêu thị lớn như Lotte Mart hay BigC bắt đầu hợp tác với An Phát – công ty chuyên sản xuất túi vi sinh phân huỷ hoàn toàn để dử dụng rộng rãi sản phẩm này trong hệ thống của mình trên toàn quốc.
Sự hưởng ứng nhiệt tình của người tiêu dùng với loại túi mới này đã góp phần thúc đẩy xu hướng "xanh hoá" của các siêu thị lên một tầm cao mới; khi cả Lotte Mart và BigC hiện đều đang dùng lá chuối để gói rau củ, giúp giảm thiểu tối đa lượng túi nylon thải ra môi trường. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp thu hút người tiêu dùng mà còn tăng thêm giá trị cho chính các sản phẩm nông sản.
Những câu chuyện thành công trên chính là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam về tầm quan trọng của việc thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm đối với các mặt hàng nông sản. Không chỉ thu hút thêm người dùng giúp gia tăng doanh số, việc cải tiến bao bì còn góp phần định hình chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp, hướng tới một tương lai bền vững hơn.
Bên cạnh đó, để thực sự tạo nên bước ngoặt, sự hợp tác giữa các đối tác chuyên môn là điều cần thiết để đưa doanh nghiệp vượt qua những thách thức mà thị trường đặt ra. Chỉ khi hiểu được điều này, doanh nghiệp mới có thể tiến xa trên chặng đường cải tiến sản phẩm và phát triển thương hiệu.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ