vĐồng tin tức tài chính 365

Các địa phương chưa đồng thuận về nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man

2020-12-17 21:02

Các địa phương chưa đồng thuận về nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Trong bốn địa phương được tham vấn ý kiến về đề nghị nâng công suất của Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam (tỉnh Hậu Giang), gồm Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng, thì có hai địa phương nêu quan điểm đồng thuận, một địa phương phản đối và một đề nghị cẩn trọng.

Cần Thơ đề nghị Hậu Giang cẩn trọng khi cho phép nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man lên 1,1 triệu tấn/năm

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin nêu trên được ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tại hội nghị giao ban báo chí quí 4-2020 diễn ra vào chiều hôm nay, 17-12, ở địa phương này.

Theo ông Tuyên, trong bốn địa phương được tham vấn ý kiến, gồm Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng, thì có hai địa phương Vĩnh Long và Trà Vinh đồng ý cho nâng công suất của dự án từ 420.000 tấn/năm như hiện nay lên 1,1 triệu tấn/năm, trong khi đó, tỉnh Sóc Trăng không đồng ý, còn TP Cần Thơ đề nghị phải cẩn trọng.

Về cơ sở để tỉnh Hậu Giang ủng hộ nâng công suất dự án, ông Tuyên cho biết, dự án được cấp chủ trương từ năm 2007-2008 với quy mô diện tích là 82 héc-ta, gồm có hai dự án thành phần là: dự án sản xuất giấy và bột giấy. “Sau khi có một số quan ngại, dự án chỉ làm nhà máy giấy và chúng tôi động viên (chủ đầu tư PV) bỏ bột giấy vì nguy hiểm cho môi trường”, ông Tuyên cho biết.

Theo ông Tuyên, nhà máy giấy hiện hữu hoạt động hiệu quả, có đóng góp đáng kể cho tỉnh Hậu Giang về kim ngạch xuất nhập khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp, thuế và giải quyết lao động. “Trong dự án có trên 1.000 lao động, thì Hậu Giang có trên 500 lao động”, ông dẫn chứng.

Trong khi đó, theo ông Tuyên, doanh nghiệp cũng đề nghị nâng công suất, nhưng thẩm quyền về phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hậu Giang thì đồng thuận. “Tất nhiên, chúng tôi cũng khẳng định phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường”, ông nói.

Theo ông Tuyên, trên cơ sở các địa phương liên quan có ý kiến như nêu trên, tỉnh Hậu Giang sẽ báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường. “Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thế nào, xem xét được hay không thuộc thẩm quyền của Bộ”, ông tái khẳng định.

Liên quan câu hỏi được báo chí đặt ra rằng: "Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố môi trường?", bà Lê Thị Kim Diệu, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, đối với một dự án đã được phê duyệt ĐTM thì chủ đầu tư phải thực hiện các yêu cầu của luật này; các yêu cầu trong báo cáo ĐTM và thực hiện các công trình bảo vệ môi trường cũng như vận hành đúng quy định pháp luật.

Theo bà Diệu, trong trường hợp xảy ra sự cố, chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm. “Đồng thời, luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm định và phê duyệt ĐTM”, bà cho biết.

Ngoài ra, với địa phương, theo bà Diệu, luật cũng có quy định trách nhiệm quản lý về bảo vệ môi trường của công ty. “Tỉnh sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc này, nếu để xảy ra sự cô ô nhiệm môi trường”, bà cho biết.

Liên quan đến việc nâng công suất dự án, trước đó trao đổi với TBKTSG Online, PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ nói rằng: "Quan điểm của tôi là không ủng hộ nâng công suất của dự án".

"Ngay cả tôi khi đọc báo cáo của UBND (UBND TP Cần Thơ, địa phương yêu cầu phải cẩn trọng – PV) có ý kiến về chuyện này, tôi thấy có nhiều điểm thiếu sót", ông Tuấn cho biết và gợi ý phải có đánh giá lũy tích trong khu vực các khu công nghiệp, các nhà máy xung quanh đó nữa để có cái nhìn toàn diện, chứ không thể chỉ riêng dự án.

Mặt khác, theo ông Tuấn, trong điều kiện nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng ít, đó là chưa kể khu vực này đã và đang hình thành rất nhiều công trình "ngăn sông" như hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và nhiều công trình ngăn mặn khác.

"Vì vậy, khi lỡ xảy ra sự cố môi trường, thì thủy triều biển Đông sẽ đẩy ô nhiễm sâu vào đất liền, trong khi bên kia (biển Tây – PV) đã bị bịt lại (bởi dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé – PV), thì tình trạng ô nhiễm sẽ luẩn quẩn, đặc biệt khi Hậu Giang là địa phương nằm ở khu vực giáp nước (nước đứng) nên nguy cơ là rất lớn", vị chuyên gia môi trường này dẫn chứng và tái khẳng định quan điểm là không nên nâng công suất của dự án.

Xem thêm: lmth.nameel-yaig-yam-ahn-taus-gnoc-gnan-ev-nauht-gnod-auhc-gnouhp-aid-cac/168113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Các địa phương chưa đồng thuận về nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools