Nếu chỉ nói đơn thuần về công nghệ thì 5G quá tốt. Nhưng triển khai thời điểm nào thì luôn là băn khoăn của nhà quản lý, bởi triển khai 5G muộn sẽ biến cơ hội thành thách thức, sẽ đi sau, không đuổi kịp các nước, hạn chế phát triển kinh tế - xã hội, còn nếu triển khai sớm quá, tốn kém lớn hạ tầng đầu tư của doanh nghiệp.
Nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, người được xem là có nhiều kinh nghiệm và am hiểu sâu sắc trong lĩnh vực viễn thông nêu quan điểm tại tọa đàm "5G đem đến cơ hội gì cho Việt Nam" do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) tổ chức, ngày 17/12.
Doanh thu và lợi nhuận là câu hỏi cần trả lời
Theo nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng, thử nghiệm thương mại 5G hiện tại là hợp lý, nhưng khi chính thức thì phải "vừa ném đá vừa dò đường".
Theo ông, triển khai 5G cần xem xét trên các yếu tố, như thiết bị đầu cuối đã sẵn sàng chưa, giá cả phù hợp; các ứng dụng đã sẵn sàng chưa, có nhu cầu sử dụng trong thực tế không (3G, 4G chủ yếu dùng cho thoại, data thông thường), bởi nếu triển khai đúng (thời điểm) sẽ mang lại nhiều cơ hội, sai sẽ mang đến nhiều thách thức.
Do vậy, cần bàn đến từng đối tượng cụ thể, theo ông Thắng. Thứ nhất, các doanh nghiệp (đối tượng thụ hưởng 5G) và người sử dụng rất ủng hộ 5G vì có lợi, nhiều ứng dụng hơn, tốc độ cao hơn... Chỉ có một vấn đề quan tâm là giá có phù hợp không, gói cước nào... Riêng với người dùng không có nhiều thách thức với người dùng (cơ hội nhiều hơn), chỉ cần "liệu cơm gắp mắm" dùng 3G, 4G hoặc 5G.
Thứ hai, với nhà cung cấp dịch vụ, nhà mạng, sẽ nói nhiều ưu điểm, lợi ích 5G mang lại để tuyên truyền dịch vụ. Nhưng có doanh thu và lợi nhuận không mới là câu hỏi cần trả lời. Theo đó, đầu tư bao lâu sau hoàn vốn, có mang lại doanh thu, lợi nhuận không? Không cần trả lời câu hỏi công nghệ này tốt hay xấu. Tốc độ triển khai thế nào (triển khai ở đâu, tốc độ thế nào...) để tối ưu hóa lợi nhuận mang lại.
Thứ ba với nhà cung cấp thiết bị (vendor) như Nokia, Ericcson, Huawei,… đã đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) từ rất lâu, phải bằng mọi cách thúc đẩy triển khai nhanh công nghệ để hòa vốn, bán được càng nhiều thiết bị thì thời gian hòa vốn càng nhanh. "Chúng ta phải nghe hai tai, một tai nghe nhà mạng, vendor, một tai nghe người sử dụng... Cơ quan quản lý cần cân nhắc các yếu tố, cái nào là khuyến nghị cần tiếp thu, cái nào cần xem xét, đánh giá thêm", ông Thắng chia sẻ.
Riêng với các vendor trong nước, khi có công nghệ mới sẽ được tham gia vào chuỗi sản xuất, có thể chỉ một phần trong dây chuyền sản xuất. Thứ nữa, Bộ Thông tin và Truyền thông phát động phong trào Make in Vietnam, mang lại cơ hội, quyền độc lập tự chủ về công nghệ, không phụ thuộc vendor nước ngoài, dù vậy thách thức với vendor nội địa là đã tham gia toàn cầu hóa, nhiều hiệp định, thỏa thuận về sở hữu trí tuệ, nên phải có sở hữu về các phát minh, sáng chế.
"Tuy nhiên hiện chưa thấy các doanh nghiệp Việt Nam công bố có bao nhiêu quyền sở hữu trí tuệ. Thử nghiệm sản xuất số lượng ít thì không có ý nghĩa", ông Thắng nhấn mạnh.
Thứ tư là cơ quan quản lý nhà nước. Nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, thách thức lớn nhất với cơ quan quản lý nhà nước là quyết định thời điểm triển khai 5G tại Việt Nam. Mặc dù định hướng đúng rồi, và các doanh nghiệp triển khai đều là doanh nghiệp Nhà nước nhưng không có nghĩa là Nhà nước nên ấn định thời điểm cố định cho từng doanh nghiệp. Mà chỉ định quy hoạch chung đến 2020 triển khai 5G tại Việt Nam, sau đó phụ thuộc vào từng đối tượng doanh nghiệp.
"Cơ quan quản lý định hướng thúc đẩy, không cầm tay chỉ việc, còn thời điểm triển khai phụ thuộc quyết định của doanh nghiệp vì bản chất doanh nghiệp cuối cùng vẫn là doanh thu, lợi nhuận", ông Thắng nhìn nhận.
Dự kiến 2023-2025 5G mới phổ biến
Sau thời gian thử nghiệm thương mại, lộ trình triển khai 5G sẽ như thế nào? Dự kiến khi nào mạng 5G sẽ trở nên phổ biến? Giá cước 5G hay người dùng có phải đổi SIM… cũng là những nội dung được đặt ra tại buổi tọa đàm.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, sau khi thử nghiệm thương mại xong, các nhà mạng phải có đánh giá kết quả thử nghiệm về tính năng kỹ thuật, hả năng thương mại, nhu cầu thị trường, khả năng kinh doanh trong tương lai... để cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan nhu cầu mới mà 5G mang lại.
Việc triển khai 5G hoàn toàn phụ thuộc nhu cầu của thị trường. 5G có thể sẽ không được triển khai ngay trên toàn quốc như các thế hệ công nghệ trước đó mà chỉ ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng có nhu cầu về tốc độ cao, mật độ số người sử dụng lớn, hoặc ở ngay các khu công nghiệp có đầu tư nước ngoài có nhu cầu thiết kế, vận hành, xây lắp các nhà máy thông minh.
"Mục tiêu của Bộ là triển khai sớm ngay trong 2021", ông Nhã cho hay.
Về thời điểm dự kiến 5G sẽ trở nên phổ biến, ông Lê Bá Tân, Phó tổng Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel cho biết, phải tới 2023 - 2025 thì 5G mới phổ biến được như 4G. Bởi độ phủ của 5G vẫn còn rất hạn hẹp, cần xây dựng thêm nhiều trạm phát sóng nữa mới đảm bảo kết nối.
5G bước đầu sẽ được triển khai ở khu vực phát triển, có mật độ dân số cao như các thành phố lớn, hoặc tại các khu công nghiệp công nghệ cao. Sau đó, 5G sẽ tiếp tục mở rộng tới những vùng nông thôn, giúp khách hàng có trải nghiệm sử dụng Internet không dây tốc độ cao mà không cần sợi cáp quang nào kéo đến nhà.
Theo số liệu quy hoạch trên mạng lưới của Viettel, dự kiến vào năm 2021 sẽ có khoảng 1,5 - 2 triệu thuê bao 5G trên cả nước. "Việc triển khai sớm 5G không chỉ tạo điều kiện tốt cho các nhà mạng, mà còn tốt cho toàn xã hội", vị đại diện đến từ Công ty Mạng lưới Viettel cho biết.
Các nhà mạng đều cho biết người dùng sẽ không phải đổi SIM 5G mà giống như khi nâng cấp từ 3G lên 4G, mà chỉ cần dùng SIM 4G - LTE sẵn có là đã đủ điều kiện truy cập mạng, điều kiện còn lại là máy điện thoại phải có hỗ trợ 5G. Ngoài ra, các mạng cũng cùng quan điểm trước nội dung về giá cước 5G, rằng hiện nay phải tuân thủ quy định chung. Nhưng các gói cước và cách tính cước cơ bản dựa trên nền tảng của dữ liệu 4G.
Những thách thức chính mà các nhà mạng có thể gặp khi triển khai 5G, theo ông Nguyễn Duy Lâm, chuyên gia giải pháp của Huawei, thứ nhất cần mật độ trạm dày hơn 4G, vì dịch vụ yêu cầu tối thiểu cao hơn 4G. Hai là cải tạo hạ tầng hiện có để lắp đặt thiết bị 5G. Các nhà trạm hiện đặt nhiều thiết bị 2G, 3G, 4G... hầu hết không còn đủ không gian để lắp thêm thiết bị mới, cần phải cải tạo.
Và thứ ba là thời gian triển khai đến lúc cung cấp được dịch vụ: thị trường viễn thông là thị trường kín, khi một nhà mạng cung cấp dịch vụ trước, các nhà mạng đi sau chia sẻ thị phần còn lại, càng cung cấp chậm thì thị phần càng bé lại.
Xem thêm: mth.59565922271210202-gnoud-od-auv-ad-men-auv-iahp-g5-iahk-neirt/nv.ymonocenv