vĐồng tin tức tài chính 365

Thế giới cần thống nhất nền tảng công nghệ và pháp lý để hồi phục sau Covid-19

2020-12-19 10:54

Thế giới cần thống nhất nền tảng công nghệ và pháp lý để hồi phục sau Covid-19

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Thế giới đang đứng trước nhiều thách thức về việc mỗi quốc gia, tổ chức hay hãng hàng không có mã QR riêng về kết quả xét nghiệm Covid-19 hay hộ chiếu miễn dịch điện tử riêng. Trong vài tháng tới chính phủ và doanh nghiệp nhiều nước phải ngồi lại để thảo luận các thách thức về logistics, công nghệ và pháp lý để tái kích hoạt các hoạt động kinh tế.

Cho đến hết quí 1 năm tới 2021, vaccine được cho là vẫn còn rất khan hiếm. Có nghĩa là trong tương lai trung hạn, thế giới sẽ bị chia thành hai phe: Một là nhóm những người đã có miễn dịch, tức đã tiêm vaccine. Hai là nhóm đang chờ đợi để được tiêm vaccine.

Từ giữa năm tới, khi mọi người đến sân bay quốc tế, hoặc xếp hàng để đi xem hòa nhạc hay thể thao, ai cũng phải lấy smartphone ra để cho bảo vệ hay an ninh thấy một bằng chứng điện tử rằng mình đã chích ngừa hoặc đã có kết quả âm tính với Covid-19.

Xã hội hai giai cấp và các phe phái vaccine

Bộ trưởng Nadhim Zahawi là người phụ trách chiến dịch tiêm chủng của Anh. Ông đã tạo làn sóng phản đối mạnh mẽ vào cuối tháng 11 rồi khi tuyên bố “mọi người khi đến các nơi công cộng như nhà hàng, quán bar và rạp chiếu phim hay các điểm thi đấu thể thao phải đưa ra bằng chứng đã chích ngừa Covid-19”. Các ý kiến phản đối mạnh mẽ của công chúng Anh về một xã hội hai giai cấp – đã và chưa tiêm vaccine – đã buộc vị bộ trưởng này xin lỗi và rút lại ý kiến đó.

Nhân viên hãng dược Sinovac của Trung Quốc đang kiểm tra chất lượng các ống vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Reuters

CEO Alan Joyce của hãng hàng không Qantas Airways cũng khơi mào cuộc tranh luận toàn cầu vào cuối tháng rồi. Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, vị CEO nói ông đã thảo luận với nhiều hãng hàng không khác về “giấy chứng nhận đã tiêm vaccine Covid là yêu cầu bắt buộc trước khi lên máy bay”.

Nhưng hiện chưa có một hệ thống quốc tế chứng thực rằng ai đã tiêm vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang thiết kế một giấy chứng nhận điện tử đã tiêm chủng. Nhưng vẫn còn mất rất nhiều thời gian bởi WHO còn phải giải quyết nhiều vấn đề. Một trong số đó là nếu các quốc gia đòi hỏi có giấy đã tiêm chủng để cho khách nhập cảnh thì điều gì sẽ xảy ra. Liệu một khách từ Nga có giấy đã tiêm Sputnik V – loại vaccine chưa được Anh chuẩn thuận – có được phép nhập cảnh ở sân bay London?

Tóm lại, đó là sự phân chia giữa vaccine của phương Tây với vaccine của Nga và Trung Quốc cùng nhiều quốc gia đang phát triển và tiêm chủng diện rộng trong năm tới.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ hiệu quả bảo vệ của vaccine trong bao lâu và vaccine có ngăn chặn được lây nhiễm hay không. Các loại vaccine đã được tiêm chủng ở Anh hay Mỹ đã chứng minh hiệu quả cao trong phòng bệnh, nhưng vẫn chưa rõ những ai đã tiêm vaccine có thể lây nhiễm không.

“Tiêm chủng có thể bảo vệ cá nhân đã tiêm nhưng không phải những người họ tiếp xúc. Chúng tôi cần nhiều thông tin hơn trước khi sử dụng tình trạng đã tiêm chủng để hướng dẫn cộng đồng về việc đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội ra sao”, chuyên gia bệnh tryền nhiễm Emily Hyle thuộc Bệnh viện đa khoa Massachusetts ở Boston, Mỹ nhận định.

Cho đến giờ, WHO chỉ yêu cầu giấy chứng nhận đã chủng ngừa vaccine sốt vàng da khi đến và đi từ các nước Nam Mỹ và châu Phi. Tổ chức này cần bổ sung những quy định về tiêm chủng vaccine Covid-19 – một quá trình dài đăng đẳng và mệt mỏi với tất cả 194 nước thành viên.

Chính phủ các nước đặt niềm tin vào số công dân sẵn sàng tiêm chủng vaccine để kích hoạt lại bộ máy kinh tế. Điều này tránh được việc tiêm chủng bắt buộc.

“Lĩnh vực y tế công nên tránh việc tiêm chủng bắt buộc. Chúng ta nên công bố mọi dữ liệu với công chúng, bên cạnh đó là lợi ích của tiêm chủng. Và rồi để công chúng tự quyết định”, theo lời Mike Ryan, người đứng đầu của chương trình khẩn cấp của WHO.
Tom Frieden, người từng đứng đầu Cơ quan kiểm soát bệnh tật CDC của Mỹ, đã cho rằng chắc chắn phải phát triễn hệ thống chứng nhận miễn dịch, dù rằng có nhiều lực cản.

Từng có tiền lệ là nhiều trường học ở Mỹ đòi hỏi phải có giấy chích ngừa một số bệnh, nhưng sẽ có các thách thức pháp lý nếu các tiểu bang hay doanh nghiệp đòi hỏi tương tự - Allison Hoffman, giáo sư về luật và y tế công tại Đại học Pennsylvania, phát biểu.

Tiêm chủng bắt buộc có thể bị đưa ra tòa bởi đây là vi phạm tự do tín ngưỡng và các đạo luật chống phân biệt đối xử.

Bao giờ nền tảng số cho cả thế giới và mọi ngành kinh tế?

Với viễn cảnh thua lỗ 157 tỉ đô la trong năm tới, ngành hàng không đang đi đầu trong các thử nghiệm dùng các ứng dụng để trữ các kết quả xét nghiệm, và trong tương lai gần là các giấy chứng nhận đã tiêm chủng.

Các phòng lab hay phòng khám được chuẩn thuận sẽ đưa các kết quả xét nghiệm hay giấy tiêm chủng bằng mã QR lên ứng dụng. Khách chỉ việc đưa mã QR này ở quầy tiếp tân hay xuất nhập cảnh.

Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế (IATA) đang phát triển ứng dụng riêng có tên Travel Pass. Phó chủ tịch cấp cao Nick Careen nói IATA đang thử nghiệm Travel Pass với IAG SA – hãng mẹ của British Airways – trước khi đưa ứng dụng lên các thiết bị có hệ điều hành iOS và Android vào đầu năm mới.

IATA phát triển ứng dụng này trên nền tảng là hệ thống IATA Timatic các hãng bay và sân bay trên thế giới đang sử dụng, bao gồm cả Heathrow, để xác thực hộ chiếu chẳng hạn.

Trong khi đó, hãng an ninh International SOS của Pháp cùng với hai startup Singapore phát triển ứng dụng AOKpass lưu kết quả các xét nghiệm. Hiện ứng dụng đang được sử dụng trên các chuyến bay của hãng Etihad Airways trên các chuyến bay giữa Abu Dhabi với Karachi và Islamabad ở Pakistan và trên nhiều tuyến bay mà Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) muốn kết nối lại để đưa công nhân trở lại làm việc ở UAE.

Sân bay Rome ở Ý cũng sử dụng ứng dụng này cho các chuyến bay đến Atlanta và New York ở Mỹ.
Ông Arnaud Vaissie, nhà sáng lập International SOS, nói nhiều công ty cũng đang sử dụng AOKpass để theo dõi công nhân ở những nơi hẻo lánh như giàn khoan dầu hay hầm mỏ.

Tổ chức phi lợi nhuận Thụy Sĩ Commons Project Foundation (CPF) – vốn được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hỗ trợ – đã làm mọi người ngạc nhiên. Các hãng hàng không lớn nhất thế giới như JetBlue, Lufthansa, Swiss International, United và Virgin Atlantic đang dùng ứng dụng CommonPass của CPF trên các chuyến bay đến New New York, Boston, London và Hồng Kông.

CPF nhập cuộc vào tháng 3 năm nay khi bắt đầu kế hoạch giảm tắc nghẽn giao thông ở các cửa khẩu biên giới đường bộ của Kenya. Công nghệ của CPF cho phép tài xế xe tải chở các chuyến hàng thiết yếu đưa bằng chứng xét nghiệm âm tính trên smartphone để được phép xuất nhập cảnh.

CEO Paul Meyer nói CommonPass đang được sử dụng trong giao nhận hàng, trường học, khách sạn và các sân khấu. Ông nói cũng đã trao đổi về sử dụng CommonPass cho Thế vận hội mùa hè Tokyo Olympic 2020 vào tháng 7 năm tới.

Các nhà phân tích nói ít nhất sẽ có sự phân biệt giai cấp “đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng” ở nhiều nước và trên toàn thế giới. Ảnh: Getty Images

Hộ chiếu miễn dịch điện tử sẽ chống được việc làm giả các loại giấy tờ về sức khỏe, như chuyện có kết quả xét nghiệm âm tính ở Ấn Độ, Pakistan và Indonesia khi dịch bùng phát. “Giấy chích ngừa không chỉ cần thiết để được lên máy bay cũng như ghi tên nhập học. Chúng ta thật sự cần có một mô hình toàn cầu”, ông Meyer nói.

Theo tạp chí âm nhạc Billboard, Ticketmaster – nhà phân phối vé biểu diễn âm nhạc và thể thao lớn nhất thế giới – đang tìm công cụ số của bên thứ ba có thể lưu các kết quả xét nghiệm và tiêm chủng. Ticketmaster đã thảo luận với IBM về việc sử dụng ứng dụng theo dõi sức khỏe điện tử của IBM hiện có hơn 10 khách hàng đang sử dụng. Nhiều khách hàng khác đã đặt vấn đề với IBM. “Vài tháng qua guồng máy của chúng tôi chạy hết mức. Chúng tôi luôn thiếu ngủ”, Phó chủ tịch IBM Eric Piscini nói với hãng tin Bloomberg.

Ông Piscini cũng nói rằng IBM đang thảo luận với CommonPass, IATA và các tổ chức khác để bảo đảm các nền tảng ứng dụng khác nhau công nhận lẫn nhau. Trong nhiều trường hợp, ứng dụng của IBM sẽ tích hợp với các ứng dụng khác để hiện màu xanh hoặc đỏ cho phép khách được lên máy bay hay nhập cảnh hay vào địa điểm nào đó.
Ông Piscini nói việc tồn tại quá nhiều ứng dụng là không tránh khỏi. Xét nghiệm vẫn là cách phổ biến nhất ngay cả khi tiêm chủng vaccine đã được thực hiện nhiều nước.

Xem thêm: lmth.91-divoc-uas-cuhp-ioh-ed-yl-pahp-av-ehgn-gnoc-gnat-nen-tahn-gnoht-nac-ioig-eht/009113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags: vay

“Thế giới cần thống nhất nền tảng công nghệ và pháp lý để hồi phục sau Covid-19”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools