'Ông lớn' Thái Lan tiếp tục thâu tóm doanh nghiệp Việt
V.Dũng
(TBKTSG Online) - Tập đoàn SCG dự kiến hoàn tất mua lại 94% cổ phần Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa (SOVI) trong tháng 12 sau khi cử người tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT của công ty này. Nếu giao dịch thành công, danh mục công ty con tại Việt Nam trong lĩnh vực bao bì của SCG Group sẽ lên con số 7 và nâng tổng số công ty con ở thị trường này lên 20.
Vụ thâu tóm SOVI của đại gia Thái Lan dần đi đến hồi kết. Ảnh: DNCC |
Từ ngày 15-12 đến 31-12, Thai Containers Group (TCG) đăng ký mua vào 12 triệu cổ phiếu của SOVI. Số cổ phiếu này tương ứng 94% vốn điều lệ của SOVI. Giao dịch thực hiện thông qua hệ thống chuyển quyền sở hữu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).
TCG là công ty con của tập đoàn Thái Lan SCG. Nếu hoàn tất giao dịch nêu trên, SOVI sẽ chính thức trở thành công ty con của SCG. Với tỷ lệ sở hữu 94%, SCG sẽ nắm toàn quyền quyết định ở SOVI và không có cổ đông nào có thể phủ quyết các quyết định của tập đoàn đến từ đất nước chùa vàng này. Hiện SOVI không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, mở trần lên tới 100%.
SOVI là doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì thành lập năm 1968. Vốn điều lệ hiện tại của doanh nghiệp là 128 tỉ đồng. Năm 2019, SOVI đạt doanh thu 1.700 tỉ đồng và lợi nhuận 141 tỉ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp đến cuối tháng 9 năm nay là 1.056 tỉ đồng . Vốn hóa doanh nghiệp hiện hơn 1.000 tỉ đồng .
Chỉ ít ngày trước khi TCG Solutions đăng ký mua cổ phiếu, cổ đông SOVI đã thông qua việc từ nhiệm của 6/7 thành viên HĐQT và ba thành viên ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023. Các nhân sự mới được bầu bổ sung đều là những lãnh đạo điều hành tại các công ty thành viên hoặc đối tác của Tập đoàn SCG.
Trong đó, ông Suchai Korprasertsri, Giám đốc TCG Solutions kiêm Giám đốc điều hành Thai Containers Group, được bầu làm Chủ tịch HĐQT SOVI. Trong khi đó, Tổng giám đốc mới là ông Ekarach Sinnarong, hiện cũng là Tổng giám đốc Công ty Công Nghiệp Tân Á, một doanh nghiệp thuộc SCG tại Việt Nam.
Thương vụ thâu tóm SCG khác với nhiều giao dịch mua bán sáp nhập trên thị trường. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ hoàn tất việc mua lại cổ phần rồi mới cử người tiếp quản điều hành công ty như trong thương vụ ThaiBev mua lại Sabeco. Trong khi đó, sau khi thay đổi lãnh đạo SOVI, SCG mới chính thức chào mua cổ phần.
Tập đoàn SCG của Thái Lan nằm trong nhóm các nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm nhất tại Việt Nam ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi có hiệu lực vào năm 1992. Khởi đầu, SCG tập trung vào mảng vật liệu xây dựng - xi măng, nhưng chủ yếu là hoạt động thương mại. Tuy nhiên, càng về sau quy mô hoạt động của tập đoàn này càng mở rộng thông qua việc thâu tóm các doanh nghiệp nội địa đầu ngành.
Năm 2011, SCG mua lại 99% cổ phần Công ty Đầu tư và Công nghiệp Bửu Long chuyên về xi măng trắng. Năm 2012, tập đoàn rót 240 triệu đô la mua lại 85% cổ phần của Prime Group. Năm 2015, tập đoàn này bắt đầu chiếm lĩnh thị trường bao bì khi thực hiện thương vụ mua 80% cổ phần Công ty Bao bì nhựa Tín Thành (Batico).
Giai đoạn năm 2017-2018, tập đoàn này tăng tốc mở rộng thông qua nhiều thương vụ khác như mua lại 100% cổ phần Công ty Vật liệu xây dựng Việt Nam, thâu tóm Nhựa Bình Minh - một trong hai doanh nghiệp đầu ngành trên sàn chứng khoán.
Với lợi thế về vị trí lẫn sự tương đồng về thị trường so với các đối thủ, Tập đoàn SCG thường thực hiện những thương vụ của mình một cách nhanh chóng. Phong cách đầu tư luôn nhắm đến một lượng cổ phần chi phối để định hướng lại kinh doanh.
Đến nay, SCG Group quản lý 20 công ty con tại Việt Nam, tập trung vào ba mảng kinh doanh chính là xi măng - vật liệu xây dựng (SCG Cement – Building Materials), hóa dầu (SCG Chemicals) và bao bì (SCG Packaging).
Xem thêm: lmth.teiv-peihgn-hnaod-mot-uaht-cut-peit-nal-iaht-nol-gno/338113/nv.semitnogiaseht.www