Nổi tiếng là làng nghề sản xuất hoa kiểng, một trong hai vựa hoa cung cấp hoa Tết lớn nhất nhì Miền Tây, năm nay người trồng hoa kiểng ở Chợ Lách sản xuất 17 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại như: mai vàng, kiểng tắc, hoa giấy, cúc mâm xôi, cúc hà lan, vạn thọ, màu gà, hoa treo các loại… phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Thị trường mai tết ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách đã bắt đầu chuyển động. Ảnh: Đ.H
Dù còn chưa đầy 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, những ngày này kiểng mai vàng tại xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách đã bắt đầu có thương lái đến tận vườn tìm mua.
Ông Nguyễn Văn Tuấn chủ vườn mai ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành năm nay sản xuất 1.500 cây mai vàng. Ông Tuấn cho biết, với kinh nghiệm lâu năm, khéo léo trong chăm sóc và làm ăn uy tín nên năm nào số lượng mai gia đình ông làm ra đều có thương lái đến tận vườn mua hết.
“Năm nay dù ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, dự báo thị trường mai tết có khó khăn nhưng giá bán mai tại vườn vẫn ổn định như mọi năm. Cây nhỏ từ 3-4 tấc giá từ 300-400 đồng/cây, cây lớn hơn 3-4 triệu/cây tùy loại”- ông Tuấn cho hay.
Nhà vườn chăm sóc mai cho vụ hoa tết Nguyên đán. Ảnh: Đ.H
Ông Nguyễn Văn Phương, chủ vườn mai ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành cũng đang chuẩn bị 700 chậu mai cỡ trung và 20.000 chậu mai cỡ nhỏ để phục vụ thị trường tết năm nay.
Ông Phương chia sẻ với số lượng mai trên nếu bán hết trong dịp tết, ước tính thu lãi khoảng 500 triệu đồng.
Tại xã Phú Sơn nơi được xem là “thủ phủ” của hoa giấy với hơn 150 hộ trồng, Tết năm nay các nhà vườn ở xã Phú Sơn sản xuất khoảng 500.000 chậu hoa giấy cho thị trường Tết.
Ông Phan Văn Dũng, nhà vườn trồng hoa giấy ở ấp Lân Đông, xã Phú Sơn, cho biết để chuẩn bị vụ hoa tết, từ đầu tháng 11 âm lịch ông bắt đầu cắt tỉa đọt cho thật khéo léo, tạo hình cho cây để nửa cuối tháng 12 là cây bắt đầu trổ bông rộ, kịp bán dịp tết.
Ông Dũng cho hay, năm nay gia đình ông vẫn duy trì sản xuất gần 5.000 chậu bông giấy đủ loại. “Hi vọng thị trường hoa tết năm nay sẽ thuận lợi như mọi năm. Với 5.000 chậu hoa giấy gia đình tôi sẽ có lãi 300 triệu đồng nếu bán tốt”.
Làng sản xuất hoa giấy ở Phú Sơn cũng tất bật vào mùa. Ảnh: Đ.H
Người dân chăm sóc hoa giấy bán tết. Ảnh: Đ.H
Ngoài ra, hàng ngàn hộ trồng kiểng tắc, cúc mâm xôi, vạn thọ, hoa treo các loại… ở Chợ Lách cũng đang tất bật xuống giống, chăm sóc chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán.
Thời điểm này Miền Tây cũng bắt đầu vào mùa hạn mặn, người dân trồng hoa kiểng tại Chợ Lách cũng đã có nhiều phương án trữ nước ngọt để đủ nước tưới cho vụ mùa hoa tết. Người dân cho biết, đến thời điểm hiện tại, thời tiết thuận lợi nên hoa kiểng phát triển tốt.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, cho biết huyện Chợ Lách có khoảng 600 ha diện tích trồng hoa kiểng với hơn 4.000 hộ. Mọi năm hoa kiểng tết được bà con sản xuất tại Chợ Lách đều được tiêu thụ hết, nơi tiêu thụ lớn nhất vẫn là ở TP.HCM rồi đến các tỉnh Miền Tây.
“Năm nay dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và hạn mặn nhưng diện tích trồng hoa tết ở Chợ Lách vẫn giữ ổn định như mọi năm. Dự kiến năm nay sẽ có khoảng 17 triệu sản phẩm”- ông Liêm cho biết.
Cúc mâm xôi vào vụ. Ảnh: Đ.H
Tết năm nay người trồng hoa đều thấp thỏm lo âu đó là tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và chưa được ngăn chặn triệt để. Do vậy đầu ra hoa tết dự kiến sẽ khó khăn.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách khuyến cáo, nếu giá cả hợp lý người dân nên bán sản phẩm hoa tết tại vườn khi có thương lái đến mua, đồng thời duy trì các thị trường truyền thống và tăng cường bán hoa tết qua mạng online. “Khi đó sản phẩm hoa kiểng tết của bà con sẽ được tiêu thụ tốt dù các chợ hoa ở các thành phố lớn có nguy cơ bị đóng cửa do dịch bệnh" - ông Liêm nói.