Bán quyền thu phí cao tốc sai quy định gây thiệt hại hơn 700 tỷ đồng
Sáng 16/12, phiển xử cựu Bộ trưởng bộ GTVT Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường, cựu Thứ trưởng; Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc” - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, cựu Tổng Giám đốc công ty Thái Sơn) cùng 17 bị cáo bước vào ngày làm việc thứ ba.
Nhóm 20 bị cáo liên quan trọng án bị truy tố về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại công ty Cổ phần tập đoàn Yên Khánh, tổng công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Hồ sơ vụ án thể hiện, dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Bộ GTVT được Thủ tướng giao là đơn vị chủ trì xây dựng đề án bán quyền thu phí, thực hiện chuyển giao quyền thu phí để hoàn trả ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho dự án.
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, cựu Bộ trưởng bộ GTVT thời điểm đó là bị cáo Đinh La Thăng đã thông qua mối quan hệ quen biết, vì mối quan hệ cá nhân, đã giới thiệu, đưa bị cáo Đinh Ngọc Hệ vào tiếp cận đề án, sau đó tạo điều kiện cho công ty của Hệ trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
VKS xác định, dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do vậy việc bán quyền thu phí là bán tài sản Nhà nước.
Bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ sai phạm của các cán bộ tại bộ GTVT trong việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho Công ty của Út “trọc”, gây thiệt hại 725 tỷ đồng của Nhà nước.
Trong vụ án này, ngoài bị cáo Đinh La Thăng, còn có nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc bộ GTVT có liên quan đến các sai phạm, trong đó có cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường.
Cơ quan công tố cáo buộc bị cáo Nguyễn Hồng Trường đã ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí, nhưng không thông qua hội đồng xác định giá hoặc thuê tổ chức thẩm định giá; Ký quyết định cho phép hội đồng bán chỉ định khi chỉ có 1 người tham gia đấu giá và trả giá bằng giá khởi điểm.
Bị cáo Trường cũng được xác định là người biết Út “trọc” có mối quan hệ với ông Thăng, xuất phát từ động cơ nể nang trong quan hệ cấp trên với cấp dưới nên có hành vi sai phạm trong việc chỉ đạo cho đơn vị trúng thầu nộp tiền làm 3 lần trái quy định pháp luật.
Và dù công ty Yên Khánh của Út “trọc” làm ăn thua lỗ, không đủ điều kiện tham gia đấu giá nhưng bị cáo Trường lại ký văn bản thông báo công ty Yên Khánh và công ty Khánh An của Út “trọc” đủ điều kiện tham gia đấu giá, từ đó dẫn đến hậu quả, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn của Nhà nước.
Sau khi trúng đấu giá, Hệ đã thực hiện thêm nhiều hành vi gian dối khác nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Không những thế, khi triển khai thu phí, Út “trọc” còn thực hiện nhiều hành vi gian dối khác như chỉ đạo mua và sử dụng phần mềm của công ty Xuân Phi che giấu doanh thu, báo cáo không đúng thực tế.
Hành vi của Út “trọc” cùng với sự giúp sức của các bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường và các bị cáo khác đã chiếm đoạt của Nhà nước hơn 725 tỷ đồng.
Út “trọc” phủ nhận cáo trạng, bị cáo Đinh La Thăng nói không “tạo điều kiện”
Tại phiên tòa, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) cho rằng, cáo trạng truy tố Hệ chỉ đúng 1 điểm, đó là cáo buộc Vũ Thị Hoan là cháu của Hệ. Theo bị cáo này, Hoan được Hệ nhờ làm giám đốc công ty Yên Khánh, nhưng không tham gia điều hành công ty.
Khi được hỏi vậy ai là người điều hành công ty Yên Khánh, Hệ cho biết do Phan Văn Diệt điều hành. Một công ty khác được nêu trong cáo trạng là công ty Khánh An, Hệ cũng cho biết nhờ con của vợ cũ đứng tên và người này không tham gia điều hành.
Theo bị cáo Hệ, bị cáo biết tổng công ty Cửu Long tổ chức bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương với giá khởi điểm là 2004 tỷ đồng khi Hệ xem tin tức trên VTV.
“Biết thông tin này nên bị cáo chỉ đạo Diệt làm hồ sơ tham gia, chứ không hề thông qua ông Thăng (bị cáo Đinh La Thăng – PV) như cáo trạng quy kết.
Bị cáo có cùng Diệt đến tổng công ty Cửu Long một lần, còn việc quyết định tham gia đấu thầu quyền thu phí đều do Diệt toàn quyền quyết định”, bị cáo Hệ khai trước tòa.
Giống như Hệ, cựu Bộ trưởng bộ GTVT cũng cho rằng mình không hề tạo điều kiện cho công ty của Hệ trúng đấu giá quyền thu phía cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Cáo trạng cáo buộc bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ sai phạm của các cán bộ tại bộ GTVT trong việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho Công ty của Út “trọc”, gây thiệt hại 725 tỷ đồng của Nhà nước.
Bị cáo Thăng cho biết, cáo trạng buộc tội bị cáo có nhiều nội dung suy đoán, quy chụp, suy diễn.
“Bị cáo không trực tiếp ban hành chỉ đạo liên quan đến văn bản Thủ tướng Chính phủ giao lại bộ GTVT đề án chuyển giao quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Việc này do Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đảm nhận”, bị cáo Thăng khẳng định.
Về mối quan hệ với Đinh Ngọc Hệ, bị cáo Thăng cho biết giữa bị cáo và Hệ có mối quan hệ bình thường ngoài xã hội. Bị cáo không hề biết đơn vị trúng đấu giá quyền thu phí là công ty Yên Khánh cho đến khi bị cáo nhìn thấy bảng hiệu tên công ty này trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Đồng thời, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định, không hề gọi điện giới thiệu Đinh Ngọc Hệ với cấp dưới.
Theo bị cáo Thăng, đến lúc cấp dưới là ông Nguyễn Văn Thể (thời điểm đó là Thứ trưởng bộ GTVT, nay là Bộ trưởng) trình văn bản có nội dung công ty Yên Khánh chậm thanh toán tiền đấu giá, thì bị cáo Thăng mới có bút phê chỉ đạo các bên thực hiện đúng hợp đồng.
Ngoài ra, bị cáo Đinh La Thăng yêu cầu các bên làm rõ trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này.
Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi...