Số quốc gia có tỉ lệ cân bằng giới hoặc nữ nhiều hơn nam trong quốc hội đã tăng lên sáu nước, tăng gấp đôi so với năm 2020 (chỉ có ba nước).
Mới nhất, trong năm 2022, New Zealand là nước thứ tư sau Rwanda, Cuba và Nicaragua trở thành quốc gia có số nữ nghị sĩ nhiều hơn nam giới.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử New Zealand đạt được dấu mốc này. Không có quốc gia G7 nào nằm trong top 30 nước có tỉ lệ cân bằng giới lớn nhất, theo Báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Kinh nghiệm bình đẳng giới từ châu Phi
Mặc dù sự chênh lệch giữa số nghị sĩ nam và nữ ở New Zealand chỉ là một người, nhưng điều đó đã trở thành một tin tức lớn với các nữ nghị sĩ trên toàn thế giới bởi đây là quốc gia đầu tiên trong số những nước phát triển đạt được dấu mốc này.
Dữ liệu tính tới tháng 11-2022 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cho thấy tới nay mới chỉ có sáu trong số khoảng 200 nghị viện trên thế giới có tỉ lệ cân bằng giới hoặc nữ nhiều hơn nam. Trên toàn cầu, khoảng 26% số nhà lập pháp là nữ.
Năm 2008, Rwanda trở thành nước đầu tiên trên thế giới có một quốc hội do dân bầu mà số thành viên nữ chiếm đa số (61,3%). Sau thảm họa diệt chủng năm 1994, phụ nữ đã trở thành lực lượng đóng vai trò nổi bật và chính yếu trong việc ổn định lại quốc gia ở trung - đông châu Phi này.
Kể từ cột mốc lịch sử năm đó, phụ nữ hiện vẫn đang chiếm tới 61,25% trong Quốc hội Rwanda, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 26,4%.
Theo trang web của IPU, trong suốt nhiều năm, Rwanda luôn đứng đầu bảng xếp hạng cập nhật hằng tháng của IPU về tỉ lệ hiện diện của nữ giới trong quốc hội các nước. Trong bảng xếp hạng này tháng 1-2023 (mới nhất), Việt Nam đứng thứ 64 trong tổng số khoảng 190 nước với 44,2%.
Sở dĩ Rwanda có thể đi vào lịch sử nghị viện thế giới với tỉ lệ đáng chú ý là vì từ năm 2003 họ đã đưa vào hiến pháp điều khoản về hạn mức tối thiểu phải có 30% nữ giới tham gia lưỡng viện quốc hội nước này. Việc áp dụng hiệu quả cơ cấu tỉ lệ này đã giúp mở đường cho bình đẳng giới trong nghị trường Rwanda.
Bên cạnh đó, trong hiến pháp sửa đổi năm 2005 của Rwanda còn nêu rõ trách nhiệm của các tổ chức chính trị trong việc giáo dục công dân về chính trị, đảm bảo việc cả hai giới đều được quyền tiếp cận bình đẳng với các cơ quan dân cử.
Nhờ đó, sau 10 năm xảy ra thảm họa diệt chủng người Tutsi, gần 50% số ghế ở nghị viện đã thuộc về các nữ chính khách.
Thống kê dữ liệu của IPU cho thấy các quy định về mức tỉ lệ nhất định như cách làm tiên phong của Rwanda là một trong những nhân tố thiết yếu nhất trong việc tăng tỉ lệ đại diện của nữ giới trong nghị viện các nước.
Ngoài bốn nước có số nữ nghị sĩ chiếm đa số trong quốc hội nêu trên, Mexico và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất là hai nước khác cũng đã đạt được tỉ lệ bình đẳng nam - nữ trong cơ quan lập pháp.
Hành trình 130 năm?
Các dữ liệu được tập hợp trong một thời gian dài về khoảng cách giới toàn cầu trong báo cáo năm 2022 của WEF cho thấy tỉ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí cấp bộ trưởng trên thế giới đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2022, từ 9,9% lên 16,1%.
Những nước có tỉ lệ nữ bộ trưởng cao nhất là Bỉ (57,1%), Nicaragua (58,8%) và Thụy Điển (57,1%).
Tuy nhiên, báo cáo của WEF cũng chỉ ra một thực tế: mặc dù đã có những tiến bộ trong một số lĩnh vực, song nhìn chung "xu thế tích cực trong bình đẳng giới đang chững lại. Khi các nhà lãnh đạo phải ứng phó với hàng loạt cú sốc về kinh tế, chính trị ngày càng nhiều, nguy cơ đảo ngược xu thế này cũng đang gia tăng".
Có một thực tế đáng chú ý: mặc dù là những quốc gia thuộc top đầu của kinh tế thế giới nhưng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) lại không phải những nước có tỉ lệ phụ nữ đại diện cao trong cơ quan lập pháp.
Dữ liệu của IPU cho thấy Pháp đứng đầu nhóm G7 với 37,3% số "bà nghị", sau đó là các nước Đức (34,9%), Anh (34,7%), Ý (32,2%), Canada (30,5%)... Nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ mặc dù đã có số nữ nghị sĩ kỷ lục trong quốc hội nhưng vẫn chỉ đứng thứ 73, cùng hạng với Lithuania (28,4%).
Diễn đàn Kinh tế thế giới nhận định, với mức độ tiến bộ hiện nay, sẽ phải mất 132 năm nữa thế giới mới đạt đến sự bình đẳng giới hoàn toàn. Khoảng thời gian ước tính này dù sao cũng đã giảm... 4 năm so với ước tính năm 2021 của chính tổ chức này (136 năm).
Trang chủ Google Doodle ngày 1-2 là hình ảnh của bà Sương Nguyệt Anh. Cách đây 105 năm, tờ báo Nữ Giới Chung, do bà Sương Nguyệt Anh làm tổng biên tập, được xuất bản.
Xem thêm: mth.64781159052203202-oac-gnac-yagn-ioig-gnad-hnib-irt-hnihc-aig-maht-ioig-un/nv.ertiout