Trong ảnh, một cụ bà 98 tuổi mắc COVID-19 được xuất viện sau nhiều ngày chữa trị tại Bệnh viện Lôi Thần Sơn ở thành phố Vũ Hán hồi đầu tháng 3. Cụ bà này là "bệnh nhân lớn tuổi nhất Trung Quốc rơi vào tình trạng nguy kịch nhưng đã hồi phục", theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) - Ảnh: REUTERS
Trung Quốc là quốc gia ghi nhận các ca bệnh COVID-19 đầu tiên trên thế giới, là quốc gia đầu tiên phong tỏa cả một thành phố để dập dịch... Trong giai đoạn đầu, sự chú ý của thế giới đổ dồn về Trung Quốc.
Lần đầu tiên Trung Quốc thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về 27 ca bệnh "viêm phổi" lạ ở Vũ Hán vào ngày 31-12-2019. Sang ngày 1-1-2020, chính quyền đóng cửa chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán sau khi phát hiện một số bệnh nhân là tiểu thương hoặc người có đi đến chợ này.
Khi tình hình diễn biến nghiêm trọng, Vũ Hán bắt đầu thực hiện một loạt biện pháp nghiêm ngặt chưa từng thấy. Ngày 23-1, thành phố 11 triệu dân này bị phong tỏa, với nhiều người tìm cách rời khỏi thành phố vào đêm hôm trước trong khi nhiều người bị kẹt lại. Ngày 16-2, tỉnh Hồ Bắc tăng cường kiểm soát giao thông toàn diện ở mỗi thành phố, giảm bớt việc đi lại của xe cộ...
Ngay cả thủ đô Bắc Kinh và trung tâm tài chính Thượng Hải - hai thành phố lớn nhất Trung Quốc - cũng công bố các biện pháp hạn chế để chống dịch như kiểm soát nghiêm ngặt hơn việc đi lại của người dân và xe cộ, bắt buộc đeo khẩu trang, dừng các hoạt động giải trí đông người... Hai thành phố này rơi vào tình trạng bán phong tỏa hồi tháng 2.
Theo báo South China Morning Post, tình trạng bán phong tỏa đã được áp dụng tại hơn 80 thành phố ở khoảng 20 tỉnh và khu tự trị của Trung Quốc kể từ khi chính quyền trung ương quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán cùng các thành phố lân cận của tỉnh Hồ Bắc.
Sau khi tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán nhìn chung đã được kiểm soát, Trung Quốc vẫn chứng kiến một số điểm nóng khác trên toàn quốc như: Hơn 100 triệu dân đông bắc Trung Quốc bị phong tỏa hồi tháng 5, Bắc Kinh "bước vào thời kỳ bất thường" hồi tháng 6 với ổ dịch liên quan khu chợ Tân Phát Địa, thành phố Urumqi (thủ phủ khu tự trị Tân Cương) bước vào "trạng thái thời chiến" hồi tháng 7 sau khi khi đột ngột ghi nhận nhiều ca nhiễm mới...
...Hồi tháng 11, Trung Quốc xét nghiệm hàng triệu người dân, áp dụng các biện pháp hạn chế và đóng cửa trường học sau khi ghi nhận nhiều ca bệnh COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng ở 3 thành phố Thiên Tân, Thượng Hải và Mãn Châu Lý (khu tự trị Nội Mông).
Và mới nhất, trong tháng 12 này, các đợt bùng phát COVID-19 không rõ nguồn lây diễn ra ở ít nhất 4 thành phố gồm Đông Ninh, Tuy Phân Hà (đều thuộc tỉnh Hắc Long Giang ở đông bắc Trung Quốc), Turpan (khu tự trị Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc) và Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc). Các thành phố này phải triển khai xét nghiệm quy mô lớn và một số nơi đã bị phong tỏa.
Cùng với đó là những chỉ trích từ phương Tây về cách Trung Quốc phản ứng với đại dịch trong giai đoạn đầu, gồm cả nghi vấn giấu dịch. Thành phố Vũ Hán từng chính thức điều chính số ca tử vong do COVID-19 ở Vũ Hán từ 2.579 thành 3.869 hồi giữa tháng 4 (tức tăng gấp rưỡi).
Từ vị trí là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới vào đầu năm, Trung Quốc đang đứng thứ 79 với ít nhất 86.770 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong (theo số liệu của trang Worldometers ngày 16-12-2020). Trung Quốc cũng nỗ lực nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa COVID-19, nhưng dường như chậm chạp hơn các nước phương Tây.
Xen vào bức tranh u ám do dịch bệnh tại Trung Quốc trong năm nay là những khoảnh khắc cảm động, tạo nguồn động lực để vượt qua khó khăn. Đặc biệt nhiều câu chuyện làm rung động lòng người đã được ghi nhận trong khoảng thời gian 76 ngày kể từ lúc thành phố Vũ Hán bị phong tỏa cho đến lúc dỡ phong tỏa.
Nhà báo Cao Dục (Gao Yu), phó tổng biên tập trang Tài Tân (Caixin) của Trung Quốc, từng kể lại khoảng thời gian từ lúc Vũ Hán bị phong tỏa: "Sau khi tiễn các đồng nghiệp của tôi rời khỏi ga xe lửa chính của Vũ Hán trước bình minh ngày 23-1-2020, tôi biết rằng mình sẽ đối diện với tình trạng cô lập vì chính quyền đã đóng cửa nhà ga, sân bay và các phương tiện giao thông công cộng. Tiêu Huy, một đồng nghiệp của tôi, chia sẻ: 'Con virus vô hình và thầm lặng này thật đáng sợ'". Trong ảnh, người dân Vũ Hán đứng cạnh quầy rau củ tại một cửa hàng ngày 23-1. Nhiều người đã đổ tới các siêu thị vét sạch đồ để dự trữ - Ảnh: Getty Images
Kể từ cuối tháng 1 đầu tháng 2, các bệnh viện Hỏa Thần Sơn, Lôi Thần Sơn cùng một số bệnh viện dã chiến cabin di động đã bật đèn cả đêm, thắp sáng cả một vùng nhìn từ trên cao tại Vũ Hán khi công tác xây dựng được thực hiện xuyên suốt ngày đêm. Số bệnh nhân mắc COVID-19 gia tăng nhanh đã đặt áp lực lớn cho thành phố này. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, cuối cùng cảnh "người đợi giường" cũng được thay thế bằng cảnh "giường đợi người". Trong ảnh, công tác xây dựng bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn ngày 26-1 (trên) và 5-2 (dưới) - Ảnh: Tân Hoa xã
Ngày 14-2, đúng ngày Valentine (lễ tình nhân), người dân tỉnh Cát Lâm đã gửi tới tỉnh Hồ Bắc 500 tấn vật tư phòng chống dịch COVID-19 như chất khử trùng, cùng 1.000 tấn gạo chất lượng cao. Đây là số vật tư chống dịch lớn nhất mà tỉnh này gửi tới Hồ Bắc bằng đường sắt kể từ lúc dịch bùng phát. Đến ngày 16-2, số đồ viện trợ đã tới nhà ga Vũ Hán. Trang Hồ Bắc Nhật Báo gọi đây là “quà Valentine nặng ngàn tấn”. Trong ảnh: Dòng chữ "Một phương gặp nạn, tám phương chi viện" trên đoàn xe chở đồ viện trợ của tỉnh Cát Lâm và những thùng gạo gửi tới Hồ Bắc - Ảnh: Tân Hoa xã
Trang Trung Quốc Nhật Báo hồi tháng 2 cho biết Tập đoàn kỹ thuật sinh vật Trung Quốc (CNBG) phối hợp với Trung tâm huyết dịch Vũ Hán khuyến khích những bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục hiến tặng huyết tương. Công ty này đã sản xuất thành công loại huyết tương đặc biệt có thể sử dụng trong điều trị lâm sàng. Việc sử dụng loại huyết tương này đã cứu được mạng sống của nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch ở Vũ Hán. "Với tình trạng thiếu vắc xin và các loại thuốc chữa bệnh rõ ràng, việc sử dụng huyết tương như vậy là cách hiệu quả nhất để chữa trị cho người nhiễm COVID-19 và giảm tỉ lệ tử vong ở những bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch" - ông Lư Hồng Châu đến từ Trung tâm lâm sàng y tế công cộng Thượng Hải đánh giá. Trong ảnh, một nữ bệnh nhân đã hồi phục quay lại bệnh viện ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông hiến máu - Ảnh: Tân Hoa xã
Hình ảnh một nam bệnh nhân trẻ lạc quan đọc sách (phải, trước) trong lúc điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở Giang Hán, Vũ Hán hồi tháng 2 đã nhận được nhiều lời khen của người dùng mạng xã hội Trung Quốc khi được lan truyền - Ảnh: Trung Quốc Nhật báo
Khoảnh khắc này được ghi lại ngày 2-2-2020, khi đoàn y bác sĩ gồm 119 người ở tỉnh Sơn Tây lên đường tới tỉnh Hồ Bắc để hỗ trợ đối phó COVID-19. Cô Vương Đình (trong ảnh) nằm trong số này. Trước lúc đi, cha cô, ông Vương Vệ Quốc, 66 tuổi, đã dành cho cô cái ôm tạm biệt. Cách đây 17 năm, bà nội của Vương Đình, lúc đó ngồi xe lăn, cũng đích thân đi tiễn cha của Vương Đình lên đường chiến đấu với dịch SARS ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây - Ảnh: Tân Hoa xã
Những hình ảnh cảm động trong cuộc chiến với COVID-19 ở Trung Quốc - Nguồn: Tân Hoa xã
Bác sĩ Lý Văn Lượng: "Kẻ bịa đặt" thành người đáng kính. Bác sĩ Lượng - bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện trung tâm Vũ Hán - là một trong những người đầu tiên phát cảnh báo về COVID-19. Lúc đầu bác sĩ Lượng bị triệu tập tới đồn công an Vũ Hán, bị buộc ký biên bản với nội dung "phát tán thông tin sai lệch trên mạng" dẫn tới "làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội". Tuy nhiên, khi mọi thứ dần sáng tỏ và những cảnh báo trước đó của ông cho thấy là đúng, lúc đó dịch bệnh đã lây lan nhanh tại Trung Quốc. Bác sĩ 34 tuổi này cũng đã mắc COVID-19 và ông từng tâm sự với truyền thông khi được hỏi về kế hoạch sau khi khỏi bệnh: "Hồi phục xong, tôi vẫn muốn lên tuyến đầu làm việc. Dịch bệnh đang lây lan, tôi không muốn làm kẻ bỏ trốn!". Nhưng hoài bão chưa thành, khoảng 21h30 ngày 6-2, tim của bác sĩ Lượng ngừng đập. Các bác sĩ nỗ lực cứu sống bác sĩ Lượng nhưng bất thành và thông báo anh qua đời lúc 2h58 sáng 7-2. Bác sĩ Lượng ra đi để lại một đứa con 5 tuổi và người vợ đang mang thai. Sau đó, Trung Quốc tặng danh hiệu liệt sĩ cho bác sĩ Lý Văn Lượng - Ảnh: Weibo
Cả gia đình của em bé này (tên Lạc Lạc) đều không bên cạnh. Câu chuyện về Lạc Lạc được đăng trên trang Trung Quốc Nhật Báo ngày 8-2. Ông bà của Lạc Lạc đều mắc COVID-19 và được điều trị. Mẹ của Lạc Lạc, một nhân viên y tế, cũng bị nhiễm bệnh trong lúc làm việc, được cách ly. Còn cha em bé đang ở nước ngoài. Mỗi ngày, các nhân viên y tế của 3 ca tại Bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc thay phiên nhau chăm sóc Lạc Lạc, trở thành "mẹ tạm thời" của đứa bé. Họ tắm rửa, thay tã, cho uống sữa và dỗ em bé ngủ - Ảnh: Trung Quốc Nhật Báo
Rất nhiều người dân Trung Quốc đã chia sẻ hình ảnh cảm động này, qua đó bày tỏ tri ân đội ngũ y bác sĩ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Trong ảnh là cậu bé Tiểu Trạch, mới 3 tuổi. Ngày 19-2, cậu bé được đưa vào Bệnh viện trung tâm thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang do sốt cao và ho. Nhưng 3 ngày sau, thân nhiệt trở lại bình thường và cậu bé được xuất viện. "Tiểu Trạch, mau cảm ơn mẹ y tá đi cháu!" - ông bà nội bảo cậu bé. Thế là cậu bé đứng ngay ngắn trước mặt cô y tá, rồi cúi chào để tỏ lòng biết ơn. Cô y tá Tào Linh Linh hoàn toàn bất ngờ, nhưng cũng kịp cúi người đáp lại. "Rất bất ngờ, rất cảm động. Tình cảm của cậu bé thật đáng trân trọng, cảm giác có mệt có khổ đến mấy cũng đáng" - cô Tào Linh Linh chia sẻ - Ảnh: Thiệu Hưng Nhật báo
Bức ảnh "Bóng chiều tà". Bác sĩ Lưu Khải, thành viên đội nhân viên y tế Thượng Hải đến hỗ trợ tỉnh Hồ Bắc, đã hỏi cảm nhận của nam bệnh nhân Vương Hân về cảnh mặt trời lặn ngày 5-3-2020 trong lúc đưa ông đi chụp CT (chụp cắt lớp vi tính). "Nó thật đẹp!" - cụ ông 87 tuổi đáp khi đang nằm trên giường bệnh. Bác sĩ cho biết ông Vương đã không thấy mặt trời trong một tháng. Theo trang Bắc Kinh Nhật báo, đây là bức ảnh "kinh điển" trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Trung Quốc, khiến vô số người cảm động và phấn khởi. Tại một triển lãm vào giữa tháng 10, ông Vương đã nhớ lại những gì đã diễn ra cách đó 6 tháng với cảm xúc xốn xang trong lòng - Ảnh: Bắc Kinh Nhật báo
Ngày 17-3, nhóm nhân viên y tế đầu tiên được điều từ các tỉnh thành tới hỗ trợ Vũ Hán chống dịch đã bắt đầu rời khỏi thành phố 11 triệu dân này. Điều đó cũng đánh dấu cuộc chiến chống COVID-19 ở Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung đã bớt căng thẳng - Video: Tân Hoa xã
Vũ Hán được xem như một chiến trường quan trọng cần có những con người biết việc đến chi viện. Nhiều y bác sĩ Trung Quốc đã lên đường, chia tay người thân, bạn bè để đi vào vùng dịch mà họ biết đầy hiểm nguy dù không tiếng súng. Đầu tháng 3, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết có 346 đội nhân viên y tế đã được huy động từ khắp Trung Quốc tới hỗ trợ Vũ Hán. Trong số này có các đội đến từ thành phố Thượng Hải, tỉnh An Huy, Cam Túc, Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Hà Nam, Thiểm Tây, Giang Tô, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Thiên Tân... Ngày 17-3, hàng ngàn 'chiến sĩ áo trắng' đầu tiên rời Vũ Hán, đánh dấu cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại đây đã bớt căng thẳng - Ảnh: Tân Hoa xã
Nhiều nơi ở đông bắc Trung Quốc bị phong tỏa trở lại hồi tháng 5 - Nguồn: Bloomberg
Những người buôn bán tại chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh đăng ký thông tin. Nhà chức trách đã đóng cửa Tân Phát Địa hồi tháng 6 sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm mới có liên quan khu chợ này - Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu
Ngày 15-10-2020, triển lãm về cuộc chiến chống dịch COVID-19 mang tên "Nhân dân chí thượng (cao nhất, trên hết), sinh mạng chí thượng" được tổ chức ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Triển lãm có hơn 1.100 tấm ảnh, 1.100 vật trưng bày, 45 video... Cuộc triển lãm được tổ chức trong bối cảnh thành phố Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung đã kiểm soát được dịch COVID-19 - Ảnh: Tân Hoa xã
TTO - Theo Hãng tin Reuters, với nhiều người dân Vũ Hán, những ký ức về thời kỳ phong tỏa đã được thay thế bằng việc mở cửa trở lại nhanh chóng. Người ta không lo lắng về dịch COVID-19, nhưng vẫn lo về chuyện buôn bán chưa phục hồi hẳn.