Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng việc chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 174 héc-ta rừng để thực hiện dự án phải được cân nhắc cẩn trọng, có những phân tích, đánh giá sâu hơn tác động đa chiều của việc triển khai dự án kinh tế đến môi trường và xã hội.
Khu vực dự tính làm dự án sân golf Đắk Đoa là rừng thông có tuổi thọ hàng chục năm. Lâu nay, rừng thông này tạo cảnh quan, giữ đất. Rừng này còn có hàng nghìn cây thông cổ thụ hình dáng cây bonsai tuyệt đẹp. Vị trí rừng thông cũng được đánh giá có vị trí đắc địa bởi chỉ cách trung tâm thị trấn Đắk Đoa khoảng 3km và cách TP.Pleiku hơn 20km, nằm sát tuyến QL19 nối Tây Nguyên với miền Trung.
Thiên nhiên còn ưu đãi đặc biệt khi tại khu vực này mọc dày đặc một loại cỏ hồng tuyệt đẹp, nổi tiếng ở Tây Nguyên. Hàng năm, huyện Đắk Đoa đều tổ chức lễ hội tại khu vực rừng thông, thu hút hàng nghìn lượt khách.
Trước thông tin, rừng thông và đồi cỏ hồng được đề xuất chuyển đổi làm sân golf, nhiều du khách và người dân ở đây cảm thấy tiếc nuối. Ông Trần Bình (ngụ P.Ia King, TP.Pleiku, Gia Lai) dẫn một đoàn du khách từ Đà Lạt đến ngắm cảnh rừng thông Đắk Đoa, chia sẻ: Những gì đã được công nhận là thắng cảnh thiên nhiên thì nên phát triển theo hướng du lịch. Đoàn khách đến đây ai cũng phải trầm trồ về khu rừng thông bonsai và đổi cỏ hồng có một không hai này.
“Rừng thông, đồi cỏ hồng đang đẹp như thế này mà làm sân golf là không hợp lý. Thắng cảnh thiên nhiên là của toàn xã hội nên đầu tư thêm dịch vụ để cho du khách vào ngắm cảnh, nghỉ ngơi, chứ làm sân golf chỉ phục vụ cho một bộ phận người. Sân golf có thể làm 1 địa điểm khác, không phải là rừng, tránh sự lãng phí về thiên nhiên”, ông Bình bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó anh Lê Anh Thư (ngụ thôn 4, xã Glar, huyện Đắk Đoa) có nhà nằm sát khu vực rừng thông Đắk Đoa chia sẻ, làm dự án sân golf tại địa phương mà không ảnh hưởng rừng thông thì hoàn toàn ủng hộ.
“Rừng thông này không những tạo cảnh quan, điều hoà khí hậu mà nó còn một địa điểm văn hoá, du lịch. Những năm trở lại đây, du khách đến đây ngắm cảnh rất đông. Giờ mà làm sân golf thì lãng phí quá. Dẫu biết rằng làm sân golf mang lại nhiều lợi ích cho địa phương, nhưng cũng đòi hỏi phải hài hoà với thiên nhiên”, anh Thư mong muốn.
Những người đồng bào dân tộc Ba Na sống gắn bó với khu rừng này hàng chục năm, chia sẻ suy nghĩ của mình: “Rừng gắn bó với dân làng. Nếu mai này không còn rừng thông, mất đồi cỏ hồng thì cuộc sống có bị ảnh hưởng ra sao?”.
Ông Bluk – Trưởng thôn 4, xã Glar cho biết, rừng thông này mình sinh ra đã có rồi và nó gắn bó với người dân địa phương. Nhờ rừng thông mà không khí ở đây khi nào cũng trong lành. Ngoài ra, người dân cũng tận dụng rừng để chăn nuôi bò, thả các loại gia súc khác. Đây cũng như một địa điểm văn hoá khi hàng năm, người dân trong huyện cũng tụ tập về đồi cỏ hồng để biểu diễn cồng chiêng và các loại hình nghệ thuật khác. Nếu làm sân golf thì những lợi ích đó có giữ được không.
Theo đề xuất, dự án tổ hợp sân golf Đắk Đoa (thuộc địa phận xã Glar, xã Tân Bình và TT.Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) có 36 lỗ, diện tích hơn 197 héc-ta, tổng mức đầu tư 1.321 tỷ đồng. Thời hạn thuê đất là 50 năm. Nhà đầu tư được lựa chọn là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Theo tỉnh Gia Lai, nếu dự án triển khai, địa phương sẽ được nhà đầu tư đề xuất nộp thuế trên 13 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là khi hoạt động đây sẽ tạo quần thể du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Không những vậy, dự án này sẽ là một trong những trung tâm du lịch vùng phía Bắc Tây Nguyên, sẽ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí của các đối tượng khách trong và ngoài nước...
Xem thêm: lmth.676401_flog-nas-mal-gnud-gnoh-oc-iod-gnoht-gnur-ohc-gnal-ol-nad-iougn/gnos-iod/nv.moc.nagnoc