Nguyễn Xuân An, con trai trung tá Nguyễn Xuân Hà, mắc bệnh vảy nến vẫn cần sự giúp đỡ của nhiều người - Ảnh: THU HIẾN
Trong một buổi nói chuyện về các bệnh da thường gặp ở nam giới và trao học bổng cho con các chiến sĩ lữ đoàn 171 Hải quân và nhà giàn DK1 tại Vũng Tàu, ban giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM biết Nguyễn Xuân An (22 tuổi, Vũng Tàu), con trai trung tá Nguyễn Xuân Hà - chỉ huy trưởng nhà giàn thuộc tiểu đoàn DK1, vùng 2 Hải quân - bị bệnh vảy nến, đã chữa trị khắp nơi nhưng không thuyên giảm.
Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã kêu gọi cán bộ, nhân viên tổ chức khuyên góp, hỗ trợ Xuân An 144 triệu đồng để điều trị vảy nến, đồng thời giúp trung tá Hà yên tâm "bám biển", canh giữ chủ quyền biển đảo tổ quốc.
Bác sĩ CKII Vũ Thị Phương Thảo - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết Xuân An được tiếp cận với phương pháp điều trị vảy nến tiên tiến nhất hiện nay là dùng thuốc sinh học.
Phương pháp này cải thiện gần như hoàn toàn các thương tổn trên da em. Tuy nhiên, bệnh vảy nến là bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài, vẫn cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm.
Bà Đoàn Thị Hoa (46 tuổi), mẹ bé Xuân An, cho biết An phát hiện mình có các triệu chứng như mẩn đỏ, tróc vảy từ năm lớp 7, đã hơn 9 năm nay gia đình đã phải huy động kinh phí khắp nơi để điều trị cho em, đến nay cũng đã gần kiệt sức.
"Hai mẹ con cùng nhau vượt qua nỗi đau bệnh tật, khi cha chỉ đi công tác từ 6-8 tháng mới về một lần", bà Hoa nói.
Đại tá Đỗ Hồng Duyên - chủ nhiệm chính trị Vùng 2 Hải quân - cho biết do đặc thù công việc nhiều, quân nhân từ 10-12 tháng mới được về nhà một lần. Anh Xuân Hà là chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/17.
Bác sĩ Phương Thảo cho biết mỗi năm Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận khoảng 50.000 bệnh nhân khám bệnh vảy nến, căn bệnh viêm mãn tính, hay tái phát với tỉ lệ 2-3% dân số.
Vảy nến xảy ra khi cơ thể tăng tốc sản xuất các tế bào da mới chỉ trong vài ngày so với vài tuần như thông thường, từ đó hình thành những mảng da màu đỏ tươi, dày, giới hạn rõ so với vùng da lành kèm tróc vảy day, khô, hình phiến trắng bạc.
Bệnh vảy nến thường kéo dài suốt đời. Nguyên nhân chính gây bệnh là do môi trường, di truyền và miễn dịch, chủ yếu xuất hiện ở độ tuổi từ 20-40 tuổi. Biểu hiện thường gặp của bệnh như: vảy nến mảng, da đầu, móng, mủ...
Để duy trì hiệu quả điều trị, người bệnh nên tái khám thường xuyên với bác sĩ da liễu.
TTO - Điều trị bệnh vảy nến đã có những tiến bộ vượt bậc trong suốt 10 năm qua, đó là tin vui cho những người bệnh vảy nến trên toàn thế giới. Một trong những tiến bộ đó là thuốc sinh học.