Giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (17/12) nhờ đồng USD trượt giá sâu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, và kỳ vọng vào một kế hoạch kích cầu sớm được Quốc hội Mỹ thông qua.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 20,8 USD/oz, tương đươg tăng hơn 1,1%, chốt ở 1.886,9 USD/oz. Đây là mức giá chốt cao nhất của giá vàng quốc tế trong 6 tuần trở lại đây.
Theo trang MarketWatch, giá vàng đã vượt ngưỡng trung bình 50 ngày và đây là một dấu hiệu giá kim loại quý này có thể tăng cao hơn trong ngắn hạn. Trong phiên, có thời điểm giá vàng giao ngay cận mốc 1.900 USD/oz và giá vàng giao sau thậm chí còn vượt qua mốc này nhưng không duy trì được lâu.
"Giá vàng tăng là nhờ Fed cam kết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và không thể hiện quan điểm lo ngại gì về sự sụt giá của đồng USD", biên tập viên Brien Lundin của Gold Newsletter phát biểu. "Ngoài ra, xung lực tăng của giá vàng cũng đang tự tăng lên. Giới đầu cơ giá xuống đã tìm cách ngăn đà tăng giá của vàng sau cuộc họp Fed hôm tứ Tư, nhưng nhanh chóng bị lấn át bởi dòng tiền đổ mạnh vào thị trường vàng".
Ông Lundin cũng chỉ ra rằng "từ năm 2015 đến nay, cuộc họp tháng 12 của Fed luôn là một bệ phóng cho một đợt tăng giá vàng kéo dài sang tận năm sau".
Nhận định về tuyên bố mà Fed đưa ra hôm 16/12, ông Peter Spina, Chủ tịch GoldSeek.com nói rằng ngân hàng trung ương này đã phát tín hiệu rõ ràng sẽ không sớm nâng lãi suất và cam kết đẩy lạm phát lên cao hơn. Trong bối cảnh đó, "nhà đầu tư xem vàng là một kênh lưu trữ giá trị hấp dẫn hơn nhiều" so với USD và các tiền giấy khác, ông Spina nói.
Tuần này, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 2,9%.
Về triển vọn giá vàng, ông Spina dự báo kỷ lục mới sẽ được thiết lập trong năm 2021. Năm nay, giá vàng tăng vì Covid-19 hoành hành, còn năm tới, giá vàng sẽ tăng nhờ phản ứng quyết liệt của các quốc gia nhằm vực dậy nền kinh tế sau đại dịch, vị chuyên gia giải thích.
Các nhân vật cấp cao nhất của Đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã tiến gần hơn tới một kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế mới trị giá khoảng 900 tỷ USD để ứng phó với đại dịch đã khiến gần 309.000 người thiệt mạng và hàng triệu người khác mất công ăn việc làm ở nước này.
Nhiều nhà đầu tư tin chắc rằng dự luật kích cầu này sẽ sớm được thông qua, nhất là sau khi thống kê cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ tăng trong tuần trước. Dữ liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy doanh thu bán lẻ của Mỹ giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 11, một dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang thắt lưng buộc bụng.
Một lượng tiền lớn bơm vào thị trường làm gia tăng áp lực giảm giá lên đồng USD, hỗ trợ thêm cho giá vàng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đang duy trì xu thế giảm, về mức thấp nhất kể từ dầu năm 2018.
Hiện chỉ số này đang dao động quanh mức 89,9 điểm, giảm 1,3% từ đầu tuần.
Dù giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng miếng trong nước sáng nay chỉ tăng khoảng 100.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Lúc hơn 9h, Tập đoàn DOJI báo giá vàng miếng SJC tại Hà Nội ở mức 55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC theo niêm yết của Công ty SJC là 55,05 triệu đồng/lượng và 55,55 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc này giảm 5,1 USD/oz so với chốt phiên Mỹ đêm qua, còn 1.881,8 USD/oz, tương đương 52,6 triệu đồng/lượng.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.205 đồng (mua vào) và 23.230 đồng (bán ra), giá mua vào không đổi nhưng giá bán giảm 5 đồng so với sáng qua.
Xem thêm: mth.77925849081210202-maig-tus-dsu-gnod-ohn-naut-6-tahn-oac-ioig-eht-gnav-aig/nv.ymonocenv