Môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp phải tìm cách thay đổi phương thức kinh doanh, tìm kiếm các giải pháp vượt qua khó khăn hay tận dụng những cơ hội ít ỏi để vươn lên.
Điều dễ nhận thấy đầu tiên là làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hình thức làm việc truyền thống không còn khả dụng trước yêu cầu giãn cách xã. Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn nhận định dịch Covid-19 dạy cho doanh nghiệp một bài học. "Chỉ có chuyển đổi tập đoàn sang công nghệ số, thay đổi thật nhanh, mạnh mới có thể theo kịp thay đổi của thời đại mới".
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải linh hoạt, tìm kiếm các cơ hội trong khó khăn. Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ chia sẻ dịch bệnh khiến những kế hoạch được xây dựng trong vài tháng phải hủy bỏ phút chót và được thay thế bằng phương án lập trong 2 tuần.
Ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công thừa nhận doanh nghiệp làm mọi thứ để có được doanh thu, đẩy nhanh tiến trình bán hàng trên nền tảng số, phát triển thị trường nội địa…
Các doanh nghiệp dệt may đối mặt với tình trạng đơn hàng truyền thống - quần áo thời trang giảm nhưng nhu cầu về khẩu trang tăng cao. Ngay lập tức, nhiều doanh nghiệp chuyển một phần dây chuyền may sang may khẩu trang. Đối với ngành phân bón, tận dụng nhu cầu tăng cao do các nước tăng cường đầu tư nông nghiệp trong bối cảnh nhu cầu tích trữ lương thực lớn, Đạm Cà Mau đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại Ấn Độ, Brazil…
Trong bối cảnh dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt hơn trên thế giới, cùng với các giải pháp kích cầu nội địa của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp vốn chủ yếu xuất khẩu đã chuyển hướng quan tâm thị trường trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp thủy sản và dệt may như May Gia Định, Đầu tư TNG, Thủy sản Minh Phú, Navico…
Doanh nghiệp cũng tăng tích trữ tiền nhằm duy trì hoạt động khi doanh thu sụt giảm và đảm bảo tài chính vượt qua dịch bệnh. Vinamilk – một trong những doanh nghiệp nhiều tiền nhất Việt Nam ngay từ đầu năm công bố kế hoạch giãn hoãn các kế hoạch mở rộng chưa cần thiết.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã liên tục tăng trưởng trước khi giảm vào năm nay nếu ngoại trừ yếu tố giá. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 11 tháng đạt hơn 4,59 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 2% nếu loại trừ yếu tố giá.
Theo báo cáo của Vietnam Report, các khó khăn lớn nhất của ngành bán lẻ năm nay lần lượt là sức mua giảm, hành vi của khách hàng thay đổi, thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh và đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm.
Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài khẳng định dịch Covid-19 làm sức mua giảm và sẽ kéo dài khi thu nhập của người lao động chưa thực sự phục hồi. Phó Chủ tịch ví điện tử MoMo Nguyễn Mạnh Tường cho biết dù số lượng các giao dịch tăng lên nhưng giá trị giao dịch có thể giảm đến 30%.
Không chỉ tăng trưởng chậm lại, ngành bán lẻ cũng chứng kiến những thay đổi lớn về xu hướng tiêu dùng. Các hoạt động mua sắm trực tiếp giảm đi nhưng các tín hiệu tích cực lại đến với thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng.
Nguồn: Vietnam Report
Để nắm bắt các xu thế mua sắm mới, các nhà bán lẻ đã chú trọng hơn vào việc khai thác sâu các kênh trực tuyến, các app bán hàng, tận dụng các kênh giao hàng, tập trung vào công nghệ không chạm (thanh toán không dùng tiền mặt, công nghệ thực tế ảo…).
Thực tế cho thấy tỷ trọng doanh thu online chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, chuỗi bán lẻ điện thoại - điện máy lớn nhất Việt Nam, tăng từ 5% hồi đầu năm lên mức 11%. Tập đoàn bán lẻ này còn ra mắt ứng dụng đi chợ thay, giúp doanh thu online Bách Hóa Xanh bắt đầu có đóng góp tỷ trọng 1%.
Chuỗi bán lẻ của FPT Retail ghi nhận doanh số online tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm đến 39% tổng doanh số toàn doanh nghiệp trong 9 tháng. PNJ đẩy mạnh hoạt động bán hàng online, livestream, bán hàng giao tận nhà và đem lại kết quả tốt trong các dịp lễ.
Sau nhiều năm chậm trễ trong giải ngân thì 11 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt 406.800 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Đây là tốc độ giải ngân cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Câu chuyện tăng tốc đầu tư công để kích cầu nền kinh tế giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng có thêm việc làm trong một năm đầy khó khăn. Các dự án đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ tạo ra cuộc chạy đua đấu thầu giữa các đơn vị xây dựng, nhất là các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam. Liên doanh Vinaconex – Trung Chính trúng gói thầu xây lắp số 3, cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây với giá 2.300 tỷ đồng. Tập đoàn Đèo Cả tham gia đầu tư cao tốc Bạc Liêu - Cà Mau hơn 11.000 tỷ đồng. Hay Cienco4 được thực hiện nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, vành đai 2 phía tây Đà Nẵng, sân bay Cát Bi…
Ảnh: ACV
Với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị nhanh chóng được hỗ trợ giải phóng mặt bằng và được chọn làm chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành để khởi công ngay cuối tháng 12. ACV cũng đang ráo riết triển khai 2 dự án trọng điểm khác là nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và T2 Nội Bài.
Các công ty vật liệu xây dựng cũng hưởng lợi nhiều từ chính sách này như ngành đá xây dựng (Đá Hóa An, C32, KSB), nhựa đường (Hóa dầu Petrolimex), thép xây dựng (Hòa Phát), xi măng (Hà Tiên, Bỉm Sơn)…Tuy nhiên mức độ hưởng lợi còn phụ thuộc vào vị trí địa lý của các dự án được triển khai, năng lực của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, giá chào thầu và nhiều yếu tố khác.
Cùng với hàng không thì du lịch được xem là lĩnh vực thiệt hại nặng nề. Theo dự báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm 2019, khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%. Khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%. Tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530.000 tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD)...
Theo đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn lần đầu tiên báo lỗ hoặc lỗ hàng nghìn tỷ đồng như Vinpearl, Vietravel, Công viên nước Đầm Sen, Bến Thành Tourist...
Nhiều cửa hàng đặt tour du lịch, doanh nghiệp lữ hành trong tình trạng sang nhượng. Ảnh: Dân Sinh
Trong bối cảnh Việt Nam ngưng đón khách quốc tế từ tháng 3, doanh nghiệp du lịch chuyển hướng kích cầu thị trường nội địa khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietralvel cho biết thị trường nội địa phục hồi tốt, thậm chí gấp đôi cùng kỳ.
Nhiều chuyên gia cho rằng dịch Covid-19 cũng là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam nhìn lại cơ cấu khách bất cân xứng phụ thuộc nhiều vào thị trường Đông – Bắc Á trong khi các thị trường có mức chi tiêu cao như châu Âu, châu Mỹ chưa khai thác hiệu quả; thời gian lưu trú của khách nước ngoài còn thấp; thị trường nội địa chưa được chú ý dù thu nhập người dân dần được cải thiện…
Qua dịch bệnh, doanh nghiệp du lịch phải tạo ra những sản phẩm mới, độc đáo, hấp dẫn. Đồng thời, trong bối cảnh mới, doanh nghiệp cũng phải cam kết về hoãn, hủy, đổi tour, dịch vụ… linh hoạt để du khách yên tâm được đảo bảo quyền lợi trong mọi tình huống.
Việc các nước thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế thông thương khiến ngành hàng không thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), doanh thu ngành hàng không thế giới năm nay sẽ giảm tới 60% so với năm trước. Mặc dù mỗi ngày đã cắt giảm 1 tỷ USD chi phí, sa thải nhân viên nhưng các hãng hàng không thành viên của hiệp hội vẫn phải đối mặt với khoản lỗ chưa từng có. Nhiều hãng hàng không trên thế giới tuyên bố phá sản.
Tại Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm, tổng số chuyến bay khai thác là 198.785 chuyến, giảm 21% so với năm trước với chủ yếu các chuyến bay nội địa. Hầu hết các hãng hàng không trong nước đều thu không đủ bù chi, xuất hiện khoản lỗ lớn và gặp khó khăn về dòng tiền.
Ông Nguyễn Tiến Hoàn – Phó Trưởng ban kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho biết dịch bệnh khiến doanh thu năm 2020 của hãng giảm một nửa so năm 2019, lỗ hợp nhất 15.000 tỷ đồng, thâm hụt dòng tiền 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, bà Hồ Ngọc Yến Phương – Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Vietjet cho biết hãng phải bán nhiều tài sản tích lũy trong nhiều năm để giảm lỗ.
Trước tình hình thua lỗ và thiếu hụt dòng tiền, Vietnam Airlines kêu "cứu" lên Chính phủ. Tại kỳ họp tháng 11, Quốc hội thông qua phương án tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng để hãng vay 4.000 tỷ đồng, lãi suất 4%/năm. Đồng thời, Vietnam Airlines có thể tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng, SCIC được giao nhiệm vụ mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước (86,19% vốn).
Phương án giải cứu Vietnam Airlines được thông qua đứng trước phản ứng trái chiều của thị trường. Phía ủng hộ cho rằng Nhà nước nắm giữ 86% vốn của Vietnam Airlines nên cần "bơm vốn" giải cứu doanh nghiệp. Trong khi đó, phía phản đối cho rằng các hãng hàng không cần được hỗ trợ công bằng, không phụ thuộc quốc doanh hay tư nhân.
Theo một báo cáo của Bộ Công Thương, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng. Trong khi điện than gây ô nhiễm môi trường và thủy điện không còn nhiều dư địa phát triển, một số giải pháp được đề xuất như đưa các dự án nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành giai đoạn 2021-2025, bổ sung thêm các nguồn điện khí sử dụng LNG, tăng cường nhập khẩu điện từ Lào…
Với triển vọng tăng trưởng cao cùng nhiều chính sách hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp đổ xổ làm điện tái tạo như BIM Group, Trung Nam Group, TTVN Group, Xuân Thiện, Hưng Hải Group, B.Grimm, Bamboo Capital, Sao Mai…cùng với nhiều doanh nghiệp lớn của Thái Lan hay Mỹ cũng tham gia vào "bữa tiệc" năng lượng tại Việt Nam.
Hai dự án điện mặt trời lớn nhất hiện nay mới đóng điện thành công là Xuân Thiện Ea Súp giai đoạn I công suất hơn 830 MWp (tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng) và nhà máy Trung Nam Thuận Nam 450 MW (14.000 tỷ đồng). Với điện gió, Enterprize Energy (Anh) đề xuất dự án Thăng Long Wind công suất 3.400 MW (tổng vốn 11,9 tỷ USD) hay HLP Invest xin khảo sát dự án Biển Cổ Thạch với tổng suất 2.000 MW…
Nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cũng nhảy vào cuộc chạy đua điện tái tạo như Cơ điện lạnh (REE) đặt mục tiêu có tổng công suất 1 GW, Tập đoàn Sao Mai và Bamboo Capital liên tục có dự án mới hàng trăm MWp. Thậm chí các đơn vị ngoài ngành cũng muốn làm điện mặt trời như Dệt may Huế, Sách Giáo dục tại TP HCM, Bảo vệ Thực vật Sài Gòn…
Bên cạnh điện tái tạo, hàng loạt dự án điện LNG tỷ đô xuất hiện như Delta Offshore Energy (Singapore) hoàn thành Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu vốn 4 tỷ USD, PV Power đề xuất làm Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 quy mô 3,5 tỷ USD, VinaCapital dự kiến đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Long An vốn 3,1 tỷ USD, dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây tại Huế vốn 6 tỷ USD, Tập đoàn Exxon Mobil đề xuất dự án khí LNG tại tại KCN Tiên Lãng 1 với tổng mức đầu tư gần 5,1 tỷ USD….
Vào tháng 3, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 mới bùng phát và cuộc chiến giá dầu, thị trường chứng khoán lao dốc, VN-Index giảm từ vùng 980 về 660 điểm. Trong bối cảnh cổ phiếu về đáy nhiều năm, để bình ổn giá, tăng lợi ích cổ đông, hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch mua cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến các cơ hội đầu tư thu hẹp, nhiều doanh nghiệp nhìn nhận năm 2020 không phải là thời điểm để "bung" tiền ra đầu tư, mọi kế hoạch mở rộng đều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Trong khi đó, lãi tiền gửi ngày càng xuống thấp, tính đến giữa tháng 11, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức 2,5-3,8%/năm, trên 6 tháng dưới 1 năm là 3,7-5%/năm và 4,9-5,8% với kỳ hạn 12, 13 tháng. Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn dồi dào nên lãi suất tiền gửi tiếp tục duy trì mức thấp trong vào tháng tới.
Lúc này, một số doanh nghiệp đã dành một phần nguồn tiền nhãn rỗi để đầu tư chứng khoán. Vĩnh Hoàn đã trích khoảng 10% trên khoản tiền gửi ngắn hạn 1.500 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán. TTC Sugar ngoài việc đầu tư cổ phiếu của các đơn vị thành viên như Điện Gia Lai, Du lịch Thành Thành Công thì đã mở rộng danh mục đầu tư vào Chứng khoán Bản Việt, Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo… Công ty Sách Giáo dục tại TP Hà Nội cũng bắt đầu mua chứng khoán để kinh doanh trong quý II, ngay thời điểm thị trường xuống đáy vì dịch bệnh.
Vào tháng 1, giới tài chính xôn xao với việc doanh nghiệp mới thành lập có vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng tên Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco). Vốn điều lệ của USC Interco gấp nhiều lần vốn các tập đoàn lớn như Vingroup, Hòa Phát, Vietnam Airlines, Petrolimex…; thậm chí vượt qua cả Viettel và chỉ đứng sau PVN, EVN.
Theo đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Cổ đông gồm 3 cá nhân Kim Thị Phương, Nguyễn Hoàn Sơn và Trần Gia Phong. Trong đó, cá nhân Trần Gia Phong là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, bà Kim Thị Phương – 1 trong ba cổ đông lớn cho biết con số vốn kỷ lục 144.000 đăng ký là do các cá nhân đăng ký bị say rượu nên... nhầm. Đồng thời, dù đóng vai trò là Kế toán trưởng trong USC Interco nhưng bà Phương khẳng định không biết gì và kiếm sống bằng nghề giao nước khoáng.
Trụ sở chính của USC Interco., JSC. Ảnh: Zing
Qua xác minh, cơ quan điều tra cũng cho biết chủ doanh nghiệp này đã sử dụng thẻ căn cước công dân giả trong quá trình thành lập doanh nghiệp. Sau 90 ngày đăng ký thành lập, các cổ đông không góp đủ vốn nên Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã thu hồi giấy phép kinh doanh.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng trường hợp này là điểm cần rút kinh nghiệp để loại trừ những doanh nghiệp tạm gọi là "doanh nghiệp ma".
Ngành y tế thế giới năm nay phải chạy đua cho việc phòng chống và nghiên cứu vắc xin Covid-19. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng tích cực nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm phòng chống đại dịch như hóa chất diệt khuẩn, kit thử nghiệm nhanh, nghiên cứu sản xuất vắc xin…
Ngay đầu tháng 3, bộ kit chẩn đoán nhanh virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật sinh học phân tử được phát triển bởi Học viện Quân y và Việt Á Corp đã được Bộ Y tế cấp phép để sản xuất hàng loạt tại Việt Nam.
Bộ sản phẩm này đã giúp bổ sung lượng test nhanh cần thiết cho Việt Nam. Đồng thời nghiên cứu cũng giúp chủ động nguồn cung ứng, giảm giá thành sản phẩm.
Vingroup sản suất thành công 2 mẫu máy thở xâm nhập Vsmart VFS-410 và Vsmart VFS–510. Đây là mẫu máy thở xâm nhập được hoàn thiện và sản xuất từ hệ thống sinh thái Vingroup với tỷ lệ nội địa hóa cao, được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành. Sản phẩm không chỉ đáp ứng kịp thời cho nhu cầu điều trị dịch Covid-19 mà còn có thể tiếp tục sử dụng ở các cở sở y tế sau này.
Tập đoàn Hóa chất Đức Giang sản xuất thành công Chloramin B - hóa chất thường được chính phủ và các tổ chức y tế thế giới sử dụng để tiêu diệt các loại vi khuẩn, virus với hiệu quả đến 99,99%. Việt Nam trước đó hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhập khẩu, dẫn đến tình trạng khan hiếm cục bộ chất khử trùng, đẩy giá lên mức kỷ lục.
Nanogen là 1 trong bốn đơn vị thực hiện nghiên cứu vắc xin Covid-19 và là đơn vị đầu tiên chính thức được cấp phép thử nghiệm tại Việt Nam.
Huro Probiotics - một thành viên của Tập đoàn PAN tham gia phát triển sản phẩm SPOR-COV từ vi khuẩn có thể kích thích hệ miễn dịch tự nhiên và chống lại Covid-19. Công ty Việt sẽ đóng vai trò cung cấp nguyên liệu và phát triển công nghệ sản xuất chuẩn hóa ở quy mô công nghiệp.
Huro Probiotics đã chứng minh rằng doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để tham gia vào các dự án nghiên cứu quốc tế quy mô lớn cũng như dự án phát triển thuốc phòng chống dịch Covid-19 này. Sự kiện này còn cho thấy doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tiến ra thế giới, tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu nhờ động lực là nghiên cứu và phát triển.
Huy Lê
NDH