Bà Quách Thu Nguyệt - nguyên giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, đồng sáng lập Đường sách Nguyễn Văn Bình (giữa) - chia sẻ trong tọa đàm Phụ nữ và văn chương - Ảnh: PHẠM TRANG
Là "bà đỡ" của nhiều nhà văn trẻ, hoạt động lâu năm trong ngành xuất bản, bà Nguyệt có niềm đam mê bất tận về sách.
Khi được tham quan nhiều con đường sách của các nước trên thế giới cũng như kí ức về các đường sách xưa ở Sài Gòn như Đặng Thị Nhu, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, bà đã luôn ấp ủ trong mình giấc mơ xây dựng một con đường sách cho TP.HCM.
Và rồi bà là người đã đề xuất, viết đề án xây dựng Đường sách Nguyễn văn Bình bấy giờ. "Tôi đã dành rất nhiều thời gian để lựa chọn địa điểm. Phải cân nhắc làm sao để đường sách vừa không nằm trong khu giải tỏa của người dân, vừa đẹp, vừa thơ mộng" - bà Nguyệt nói.
Nhiều lựa chọn đã được bà Nguyệt đưa ra khi đó là đường Huyền Trân Công Chúa, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và cả con đường Trương Định xuyên trung tâm thành phố.
"Khi đó, đường Nguyễn Văn Bình không hề nằm trong danh sách mà tôi đưa ra. Hơn 30 năm sống ở thành phố nhưng lúc đó tôi không biết tới con đường này. Tình cờ được một người bạn gợi ý nên tôi đã chạy xe tới xem. Và quá bất ngờ bởi hàng me rất đỗi trữ tình ở đây, đang ngẩn ngơ trước hàng me thì tiếng chuông nhà thơ vang lên. Tôi buột miệng: "nó đây rồi!""
Vì vậy, từ lúc đó, bà Quách Thu Nguyệt nhất quyết chọn con đường Nguyễn Văn Bình để xây dựng đường sách cho TP.HCM, và trong đề án về một con đường sách cho TP.HCM, bà chỉ đề xuất mỗi đường Nguyễn Văn Bình.
Bà chia sẻ tới bây giờ vẫn cảm thấy đường Nguyễn Văn Bình là lựa cho đúng đắn nhất. Ngày 9-1-2021 cũng sẽ là kỷ niệm 5 năm hoạt động của đường sách.
"Sự thành công của đường sách là thiên thời địa lợi nhân hòa. Trong đó yếu tố địa lợi là lựa chọn được con đường đẹp và lãng mạn. Hoạt động của đường sách phần nào phản ánh văn hóa của đất và người Sài Gòn" - bà Nguyệt tâm sự.
Tọa đàm Phụ nữ và văn chương nằm trong chuỗi chuyên đề tôn vinh phụ nữ Việt Nam do Viện Pháp TP HCM tổ chức. Buổi tọa đàm còn có sự góp mặt của các nhà văn nữ là Nguyễn Thị Hoàng, Trầm Hương và Trường An.
TTO - Doanh thu Đường sách năm 2018 đạt 39,84 tỷ đồng, mức cao nhất trong 3 năm kể từ khi ra đời vào tháng 1-2016 (doanh thu năm 2016: 26,4 tỷ; năm 2017: 39,51 tỷ).