Vụ án Nguyễn Trần Hoàng Phong (tài xế Mercedes gây tai nạn khiến một người lái xe ôm thiết mạng và nữ tiếp viên hàng không thượng tật 79%), chúng ta thấy điều vô lý trong việc áp dụng quy định pháp luật.
Đó là ba ba quy định đã được ba cơ quan áp dụng không sai nhưng áp vào các tình tiết của vụ án thì lại thấy sai. Vì sao vậy?
Nếu chiếu theo các quy định thì có thể khẳng định ba cơ quan là cơ quan điều tra, văn phòng công chứng, và tòa án cấp sơ thẩm đều làm đúng theo những gì pháp luật quy định.
Nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường may mắn sống sót sau tai nạn nhưng bị thương tật 79%. Ảnh: P.LOAN
Cụ thể không có quy định nào bắt buộc cơ quan điều tra phải ra quyết định kê biên tài sản khi giải quyết vụ án hình sự này.
Luật cũng cho phép công chứng viên được công chứng ngoài trụ sở trong trường hợp người đề nghị công chứng là bị can, bị cáo.
Tòa án cấp sơ thẩm được để lại phần giải quyết bồi thường dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết bằng thủ tục dân sự nếu thấy cần.
Tuy nhiên, dù tất cả đều đúng (với những thông tin được biết đến thời điểm này - NV), thì dư luận vẫn cảm thấy có gì đó rất sai.
Một vụ tai nạn đau lòng không ai mong muốn, nhưng phần bồi thường để bù đắp phần nào những thiệt hại mà nạn nhân phải gánh chịu đang đi vào ngõ cụt. Chỉ bởi vì bị cáo khai “không có tài sản gì" với lý do tài sản duy nhất bị cáo đã kịp chuyển dịch trước khi tòa xét xử vụ án.
Các nạn nhân và gia đình của họ đã phải mất thời gian đeo đuổi vụ án hình sự mà họ là người bị hại. Với phán quyết của tòa sơ thẩm, họ sẽ còn phải tiếp tục đeo đuổi chuỗi những thủ tục khiếu kiện, khiếu nại, yêu cầu… để có thể nhận được số tiền bồi thường mà bị cáo Phong đã chấp nhận.
Hy vọng với phiên phúc thẩm (nếu có), những vấn đề được dư luận nêu ra sẽ được giải quyết rốt ráo.