Người Việt Nam không xa lạ với các bệnh nhiễm, do đó người dân nhanh chóng hiểu họ cần phải làm gì để phòng bệnh khi COVID-19 xảy ra - Ảnh: REUTERS
Hôm qua 17-12 là ngày thứ 16 không ghi nhận bệnh nhân mới, sau chùm 4 ca bệnh hồi cuối tháng 11, đầu tháng 12 này. Trước đó, chúng ta đã có 2 thời điểm có trên 90 ngày không ghi nhận bệnh nhân lây lan trong cộng đồng trong thời gian từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 7, và sau đó là gần trọn 3 tháng 9, 10, 11.
Giữ được điều này quả là không dễ dàng, nhất là trong khi Việt Nam đang duy trì mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, hằng tuần vẫn có nhiều chuyến bay từ nước ngoài đến Việt Nam để đưa công dân về nước và đưa chuyên gia, lao động chất lượng cao, nhà đầu tư đến làm việc, trong khi số mắc mới COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tăng nhanh, chừng 500.000 ca mỗi ngày.
Các chuyên gia đã dự đoán mùa đông xuân năm nay COVID-19 sẽ quay trở lại với cường độ mạnh hơn cả đợt dịch đầu năm. Và rất tiếc dự đoán này lại... đúng, khi hàng loạt quốc gia phải quay về giãn cách xã hội. Hàn Quốc và Nhật cũng đang có số mắc mới và số ca bệnh nặng tăng cao. Nhiều quốc gia đã phải đóng cửa trường học tạm thời.
Nhờ các hoạt động phòng chống có hiệu quả, Việt Nam đang có những tháng cuối năm khá suôn sẻ, ngoại trừ vài ngày đầu tháng có căng thẳng khi có 4 ca lây từ cộng đồng tại TP.HCM.
Nhưng càng về sau, dường như năng lực phòng chống dịch của Việt Nam càng tốt hơn: đợt dịch thứ nhất kéo dài từ cuối tháng 1 đến tháng 4, đợt thứ hai (số ca mắc và biểu hiện của dịch trầm trọng hơn rất nhiều) kéo dài từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9 (tổng cộng 1 tháng 9 ngày), và đợt dịch thứ 3, chỉ có vài ngày là kết thúc, không có lây nhiễm chu kỳ thứ 3.
Và cũng nhờ vậy, dù phải giảm giá tích cực, nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn đang có cơ hội cho mùa tết dương lịch và âm lịch sắp tới. Học sinh Việt Nam đã gần hoàn thành học kỳ 1 của năm học 2020 - 2021 trong an lành, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội đang diễn ra bình thường.
Nhưng nếu chỉ một sơ sẩy, mùa tết này sẽ tiếp tục là mùa tết khó. Chúng ta chưa có vắcxin, bởi toàn thế giới đang chạy đua đi mua và dù rất tích cực, Việt Nam vẫn chưa mua được vắcxin. Với vắcxin nội địa do Công ty Nanogen sản xuất, chỉ mới vừa đưa vào thử nghiệm trên người hôm 17-12. Chặng đường để vắcxin này có thể bán rộng rãi vẫn còn dài.
Ông Trần Đắc Phu - chuyên gia của Bộ Y tế - cho rằng trong điều kiện hiện nay, vẫn phải tiếp tục thực hiện 5K: khẩu trang, khoảng cách, khai báo y tế, không tụ tập và khử khuẩn.
Vài tuần trước, khi dịch trở lại tại TP.HCM, ra đường ai cũng đeo khẩu trang. Khi dịch ở TP.HCM tạm lắng, lại rất ít người đeo. Trong khi khẩu trang là 1 trong 2 biện pháp phòng dịch quan trọng nhất. Có ý kiến rằng người ta chỉ sợ khi có dịch, mà không hề biết rằng khi có dịch, biết đâu người xao nhãng khẩu trang ấy lại đã nhiễm bệnh rồi.
Phòng bệnh triệt để, để tết này người dân có nồi thịt kho, tấm bánh và chiếc áo mới, đó không chỉ là việc của cơ quan chức năng, mà còn của mỗi người dân.
TTO - Chiều tối nay 17-12, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân từ đầu mùa dịch lên 1.407 ca, tuy nhiên số ca mắc trên thế giới vẫn tăng rất nhạnh và đã xấp xỉ 75 triệu ca tính từ đầu mùa dịch.
Xem thêm: mth.22570657081210202-hnal-na-tet-aum-uig-ed-hnim-cus-teh-oc-man-teiv/nv.ertiout