Sau khi dễ dàng được Thượng viện thông qua hồi tháng 5, dự luật hủy niêm yết mới cũng nhận được sự ủng hộ của Hạ viện vào đầu tháng 12. Đến ngày 18/12, Tổng thống Trump chính thức ký dự luật thành đạo luật. Đạo luật này áp dụng cho bất kì công ty nước ngoài nào, song các nghị sĩ khởi xướng luật cho biết mục tiêu của họ là Trung Quốc.
Đạo luật mới có thể ảnh hưởng đến các ông lớn Trung Quốc như Alibaba Group và Baidu. Nó được coi là một phát súng chia tay khác nhằm vào Bắc Kinh trước khi ông Trump rời nhiệm sở vào tháng 1 năm sau và nhiều khả năng sẽ làm leo thang thêm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Từ lâu, đương kim Tổng thống Mỹ đã chỉ trích hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc và áp thuế hàng trăm tỷ USD lên hàng xuất khẩu của đất nước tỷ dân. Tuy nhiên, thái độ của ông Trump đã trở nên gay gắt hơn trong năm nay khi ông cho là Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho đại dịch COVID-19.
Trong nhiều năm qua, các công ty Trung Quốc đã tiếp cận thị trường vốn và tài chính theo đồng USD của Mỹ như nguồn cấp vốn quan trọng để phát triển hoạt động kinh doanh.
Theo Bloomberg, đạo luật mới phải được thực hiện tuần tự, tức là doanh nghiệp chỉ có thể bị phạt sau ba năm liên tiếp không tuân thủ quy định. Tuy nhiên, đạo luật này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các công ty Trung Quốc không đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Kennedy, một trong các quan chức khởi xướng đạo luật mới, cho biết trong một tuyên bố: "Luật pháp Mỹ cho phép các công ty Trung Quốc xem thường những quy định mà doanh nghiệp Mỹ phải tuân thủ. Điều này thực sự nguy hiểm".
Sau khi Hạ viện thông qua dự luật hồi đầu tháng 12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay Trung Quốc phản đối hành động "chính trị hóa quy định chứng khoán" và kêu gọi hợp tác để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
"Dự luật mới sẽ làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư quốc tế và làm lung lay vị thế toàn cầu của thị trường vốn Mỹ. Cuối cùng, lợi ích của Mỹ sẽ bị tổn hại", bà Hoa Xuân Oánh khi đó nhấn mạnh.
Sự kiện ông Trump ký ban hành đạo luật tiếp nối một loạt chính sách chống Trung Quốc của Washington thời gian qua. Cùng ngày 18/12, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm 60 công ty Trung Quốc, bao gồm tập đoàn sản xuất chip lớn nhất đất nước tỷ dân - SMIC, vào danh sách đen vì lý do an ninh quốc gia.
Trước đó, Mỹ còn ban hành hướng dẫn hạn chế thị thực đi lại đối với 92 triệu Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bất kì ai có thị thực 10 năm giờ sẽ giảm xuống còn một tháng.
Ngoài ra, Bộ An ninh Nội địa cho biết nhân viên hải quan tại các cảng biển của Mỹ sẽ tạm giữ "các lô hàng chứa bông và sản phẩm bông có nguồn gốc từ" Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), một đơn vị trực thuộc quân đội Trung Quốc tại khu tự trị Tân Cương.
Đạo luật hủy niêm yết mới đánh dấu một thời khắc quan trọng trong tranh chấp kéo dài, liên quan đến việc Bắc Kinh từ chối để Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB) của Washington kiểm tra hồ sơ kiểm toán của các công ty giao dịch cổ phiếu tại Mỹ.
Yêu cầu điều tra của PCAOB, bắt nguồn từ vụ bê bối kiểm toán Enron Corp,. được cho là nhằm ngăn chặn gian lận và hành vi gây hại cho cổ đông của doanh nghiệp.
Ngoài yêu cầu các công ty cho phép điều tra viên của Mỹ đánh giá hồ sơ kiểm toán tài chính, đạo luật mới còn yêu cầu các công ty tiết lộ liệu họ có chịu sự kiểm soát của chính phủ hay không.
Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, người cùng đề xuất đạo luật mới với ông Kennedy, cho biết đạo luật hủy niêm yết sẽ bảo vệ các nhà đầu tư "bị lừa mất tiền sau khi đầu tư vào các công ty Trung Quốc có vẻ hợp pháp nhưng không tuân thủ các tiêu chuẩn tương tự" như những công ty đại chúng khác.
Đầu tháng 10/2020, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung cho biết có 217 công ty Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ với tổng trị giá vốn hóa 2.200 tỷ USD.