Đôi bạch hổ Bengal nhập về từ vườn thú Elmvale (Canada) năm 2009, đang trong mùa yêu - Ảnh: TCV
Khi nhập hổ về, tụi tôi đều đặt lại tên Việt cho "các con" như thằng Xám, con Mi, Nhất, Nhị, Lem, Luốc, Vàng. Sau thời gian ngắn, chúng sẽ quen và biết phản ứng dễ thương khi nghe gọi tên mình.
Ông Trần Ngọc Luận
Thảo cầm viên (TCV) Sài Gòn vẫn thường tìm "cô dâu, chú rể" là những chàng, nàng hổ ở các vườn thú trong nước và cả nhập từ nước ngoài về để ghép đôi.
Tìm chàng hổ cho nàng
Nhưng thời trước, chuyện tổ chức "yêu đương" cho các chúa sơn lâm chẳng hề dễ dàng. Ông Mai Khắc Trung Trực - giám đốc Xí nghiệp động vật thuộc Công ty TNHH Thảo cầm viên Sài Gòn - nói trước năm 2005, hổ ở TCV hầu như không sinh hoặc sinh rất ít.
Hồi ấy, VN không nhiều vườn thú. Ngoài TCV, cả nước chỉ một, hai nơi nuôi hổ nên không đủ giống trao đổi. "Việc đi kiếm "cô dâu, chú rể" cho hổ rất khó. Con giống phải trẻ, khỏe. Ví dụ mình đang có hổ cái trẻ, họ đổi cho mình con đực nhưng lớn tuổi, khi đem về không "mần ăn" được gì" - ông Trực kể.
Những năm 1980 - 1990 thế kỷ trước, do thiếu giống, lại bị đồng huyết do có cùng nguồn gốc bố mẹ nên hổ con sinh ra thường không sống lâu. Ngoài Đông Dương là hổ trong nước, trước đó các chúa sơn lâm ở TCV còn có gốc Mã Lai, Singapore, Nga, Ấn Độ...
"Nhưng thời đó, người ta không chú tâm chuyện hổ sinh sản lắm, sau này mới quyết tâm tìm cách cho chúng đẻ để duy trì giống nòi" - ông Trực cho biết thêm giờ thì "tìm bạn bốn phương" cho hổ đã dễ hơn. TCV đang "đón dâu, bắt rể" với hổ của Sở thú Hà Nội, Công viên nước Củ Chi, Công viên văn hóa Đầm Sen (TP.HCM) và Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương)...
Riêng các chúa sơn lâm ngoại quốc, TCV thường nhập một cặp nhỏ tuổi về cho sinh sản. Có hai cách nhập trực tiếp: mua hoặc trao đổi. "Có lần TCV đã lấy cặp chim trĩ sao của VN để đổi một con hổ nước ngoài về. Và để đón được "nàng và chàng về dinh" bằng máy bay, các con hổ được cho vào thùng, cho ăn uống trước rồi bay về" - ông Trực kể.
Về đến VN, cặp đôi "mèo bự" này được bế đi cách ly, kiểm dịch tại TCV - nơi đăng ký nuôi. Sau 30 ngày, nếu chúng được xác nhận đạt chuẩn, không có bất thường xảy ra sẽ cho nhập khẩu "nhà mới". "Tất cả hổ từ nước ngoài về VN đều cho nằm trong chuồng ép cỡ nửa tháng, ăn uống luôn ở đó để thích nghi môi trường mới, chứ không cho ra ngoài sân chơi ngay vì thấy cảnh lạ nó sẽ phá phách, dễ bị stress" - ông Trực cho hay.
Năm 2012, TCV chào đón đôi hổ Bengal vàng mới chào đời vài tháng về từ CH Séc. Trước đó vào năm 2010, một cặp hổ Bengal trắng khoảng 2 tuổi, có nguồn gốc từ vườn thú Elmvale (Canada) được đưa về nuôi tại TCV. Sau một thời gian phối giống, cặp hổ quý hiếm này sinh ra 3 bạch hổ con xinh xắn vào tháng 8-2015.
Chú hổ Bengal trắng đang được siêu âm, chụp X-quang, khám bệnh
Đỡ đẻ cho hổ
Để có những chú hổ con ra đời, nhân viên vườn thú phải xe duyên cho đôi hổ. Ngoài không có tiền sử bệnh tật, các chàng, nàng hổ còn phải cùng giống loài và từ 3 tuổi trở lên. Chuyện ghép đôi giao duyên đòi hỏi nhiều công sức nhân viên TCV, nhất là phải biết lúc nào nàng hổ muốn... "lấy chồng".
Ông Trần Ngọc Luận, tổ phó tổ thú dữ, vui vẻ kể mỗi mùa yêu của hổ thường bắt đầu sau 45 - 50 ngày đường ai nấy đi. "Nàng hổ lăn lộn, chà người xuống đất, đi dựa vào tường, bỏ ăn là mình biết nó tới kỳ giao phối để mở cửa cho chàng hổ chạy qua. Nếu nàng hổ vẫn đỏng đảnh, không ưng thì phải thay chàng khác, có khi phải đem hổ vườn thú khác tới. Cực lắm, nên cặp nào ghép được rồi thì giữ cho tụi nó ở chung luôn" - ông Luận kể.
Màn dạo đầu yêu thương của các chúa sơn lâm thường là cào móc nhau, tát qua tát lại để... "tìm hiểu". Nếu "ưng ý" nhau, chàng và nàng hổ mới "lâm trận" cách khoảng 15 phút/lần, mỗi lần chừng 10 - 30 giây và liên tục trong 5 ngày. Giao phối xong, chàng hổ phải nhanh chóng né ra, nếu không sẽ bị nàng hổ... đánh.
Hổ mang thai, camera được gắn vào chuồng ép để theo dõi bởi thời gian này tâm tính nàng cũng thay đổi. Những ngày hổ sắp sinh, nhân viên vườn thú túc trực cả đêm, chuẩn bị bao tải, rơm để lót ổ đẻ. Sau gần 100 ngày, hổ chào đời từ 2 - 4 con, mỗi con trên dưới 1kg.
"Hổ con mới sinh sẽ ở cùng mẹ, nhưng nếu mẹ không nuôi được, có khi đẻ 3 con nhưng chỉ nuôi được 2, còn 1 con nó cứ đẩy ra, thì mình phải tách con ra sớm. Nếu hổ mẹ đủ sức nuôi thì sau 6 - 8 tháng mới đem hổ con ra nuôi bộ (nuôi riêng - PV) cho hổ con phát triển. Mà cũng phải để hổ mẹ trống trải thì mới quay lại chu kỳ sinh sản tiếp theo. Rồi mình còn phải tính toán chuồng trại, xây thêm hay mở rộng ra sao để giữ được đàn, chứ nó sinh sản như vậy mà muốn kiếm chuồng nuôi liền thì ở đâu có" - ông nói, và cho biết thêm nuôi hổ con mới sinh rất vất vả. Họ thức đêm thức hôm mấy tháng trời, ẵm bồng, cho bú bình ngày mấy cữ, đồ ăn phải xay nhuyễn với sữa, không khác gì nuôi em bé.
Hổ được cho bú sữa bình khi còn nhỏ - Ảnh: TCV
Hổ được chôn sau khi chết
Thường thì chúa sơn lâm có tuổi thọ trung bình 15 - 20 năm. Ông Luận bảo hồi xưa tuổi thọ hổ ở vườn thú không lâu, vì môi trường sống và chế độ dinh dưỡng không tốt bằng bây giờ. "TCV hiện có con hổ Mi (hổ Đông Dương) sinh từ năm 2003 là sống lâu nhất. Khi điều kiện sống được cải thiện thì khả năng sinh sản và tuổi thọ nó có thể tăng lên" - ông nói.
Trước đây một số con hổ có tuổi thọ không cao. 2 con hổ Đông Dương sinh năm 1996 và 1994, lần lượt chết vào năm 2003 và 2008. Năm 2008, 2 chú hổ Bengal ra đời, sau đó chết năm 2015 và 2018. Ở TCV có một bảo tàng động vật, những con thú thuộc loài quý hiếm sau khi chết sẽ được lấy da, xương làm tiêu bản hoặc chôn hủy theo thủ tục chặt chẽ.
"Phải có đội thú y của TCV mổ khám nghiệm, lập biên bản báo cáo với chi cục kiểm lâm. Thường thì hổ chết do tuổi già. Con nào bị dịch bệnh, có khả năng ảnh hưởng tới người thì chôn hủy. Những năm xa xưa, một số loài khi chết sẽ được chôn tại TCV. Sau này thì tùy con, nhưng thường là sẽ mang ra ngoài chôn" - ông Luận cho hay.
Và mỗi khi có chúa sơn lâm nào qua đời, những người đã gắn bó với chúng như ông Luận sẽ buồn nhớ suốt nhiều ngày. Thậm chí khi đi qua hốc đá, gốc cây, ông cảm giác như chúng vẫn đang ngồi ở đó ngóng mình...
Hổ được thư thả nhờ... dịch
Những ngày giãn cách xã hội do dịch COVID-19, TCV vắng khách, đàn hổ có vẻ khoái chí hơn.
"Ngày thường khách đông là nó hay nấp vào trong, nhất là hai con này (Bengal trắng, đời F1). Mấy con kia thì có khi chồm lên, cào kính với khách. Còn trong đợt dịch, không gian yên ắng, không có bóng người, tụi nó thích lắm, cứ nhởn nhơ đi qua đi lại rất thong dong, thoải mái" - ông Luận chia sẻ thêm.
TTO - Đến Thảo cầm viên TP.HCM, du khách được thỏa sức ngắm các chàng và nàng 'mèo bự' diễu oai như giữa chốn rừng xanh. Nhưng ít ai biết nhân viên ở đây đã phải làm gì để các chúa sơn lâm được 'thong dong' giữa thành phố...