vĐồng tin tức tài chính 365

Tp.HCM dành 20.000 tỷ đồng phục vụ hàng Tết

2020-12-18 12:06

Nguồn hàng dự cung phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ tăng từ 4,4 - 17,3% so với kế hoạch được giao và tăng từ 12 - 21,2% so với kết quả thực hiện dịp Tết Canh Tý 2020. Đặc biệt, những mặt hàng thiết yếu như thịt heo, được thành phố giao chỉ tiêu cung ứng cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Sở Công Thương Tp.HCM cho biết như vậy, đồng thời xác nhận việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa và giá cả ổn định, trong thời điểm còn chưa đầy hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu.

BẢO ĐẢM NGUỒN CUNG VÀ ỔN ĐỊNH GIÁ

Theo Sở Công Thương Tp.HCM, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho Tết Tân Sửu hơn 19.600 tỷ đồng, tăng 3,43% so với nguồn vốn chuẩn bị Tết 2020. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (tháng Chạp Canh Tý), tổng giá trị hàng hóa doanh nghiệp chuẩn bị hơn 10.400 tỷ đồng; trong đó, hàng bình ổn thị trường hơn 4.100 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp dẫn đầu cung ứng các sản phẩm thịt cho thành phố, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cung cấp cho thị trường khoảng 1.380 tấn thịt lợn các loại trong tháng trước Tết, riêng tháng Tết là 1.435 tấn. Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P Vietnam) cung ứng khoảng 236 tấn trong các tháng thường, riêng tháng cao điểm Tết là 600 tấn. Điểm đáng lưu ý là giá thịt heo của những doanh nghiệp này luôn được cân đối nhằm đảm bảo có nguồn hàng bình ổn thấp hơn giá thị trường ít nhất 5%. 

Bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất, các DN phân phối lớn trên địa bàn Tp.HCM đã có kế hoạch khá chi tiết cho thị trường cuối năm 2020. Liên hiệp các HTX thương mại thành phố (Saigon Coop) cho biết, đã bắt đầu trữ lượng hàng hóa, nhất là nhu yếu phẩm và hàng bình ổn giá, trong đó chủ yếu là nhóm thực phẩm tươi sống cùng các mặt hàng đặc trưng Tết. Các mặt hàng khác cũng chuẩn bị nguồn hàng để kịp thời cho ra mắt những sản phẩm mới phục vụ Tết như các loại hạt, mứt, bánh kẹo, nước giải khát. 

Cùng với những mặt hàng truyền thống, do diễn biến dịch bệnh Covid-19 và thời tiết diễn biến phức tạp, Saigon Coop đang chủ động lên phương án trữ lượng thịt heo, thịt gia cầm, thủy hải sản để chủ động bình ổn giá, ổn định thị trường từ nay đến Tết. Cụ thể, theo kế hoạch, nhiều nhóm hàng sẽ được sản xuất, chuẩn bị với số lượng lớn, như: thịt gia súc 5.594 tấn, thịt gia cầm 7.488,2 tấn, trứng gia cầm 67,9 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn, gạo 3.943 tấn,... Nhiều doanh nghiệp chủ lực khác cũng vào cuộc, như Công ty chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood), Công ty Ba Huân, gạo Vinh Phát, đường Thành Thành Công, nước mắm Liên Thành, rau củ, quả Phước An, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), hệ thống siêu thị Big C, hệ thống Bách hóa Xanh...

Về cung ứng hàng hóa tại ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, chợ đầu mối thủy hải sản Bình Điền, lượng hàng hóa nhập chợ bình quân trên 9.000 tấn/ngày chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM cho biết, ngành công thương thành phố đã kết nối với nhiều địa phương khác để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, nhất là những đơn vị nằm trong chuỗi cung hàng hóa cho thành phố. "Chúng tôi đã làm việc với các DN bình ổn thị trường, họ cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong tháng Tết", ông Tú nói.

DOANH NGHIỆP CHẠY ĐUA KÍCH CẦU

Báo cáo của Cục Thống kê Tp.HCM cho biết, trong tháng 11/2020 vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 116.271 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11 ước đạt 73.912 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng 10 và tăng 3,9% so với tháng 11/2019.

Chỉ số CPI tháng 11 tăng 0,06% so với tháng trước, cho thấy kinh tế Tp.HCM đang phục hồi và phát triển tốt. Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng vào dịp cuối năm tăng, kích thích nền kinh tế tăng trưởng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, các doanh nghiệp đã có nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá cuối năm, đặc biệt là các chương trình kích cầu mua sắm tại các hệ thống siêu thị bao gồm cả ngành điện máy, hàng tiêu dùng. 

Các ngành hàng như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo, giày dép, nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi bán các giỏ quà Tết có mức giá tương đương hoặc thấp hơn mặt bằng giá năm 2019 thu hút người mua, phục vụ nhu cầu người lao động có thu nhập thấp tại các KCN, KCX làm quà tặng người thân, gia đình. Mức giá bình quân từ 125.000 - 299.000 đồng/giỏ; giỏ quà trung, cao cấp có giá từ 200.000- 2.000.000 đồng... Các hệ thống phân phối lớn dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5% - 49% cho các mặt hàng phục vụ Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt,...

KHÔNG BỎ QUÊN CÁC CHỢ TRUYỀN THỐNG

Tp.HCM là trung tâm tiếp nhận, phân phối hàng hóa từ các tỉnh, thành đổ về, ba chợ đầu mối lớn nhất là Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền hiện đang cung ứng khoảng 60% - 70% lượng rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc tiêu thụ tại thành phố mỗi ngày.

Tính đến thời điểm này, các chợ đầu mối đã xây dựng xong kế hoạch chuẩn bị hàng Tết, trong đó  chú trọng công tác phòng chống dịch Covid-19, giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tại chợ. Song song là tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập; tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ. Nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ. Ban quản lý các chợ cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá; hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Các chợ đầu mối cũng đã có phương án tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát về việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, hàng kém chất lượng. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong tháng Chạp  và tháng Giêng sau Tết. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu trong những ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...

Đối với mặt hàng hoa kiểng, dự kiến dịp Tết, thị trường Tp.HCM tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng,... Trong đó, 4 chợ chuyên kinh doanh hoa lớn nhất  là chợ Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen và hai chợ Bình Điền, Thủ Đức cung ứng khoảng 80% thị phần hoa cắt cành. Tất cả bảo đảm nguồn cung, không để người dân Sài Gòn đón Tết thiếu hoa, kiểng. Sở Công Thương Tp.HCM dự báo thêm, tình hình thị trường Tết trên địa bàn Tp.HCM sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương tỉnh/thành, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý và nhiều doanh nghiệp sẽ có điều kiện mở rộng thị phần, mạng lưới phân phối.

Xem thêm: mth.22144558171210202-tet-gnah-uv-cuhp-gnod-yt-00002-hnad-mchpt/nv.ymonocenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tp.HCM dành 20.000 tỷ đồng phục vụ hàng Tết”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools