Cung cấp dịch vụ 5G: Cần thêm thời gian 'ném đá dò đường'
Vân Ly
(TBKTSG Online) – Dịch vụ Internet băng thông rộng di động 5G đang được các nhà mạng lớn Viettel, VinaPhone, MobiFone cung cấp thử nghiệm tại Hà Nội và TPHCM. Song, giới chuyên gia cho rằng Chính phủ cần chờ thêm một thời gian nữa hãy cấp phép chính thức cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ này.
Trạm thu và phát sóng của VNPT VinaPhone. Ảnh: DNCC |
Triển khai 5G cần tính toán để hài hòa lợi ích các bên
Tại cuộc tọa đàm "5G đem đến cơ hội gì cho Việt Nam" do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin tổ chức vào ngày 17-12, ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng khi nói đến 5G có cả cơ hội và thách thức. Công nghệ mới này cũng liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau trong thị trường như nhà mạng viễn thông, nhà sản xuất thiết bị, cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng khi triển khai 5G cần phải tính toán để hài hòa lợi ích các bên.
Ông Lê Nam Thắng là người có nhiều năm phụ trách về lĩnh vực viễn thông, từ kinh nghiệm và sự ghi nhận của mình, ông phân tích về mặt công nghệ, 5G gây ấn tượng bởi giúp cung cấp dịch vụ với tốc độ cao gấp hàng chục lần công nghệ 4G, độ trễ thấp, có khả năng kết nối với hàng triệu thiết bị trong một km2... và đây cũng là điều mà các nhà sản xuất thiết bị viễn thông quốc tế (Huawei, Nokia, Ericsson...) luôn nhấn mạnh để thúc đẩy hoạt động kinh doanh sản phẩm. Tuy nhiên, với băng tần trung và cao hiện các nhà mạng đang thử nghiệm triển khai 5G thì sẽ yêu cầu số trạm thu và phát sóng (BTS) lớn, vùng phủ không rộng mà tập trung, từ đó dẫn đến việc nhà mạng sẽ tốn kém chi phí khi triển khai.
“Nếu Việt Nam triển khai 5G sớm so với thế giới thì tốn kém, nhưng nếu triển khai muộn thì sẽ hạn chế sự phát triển của nhiều kĩnh vực trong nền kinh tế - xã hội. Do đó, cần phải chọn thời điểm triển khai phù hợp, thông thường đến khi có khoảng 10% dân số thế giới sử dụng công nghệ này thì mình triển khai là phù hợp. Trong khi đó theo Ericsson, hiện thế giới mới có 4% dân số dùng 5G. Do đó, Việt Nam có thể cần tiếp tục 'ném đá dò đường' trước khi quyết định”.
Ông giải thích thêm rằng nếu triển khai sớm, trong bối cảnh lượng người dùng 5G trên toàn cầu còn quá ít thì giá thành thiết bị (điện thoại thông minh tích hợp 5G, trạm thu và phát sóng) vẫn còn đắt.
Ông dẫn chứng báo cáo của VNPT, doanh số từ dịch vụ dữ liệu (3G, 4G) năm nay của tập đoàn này mới chiếm 1/3 tổng doanh thu. Do đó, các nhà mạng cũng cần cân nhắc tỷ lệ doanh thu trên thực tế để đi đến quyết định đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ dữ liệu mới tốc độ cao hơn như 5G.
“Với người dùng dữ liệu thì khi được cung cấp dịch vụ tốc độ cao họ sẽ thích. Mặc dù người tiêu dùng ủng hộ việc cung cấp dịch vụ 5G nhưng họ có quyền lực chọn dùng hoặc không dùng vì yếu tố quan trọng và đáng quan tâm là giá thành. Nếu tốc độ nhanh mà giá hợp lý người tiêu dùng mới sử dụng. Nhưng với doanh nghiệp và các tổ chức Chính phủ thì cần cân nhắc thời điểm triển khai 5G xem doanh thu và lợi nhuận ra sao, bao lâu sẽ hoàn vốn, hiệu quả ra sao. Bởi để triển khai 5G rộng rãi thì nhà mạng phải đầu tư hạ tầng tốn kém vài trăm hoặc cả tỉ đô la Mỹ”, ông Thắng nói.
Khi triển khai 5G sẽ tắt sóng công nghệ 2-3G?
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sau khi cơ quan này cấp phép thử nghiệm kỹ thuật công nghệ 5G vào năm 2019 thì tháng 11 vừa qua tiếp tục cấp phép thử nghiệm thương mại cho 3 nhà mạng lớn sau khi doanh nghiệp đề xuất. Hiện, các nhà mạng được cấp phép đều đã triển khai thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G. Người dùng di động có thể dùng các dịch vụ 5G trên các thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng... đã tích hợp công nghệ.
“Việc thử nghiệm thương mại giúp nhà mạng xây dung kế hoạch sản xuất kinh doanh sát thực tế hơn. Điểm nổi bật của 5G là cung cấp dịch vụ truy cập internet có độ trễ thấp, mật độ thiết bị kết nối 5G trong khu vực nhỏ rất cao. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép cung cấp dịch vụ 5G cho các nhà mạng trong năm 2021,” ông Nhã nói.
Trước câu hỏi khi nào Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ dừng công nghệ 2G như trước đây có ý kiến của lãnh đạo bộ đã từng nói, ông Nhã cho hay việc dừng các công nghệ không còn phù hợp là bài toán rất lớn. Hiện có các công nghệ đang triển khai phục vụ di động như 2G, 3G, 4G. Việc triển khai thêm 5G sẽ tạo ra thực tế là có quá nhiều công nghệ được triển khai sẽ tạo lãng phí trong vận hành, khai thác mạng lưới của các nhà mạng. Trong khi những công nghệ còn ít thuê bao sử dụng thì không hiệu quả về sử dụng tần số, nên sử dụng lại tần số đó cho những công nghệ mới.
Nhưng để dừng công nghệ khi số lượng khách thuê bao còn tương đối lớn là điều không dễ dàng. Hiện có 22 triệu thuê bao sử dụng 2G (điện thoại di động thường, không phải điện thoại thông minh), và khoảng 5,5 triệu thuê bao 3G.
Bổ sung thêm ý của ông Nhã, tại tọa đàm, đại diện của Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay các nhà mạng đang triển khai tần số trung bình và cao để cung cấp thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G nên chi phí cao. Nếu tắt sóng 2G, 3G sớm để dùng băng tần này cung cấp dịch vụ 5G sẽ giúp nhà mạng tiết kiệm nhiều chi phí.
“Để dừng công nghệ 2G, 3G, Bộ đang xây dựng kế hoạch cùng các nhà mạng: tích hợp công nghệ mà một thiết bị đầu cuối cần có để sử dụng ở Việt Nam, cho phép các thiết bị đầu cuối có thể sử dụng nhiều mạng một lúc. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp khảo sát, xây dựng xu hướng sử dụng của người dùng, tìm thời điểm số lượng thuê bao của công nghệ không còn phù hợp thấp xuống thì xây dựng kế hoạch để dừng công nghệ đó”, ông Nhã chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có chủ trương lớn là khuyến khích nhà mạng trợ giá để người dân chuyển sang dùng điện thoại thông minh, phủ sóng 4G bù vào các khu vực trước đây đang phủ sóng 2G, 3G chưa có chất lượng tốt... Đồng thời cũng có chương trình tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân vùng nông thôn sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh.
Xem thêm: lmth.gnoud-od-ad-men-naig-ioht-meht-nac-g5-uv-hcid-pac-gnuc/868113/nv.semitnogiaseht.www