Năm 2020 ghi dấu ấn với những đợt phong tỏa vì đại dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia, những biến động chính trị lớn và cũng là năm "ăn nên làm ra" của các tỷ phú giàu nhất thế giới. Theo ước tính của Forbes, hơn 2.200 tỷ phú trên thế giới đã kiếm thêm tổng cộng 1.900 tỷ USD trong năm nay.
Tính toán của Forbes dựa trên giá đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 11/11, tổng tài sản của các tỷ phú toàn cầu là 11.400 tỷ USD, tăng 20% so với thời điểm 31/12/2019.
Giới giàu Mỹ có một năm thành công rực rỡ khi hơn 600 tỷ phú nước này kiếm thêm 560 tỷ USD so với hồi đầu năm, nâng tổng tài sản lên 4.000 tỷ USD, chủ yếu nhờ thị trường chứng khoán tăng mạnh. Chỉ số S&P 500, liên tục lập kỷ lục, tăng tới 13% trong năm bất chấp cú lao dốc hồi tháng 3 do Covid-19. Chỉ số Nasdaq cũng tăng 38%.
Elon Musk là tỷ phú kiếm nhiều tiền nhất năm nay với tài sản tăng thêm 110 tỷ USD lên gần 137 tỷ USD, trở thành người giàu thứ ba thế giới. Giá cổ phiếu hãng xe điện Tesla tăng tới 630% từ đầu năm nhờ sự lạc quan của các nhà đầu tư và thông tin mã này sẽ được đưa vào chỉ số S&P 500 vào ngày 21/12.
Theo sau là Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới. Ông chủ Amazon hiện sở hữu tài sản 182 tỷ USD, tăng 67,5 tỷ USD so với đầu năm nhờ cổ phiếu Amazon tăng mạnh. Hãng thương mại điện tử khổng lồ được hưởng lợi lớn khi người dân phải làm việc và mua sắm tại nhà nhiều hơn.
Xét trên cả quốc gia, các tỷ phú Trung Quốc chứng kiến tài sản tăng nhiều nhất thế giới năm 2020. Sau các đợt phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng. Chỉ số CSI 300 Index gồm 300 công ty hàng đầu Trung Quốc tăng 19% trong năm nay, giúp tài sản của các tỷ phú nước này tăng thêm tổng cộng 750 tỷ USD. Theo đó, 400 tỷ phú Trung Quốc hiện sở hữu tổng tài sản 2.000 tỷ USD. Số này không bao gồm 67 tỷ phú Hồng Kông với tổng tài sản 380 tỷ USD - tăng 60 tỷ USD so với hồi đầu năm.
Tài sản của các tỷ phú Trung Quốc tăng mạnh một phần nhờ loạt IPO lớn của những công ty như hãng nước đóng chai Nongfu Spring (IPO vào tháng 9 tại Hồng Kông). Zhong Shanshan của Nongfu Spring hiện sở hữu tài sản 62,5 tỷ USD, tăng 2 tỷ USD so với đầu năm.
Hai tỷ phú Trung Quốc khác có tài sản tăng mạnh gồm có Colin Zheng Huang - chủ tịch trang thương mại điện tử Pinduoduo và Jack Ma - đồng sáng lập Alibaba. Tài sản của Huang tăng từ 32,4 tỷ USD lên 52 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, Jack Ma kiếm thêm 18,9 tỷ USD, nâng giá trị tài sản lên 61,7 tỷ USD dù IPO của hãng tài chính Ant Group - công ty liên kết của Alibaba - bị hoãn.
Các tỷ phú Pháp đứng thứ ba về mức tăng tài sản trong năm 2020. 40 tỷ phú của nước này hiện có tổng tài sản 500 tỷ USD, tăng 95 tỷ USD so với năm ngoái. Trong đó, phần lớn đến từ Bernard Arnault - chủ tịch đế chế thời trang xa xỉ LVMH và Francoise Bettencourt Meyers - người thừa kế hãng mỹ phẩm L'Oréal. Cổ phiếu của LVMH - tập đoàn sở hữu các thương hiệu như Louis Vuitton, Hennessy, Bulgari và Christian Dior - tăng giá 30% trong năm nay, đưa Arnault trở thành người giàu thứ hai thế giới. Trong khi đó, giá cổ phiếu L'Oréal tăng 25%, giúp tài sản của bà Bettencourt Meyers tăng thêm 14 tỷ USD. Bà được thừa kế L'Oréal từ mẹ Liliane Bettencourt - con gái của người sáng lập công ty.
Tuy nhiên, không phải tỷ phú nước nào cũng giàu hơn trong năm nay. Tại Brazil, chỉ số Bovespa sụt khoảng 3% khiến tài sản của 50 tỷ phú nước này giảm tổng cộng 13 tỷ USD. Một nguyên nhân nữa là đồng Real của Brazil mất giá so với USD. Còn tại Thái Lan, chỉ số SET mất 7%, khiến 30 tỷ phú "thiệt hại" 6 tỷ USD.
Xem thêm: mth.42043009081210202-0202-man-gnort-dsu-yt-0091-meht-meik-uhp-yt-ioig-divoc-ud-uaig/nv.ymonocenv