Võ Tuấn Bình (Bill Võ) và Nguyễn Tuấn Cường (Silver Nguyễn) đang là 2 cái tên sáng giá trong làng khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Chỉ sau 6 năm thành lập, cặp founder này đã biến Amanotes trở thành Nhà phát hành ứng dụng di động số 1 Đông Nam Á, là doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong mảng game âm nhạc. Hiện các tựa game của họ đã có 1,4 lượt tải xuống trên toàn thế giới, 15 triệu người dùng hàng ngày, 95 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và là trò chơi âm nhạc hạng 1 ở hơn 90 quốc gia trên thế giới.
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, hoạt động kinh doanh của Amanotes đã gặp một chút khó khăn khi trong các đợt dịch bùng phát, các nhân viên của họ phải làm việc từ xa ở nhà. Tuy nhiên, điều đó lại không ảnh hưởng đến tốc độ mở rộng thị trường của Amanotes. Sau khi đã đánh chiếm các thị trường quan trọng nhưng Mỹ và châu Âu, năm nay Amanotes đã chính thức thâm nhập 2 thị trường quan trọng khác là Trung Quốc và Nhật Bản.
Khu vực sảnh chờ của văn phòng Amanotes.
Khu làm việc chung.
Ngoài ra, startup này vừa hoàn tất việc xây dựng và thiết kế văn phòng của mình tại quận Bình Thạnh, hoàn thành một phần ước mơ của 2 founder Võ Tuấn Bình và Nguyễn Tuấn Cường. Đây sẽ là ngôi nhà của khoảng 200 nhân viên đến từ hơn 10 quốc gia trên thế giới và thể hiện rõ nét văn hóa của Amanotes. Ngoài vô cùng thoáng đãng và rộng rãi, văn phòng mới này của Amanotes đầy màu sắc và những thứ liên quan đến âm nhạc hiện diện khắp nơi.
Mỗi phòng họp mang tên một loại nhạc cụ.
Phòng chơi game.
Phòng ăn.
Để có được những thành tựu như hiện tại, những doanh nhân trẻ này đã phải bỏ ngoài tai những lời dèm pha của nhiều người, vẫn không bỏ cuộc mà tiếp tục "lì lợm" theo đuổi giấc mơ và sứ mệnh tự đặt ra cho bản thân.
"Lúc đó, không ít người gọi tôi là "Bình Điện", không phải họ thuận miệng kêu mà ‘Bình Điện tức Bình bị điên nặng’, bởi dù thất bại nhiều lần, tôi vẫn tiếp tục khởi nghiệp, vẫn quyết theo đuổi đến cùng mục tiêu mà nhiều người cho rằng viễn vông ‘mang âm nhạc tới tất cả mọi người trên thế giới thông qua công nghệ’", anh Võ Tuấn Bình hồi tưởng.
Như trong 1 lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi, anh Võ Tuấn Bình từng kể: Amanotes là lần khởi nghiệp thứ tư của tôi và 3 lần trước đều liên quan đến âm nhạc. Thật ra, tầm nhìn kết hợp giữa công nghệ - âm nhạc của tôi đã có từ cách đây 16 năm, chỉ là nó không rõ ràng như bây giờ. Nhưng giấc mơ "mang âm nhạc tới tất cả mọi người trên thế giới thông qua công nghệ" thì có cách đây rất lâu rồi.
Thế nên, những lần khởi nghiệp trước đều liên quan đến tầm nhìn này: làm sao để mọi người có thể chơi được nhạc! Phương hướng vẫn là kết hợp giữa âm nhạc và công nghệ, nhưng cách thể hiện chưa đúng.
Lần đầu tiên là tôi đánh solo – một mình một ngựa, tự làm ứng dụng âm nhạc mô phỏng piano rất đơn giản, đánh piano trên bàn phím máy tính. Lần 2 bắt đầu thành lập công ty, cũng làm về trò chơi âm nhạc, trên nền tảng PC chứ không phải mobile, sản phẩm lúc đó rất đồ sộ và hoành tráng – nhưng mô hình kinh doanh không tốt.
Lần thứ 3 thì tôi chuyển hẳn sang làm game cho mobile, song thật ra không liên quan đến âm nhạc lắm. Chủ yếu vì tôi hiểu thị trường làm ứng dụng cho mobile và thị trường quốc tế đang tốt như thế nào, nên muốn thử sức. Những lần trước, tôi chủ yếu làm sản phẩm cho PC và đều cho thị trường Việt Nam.
Lúc đó cảm thấy thị trường mobile rất tiềm năng, nhưng chưa biết làm gì để có thể khai thác thành công thị trường tiềm năng đó. Lần 3 cơ bản vẫn có team làm việc, nhưng tôi không làm fulltime mà vẫn còn đang quản lý một công ty khác, rồi buổi tối hoặc cuối tuần tập hợp mọi người lại cùng làm.
Trong lần khởi nghiệp thứ tư với Amanotes, tôi đã xác định được cuộc chơi của Amanotes là ở thị trường toàn cầu và chỉ tập trung vào mảng mobile.
Khu sân khấu.
Ban nhạc 'cây nhà lá vườn' của Amanotes.
Với những gì anh Võ Tuấn Bình kể, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu vì sao nhiều người cảm thấy anh không bình thường. Trong lúc đang làm công ăn lương với chức vụ Giám đốc ngon lành, anh lại đổ tiền bạc và thời gian vào các dự án khởi nghiệp với mục tiêu trông có vẻ mông lung vào thời điểm đó. Người ta thường bảo, ‘thất bại là mẹ thành công’, nhưng thất bại tới 2 đến 3 lần mà chưa thấy thành công ở đâu thì đôi khi là đang quá cố chấp đi theo con đường sai, lãng phí tiền bạc không đáng!
Tuy nhiên, anh Võ Tuấn Bình lại không nghĩ thế, kể cả sau lần thất bại thứ 3: "Sau mỗi thất bại, dù rất buồn nhưng tôi luôn cố tìm nguyên nhân vì sao lại thế. Và tôi nhận thấy, tầm nhìn cũng như mục tiêu mà tôi chọn để khởi nghiệp không hề sai, chỉ phần thực thi sai. Thất bại của khởi nghiệp lần 2 là do chọn sai mô hình kinh doanh, còn lần 3 là bởi không gầy dựng được team làm việc tốt. Thế nên, tôi vẫn tiếp tục đi theo tầm nhìn mà mình đã ấp ủ trong rất nhiều năm ở lần khởi nghiệp thứ 4, đồng thời tránh đi theo những ‘vết xe đổ’ ở 3 lần khởi nghiệp trước đó".
Hơn nữa, anh cũng không hề dành 100% sức lực cho lần khởi nghiệp 2 và 3 mà chỉ làm part-time. Tất nhiên, chẳng ai không cống hiến 100% sức lực lại có thể thành công khi khởi nghiệp.
Quan trọng nhất, anh Võ Tuấn Bình đã gặp được ‘Mr Right’ của đời mình – là đồng sự Nguyễn Tuấn Cường.
Nguyễn Tuấn Cường từng kể về duyên hợp tác tình cờ cùng "đàn anh" Võ Tuấn Bình như thế này: sau khi ra trường về nước, Cường từng làm việc cho 2 công ty, sau đó Cường nghỉ việc vì thích làm việc cho một startup hơn là doanh nghiệp lớn. Anh chia sẻ quan điểm này lên Facebook và tình cờ Võ Tuấn Bình đọc được status đó. Cả hai đã hẹn gặp nhau, nói chuyện cảm thấy hợp và quyết định cùng gầy dựng Amanotes.
Thời điểm này, tức là năm 2014, Võ Tuấn Bình còn ‘chân trong chân ngoài’ nên chỉ phụ trách phần lập trình tạo ra sản phẩm, tất cả phần việc còn lại của Amanotes đều do Nguyễn Tuấn Cường quán xuyến. Và sự trưởng thành của Amanotes phản ánh sự trưởng thành của Nguyễn Tuấn Cường và ngược lại. Nếu thời gian đầu là vừa học vừa làm, thì Cường của hiện tại có thể một mình đảm đương nhiều phía, vừa có thể làm người phát triển sản phẩm, marketing kiêm seller mà vẫn thoải mái với cuộc sống.
Cặp đôi founder Amanotes Võ Tuấn Bình - Nguyễn Tuấn Cường.
Có thể nói, tính cách và khả năng của cặp đôi founder này của Amanotes bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo. Như chị Tiêu Yến Trinh – CEO của Talentnet từng chia sẻ với chúng tôi: trên đời này không ai hoàn hảo, CEO cần biết điểm mạnh và yếu của bản thân, nếu là người giỏi làm chiến lược và bay bổng với tầm nhìn lớn thì nên tìm tướng tài giỏi thực thi và ngược lại. Hoặc nếu CEO chỉ giỏi chuyên môn không giỏi marketing - sale, thì cần tìm cho mình một người tài ở lĩnh vực đó để bổ sung vào team lãnh đạo.
Qua lần khởi nghiệp thứ tư, hẳn anh Võ Tuấn Bình rõ nhất mình yếu ở điểm nào và cần phải tìm co-founder như thế nào để dự án lần này không thất bại như 3 lần trước. Thế nên, dù lúc đó Nguyễn Tuấn Cường còn rất non tuổi đời lẫn tuổi nghề, song anh vẫn đánh giá cao sự am hiểu thị trường game cũng như tính cách nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của chàng trai trẻ này. Đầu năm 2020, Nguyễn Tuấn Cường đã được Forbes Việt Nam bầu chọn vòn danh sách "30 Under 30" đã chứng tỏ mắt nhìn người của anh Võ Tuấn Bình.
"Trên thị trường, thành công khởi nghiệp có nhiều kiểu, song thông thường thất bại rất nhiều. Theo quan sát của tôi, những người từng làm các doanh nghiệp lớn hoặc startup ‘kỳ lân’, khi ra khởi nghiệp thì xác suất thành công cao hơn những người khác và đối tượng đó dễ thành công lần đầu!
Còn những người mới khởi nghiệp còn rất trẻ đã thành công ngay, có thể mọi người chưa thấy những thất bại trước đó hoặc họ không nói; loại thứ hai là có những may mắn nhất định nên thành công. Nhưng đúng là khi mình chưa có độ trải nghiệm nhất định thì mình sẽ không tận dụng được cơ hội thành công đấy, để phát triển thành một doanh nghiệp bền vững. Từ có may mắn đầu tiên, đến có một doanh nghiệp bền vững là 2 câu chuyện khác nữa", anh Võ Tuấn Bình kết luận.
Quỳnh Như
Theo Kinh doanh và Phát triển