Người đời sẽ nhớ mãi Lê Thương (người thứ hai từ trái qua), nhạc sĩ hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam - Ảnh: THÁI LỘC chụp lại
"Có ai xuôi vạn lý /nhắn đôi câu giúp nàng,/Lấy cây hương thật quý,/thắp lên thương tiếc chàng. Thôi đứng đợi làm chi,/thời gian có hứa mấy khi/sẽ đem đến trả đúng kỳ/Những người mang mệnh biệt ly...
(Trích Hòn vọng phu 2 - Lê Thương)
Nhạc sĩ tiên phong, nét nhạc khác lạ
Nhà nghiên cứu âm nhạc Vĩnh Phúc (Học viện Âm nhạc Huế) cho rằng Lê Thương là nhạc sĩ có vị trí đặc biệt trong nền tân nhạc Việt Nam, mà tác phẩm đặc biệt là Hòn vọng phu. Cùng với Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát..., Lê Thương nằm trong nhóm những tác giả tiên phong của tân nhạc, với nhạc phẩm công bố lần đầu trên báo Ngày Nay của Tự Lực văn đoàn nửa cuối năm 1938.
Nguyễn Văn Tuyên là nhạc sĩ tân nhạc đầu tiên được Thế Lữ "cổ xúy" trên báo Ngày Nay ngày 26-6-1938. Đến 31-7 cùng năm, báo này đăng nhạc phẩm đầu tiên là Bình minh của Nguyễn Xuân Khoát (phổ thơ Thế Lữ). Ngày 7-8 thì in nhạc phẩm thứ hai Một kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên. Bài Tiếng đàn đêm khuya của Lê Thương là bản thứ ba được in ngày 14-8.
Theo nhà nghiên cứu Vĩnh Phúc, khi Nguyễn Văn Tuyên lần đầu công khai trình diễn các tác phẩm "nhạc ta điệu Tây" của mình tại Hà Nội, sự đón nhận của công chúng có phần "nhợt nhạt". Bởi lẽ, cử tọa là khá nhiều tác giả cũng đã sáng tác ca khúc mà chưa công bố. Chỉ đến khi chương trình nhạc Lê Thương được tổ chức mới thực sự gây tiếng vang trong lòng người nghe.
Sau khi công bố mấy nhạc phẩm, Lê Thương được Đoàn Ánh Sáng - một tổ chức của báo Ngày Nay - mời lên Hà Nội trình diễn để vận động quyên góp làm nhà cho đồng bào. Tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19-11-1938, trước khi diễn vở hài kịch Ông Ký Cóp của Vi Huyền Đắc, Thế Lữ đã tổ chức chương trình phụ diễn toàn nhạc Lê Thương. Đó là những bản: Tiếng đàn đêm khuya, Một ngày xanh, Thu trên đảo Kinh Châu, Xuân năm xưa, Trên sông Dương Tử, Khúc ly ca... Đây được xem là chương trình "tác giả tác phẩm" tân nhạc lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam.
Buổi trình diễn thành công ngoài mong đợi. Khái Hưng đã không tiếc lời trên báo Ngày Nay 26-11-1938: "...Ngoài công giới thiệu tác phẩm mới của một soạn giả có tài, còn cho ta được thưởng thức những bài hát êm ái của ông Lê Thương những điệu cảm động vì diễn tả một thứ văn chương ly tao nhất của tâm hồn. Cái giọng mềm mại của ông Lê Thương được một tay danh cầm đàn theo. Ông Trần Đình Khuê một nhạc sư ai cũng yêu tài, đã làm nổi tình cảm của ông Lê Thương trong những ngón đàn ý tứ và đằm thắm".
Giai đoạn này, Lê Thương dạy học ở Hải Phòng, hoạt động và sáng tác tân nhạc cùng nhiều tác giả trẻ khác như Canh Thân, Hoàng Quý, Hoàng Phú (Tô Vũ), Phạm Ngữ... Nhà nghiên cứu Vĩnh Phúc cho rằng: "Hầu hết những tác phẩm giai đoạn đầu của tân nhạc VN đều mang hơi hướng, ảnh hưởng rõ rệt những bản nhạc thời trang châu Âu đương thời. Trong khi Lê Thương, chất âm nhạc lạ và khác so với các tác giả khác, rất đáng nể phục, từ lối tư duy và vận dụng nhuần nhuyễn âm nhạc dân tộc ngay từ đầu".
Bản nhạc Hòn vọng phu 1, An Phú xuất bản, Sài Gòn 1955 - Ảnh: THÁI LỘC
"Rất dân tộc"
Ba bản của trường ca được sáng tác cách nhau khá nhiều năm. Một số nhà chuyên môn cho rằng Lê Thương viết Hòn vọng phu "độc lập", về sau mới viết tiếp tục hai bản còn lại thành nên trường ca nhạc cảnh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha cho rằng: "Có khi Lê Thương chỉ định viết bài Hòn vọng phu 1, về sau theo kháng chiến ông mới viết tiếp". Trong khi nhà nghiên cứu Vĩnh Phúc lại suy nghĩ khác: "Nhìn vào kết cấu cả ba bản nhạc, rõ ràng trong đầu ông vẫn suy nghĩ, nung nấu sáng tác cả trường ca hoạt cảnh".
Suốt cả trường ca, Lê Thương vẫn dùng bảy âm của nhạc Tây (đô, rê, mi, fa, sol, la, si). Thế nhưng, phân tích về mặt âm nhạc, nhà nghiên cứu Vĩnh Phúc nhận ra điều thú vị: năm âm của nhạc truyền thống được vận dụng một cách nhuần nhuyễn.
Ông nói: "Đọc qua bản nhạc, toàn thang năm âm: do-re-fa-sol-la-do; thỉnh thoảng mới chen lướt nốt mi và si giáng, rất nhanh, thoáng qua. Nhưng mi ở đây vẫn rất truyền thống, kiểu nhạc Huế hay tài tử Nam Bộ, chỉ lướt qua; điều mà Trần Văn Khê từng nhận xét đó là sự chuyển hệ chứ không phải chuyển điệu".
Việc dùng lời, luyến láy trong bài hát cũng được các nhà chuyên môn nhận xét mang tính dân tộc. "Bài nào cũng vận dụng luyến láy quãng 4, quãng 5 để hát đúng theo ngữ âm tiếng Việt. Tiếng đưa hơi "rất Việt" được vận dụng một cách tài tình, từ ơ...a, ơ...hờ hoàn toàn trong truyền thống.
Rồi phương pháp điệp từ: "sống trong, trong mơ hồ", "kéo quân, quân theo cờ" rất dân ca. "Xang xang xê hò xừ xang, xừ liêu xê xang liêu ú liêu ú hò. Đoạn gian tấu ước lệ này được Lê Thương ghi lời theo nốt năm âm, dù không trùng khớp giữa tên và nhạc, chỉ đưa tượng trưng nhưng về mặt hình thức đã thể hiện yếu tố dân tộc rất độc đáo" - nhà nghiên cứu Vĩnh Phúc nhận xét rồi ngân nga.
Nhạc sĩ Lê Hoàng Long, tác giả Gợi giấc mơ xưa, đồng thời là tác giả sách Nhạc sĩ danh tiếng hiện đại (Sài Gòn, 1959) ghi nhận Lê Thương viết nhạc rất cẩn thận để đúng hoàn toàn được ý mình, rất chú trọng đến những nốt láy nhỏ hay nhiều nốt móc kép để lượn một lời ca.
"Cả ba bài, cách chuyển âm (mudulation) thật là giản dị nhưng không phải thế là nghèo nàn. Về hình vẽ (đessin) thì trừ bài Hòn vọng phu 1 ở mức trung bình, còn hai bài 2 và 3 thật là đẹp mắt. Về lời ca, nếu viết một chuyên ca, viết được như Lê Thương, một lối viết văn lưu loát, ý súc tích, câu chuyện kể đậm đà, cảm động... Trong các tác phẩm của Lê Thương thường thường phảng phất tính chất dân tộc nhiều hơn là ngoại lai. Đó là một ưu điểm đáng được đề cao và ca ngợi" - ông viết.
Bậc thầy của các nhạc sĩ đại thụ
Chủ trương sáng tác của Lê Thương, ngay từ thời gian đầu đã dựa trên âm nhạc dân gian của người Việt. Từ bản Thu trên đảo Kinh Châu, Lê Thương sáng tác dựa vào chất liệu quan họ, sự thành công đến nỗi sau này người ta xem bản tân nhạc này là một bài quan họ.
Ông Nguyễn Thụy Kha nhận định: "Khuynh hướng sáng tác chủ đạo của âm nhạc Việt Nam hiện nay là dân gian đương đại. Điều này, nhạc sĩ Lê Thương đã chủ trương từ rất sớm. Và điều đó vẫn soi sáng, vẫn vững bền; người nhạc sĩ ấy tầm cỡ đến như thế".
Theo ông Nguyễn Thụy Kha, nhiều nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam như Văn Cao, Hoàng Quý, Tô Vũ (Hoàng Phú), Canh Thân, Phạm Ngữ... đều chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Lê Thương. Các sáng tác của bậc thầy Lê Thương đã ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ nhạc sĩ tân nhạc: "Không có Lê Thương thì làm sao Văn Cao viết được Buồn tàn thu năm 16 tuổi, bài hát này dựa trên tinh thần của Lê Thương".
Cũng nhờ nhạc sĩ bậc thầy tiên phong mà sau này, nhiều tác giả lớn của nền tân nhạc mới để lại những bản trường ca bất hủ: Phạm Duy với Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam hay Phạm Đình Chương với Hội trùng dương... Riêng Hòn vọng phu, ông Kha nói: "Đến nay vẫn còn nguyên giá trị; tác phẩm này được bước vào cổ điển, cả nhạc và lời đều bất tử chứ không bị lãng quên như các tác phẩm của nhiều nhạc sĩ khác".
"Ông là nhạc sĩ có rất nhiều cảm hứng dân tộc chân thành, lúc nào cũng ủ ấp một ý tưởng thiết tha đưa nhạc của mình về đường dân tộc tính... Xét về kỹ thuật của ông qua ba bài đặc sắc này chúng tôi nhận thấy Lê Thương rất vững vàng và già dặn, được Văn Cao tôn kính làm bậc thầy không phải là quá đáng" - Lê Hoàng Long (Nhạc sĩ danh tiếng hiện đại, Sài Gòn 1959).
***************
Lê Thương nói trong sự xúc động: "Chưa bao giờ tôi nghe Hòn vọng phu mà cảm xúc mạnh đến vậy, như mình đẻ đứa con và được đứa con bày tỏ điều gì với mình".
Kỳ tới: Ngàn sau còn nhớ "Ai bế con mãi đứng chờ".
TTO - Men theo bờ biển Tây, từ Kiên Lương cho đến Hà Tiên, quanh những khối núi đá vôi trải dài vươn ra tận biển này, khi nghe hỏi ở nơi nào có đá vọng phu, nhiều người nhìn chúng tôi như 'từ trời rớt xuống'.
Xem thêm: mth.97695959071210202-ut-tab-ac-gnourt-6-yk-uhp-gnov-noh-ac-gnourt-uad-oeht/nv.ertiout