Câu chuyện về độc quyền công nghệ cũng đang là mối lo mới đối với giới chức Trung Quốc - quốc gia vốn luôn coi đây là những "con cưng" trong kế hoạch vươn ra toàn cầu của mình.
Tháng trước, đánh dấu bước ngoặt lớn, khi lần đầu tiên sau 12 năm kể từ khi Luật chống độc quyền, bảo vệ cạnh tranh của Trung Quốc có hiệu lực, 1 văn bản hướng dẫn sửa đổi đề cập trực tiếp đến việc "ghìm cương" các tập đoàn khổng lồ trong nước kinh doanh trên lĩnh vực Internet đã được công bố.
Tổng cục Quản lý Thị trường Trung Quốc - đơn vị soạn thảo Quy định hướng dẫn chống độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh trên Internet cho biết, họ muốn ngăn chặn những nền tảng Internet thống trị thị trường hoặc cản trở cạnh tranh công bằng.
Đối tượng được xác định:
- Trang thương mại điện tử: Taobao, Tmall, JD.com
- Dịch vụ thanh toán: Alipay, WeChat Pay
- Nền tảng giao đồ ăn: Meituan
Các quy định chính gồm:
- Cấm chính sách "chọn một trong hai",hạn chế người bán hàng tham gia trên nhiều nền tảng.
- Cấm điều khoản phải ký hợp đồng độc quyền về phân phối hay giao hàng.
- Cấm lợi dụng dữ liệu cá nhân của người dùng
Alipay được xác định là một trong các đối tượng cần phải "ghìm cương"
"Các công ty Internet lớn đã mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực như tài chính và y tế. Đây là những lĩnh vực có vai trò then chốt trong nền kinh tế, và điều đó thực sự khiến các cơ quan chức năng lo ngại. Động thái này có khiến các công ty công nghệ ngại lên sàn trong ngắn hạn, và những công ty bị ảnh hưởng sẽ cần có thời gian để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của họ cho phù hợp", phóng viên Eynice Yoon của CNBC cho biết.
Theo thông báo của Chính phủ Trung Quốc, nước này dự kiến sẽ đưa ra quy định sửa đổi về giao dịch trên Internet vào tháng 6 năm sau.
Phát biểu tại Hội nghị Internet Thế giới tại Trung Quốc mới đây, CEO của Alibaba Daniel Zhang cho rằng, quy định về Hướng dẫn chống độc quyền của nước này là kịp thời và cần thiết. Còn trước đó, CEO Facebook Mark Zuckerberg trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 10 cũng ủng hộ việc sửa đổi quy đình tăng cường kiểm duyệt những nội dung được đăng tải trên Internet nhiều hơn.
Điều đó cho thấy việc siết chặt quản lý công ty công nghệ sẽ là xu hướng chung được nhiều chính phủ thực hiện trong thời gian tới. Bloomberg gọi đây là kỷ nguyên chống độc quyền mới. Cái khó là làm sao để vừa có thể duy trì thế mạnh của những tập đoàn công nghệ khổng lồ nhưng đồng thời cũng tạo ra một thị trường cạnh tranh, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đem lại lợi ích cho người dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.43873921191210202-gnuc-noc-aud-gnuhn-gnouc-mihg-noum-couq-gnurt/et-hnik/nv.vtv