vĐồng tin tức tài chính 365

Tìm điểm cân bằng trong quá trình tiêu chuẩn hóa dữ liệu

2020-12-20 10:34

Tìm điểm cân bằng trong quá trình tiêu chuẩn hóa dữ liệu

TS. Phạm Sỹ Thành (*)

(TBKTSG) - Việc một số nước cấp “chứng minh thư” cho “người máy có trí tuệ nhân tạo” cho thấy ở rất nhiều nước, chuyển đổi số đang tiến nhanh, tiến trước và tiến xa hơn rất nhiều so với những gì nhóm hoạch định chính sách toàn cầu mường tượng. Điều này đòi hỏi các nước cần thống nhất trong việc đi đến các tiêu chuẩn toàn cầu (ở trạng thái lý tưởng nhất) và tiêu chuẩn khu vực (ở lựa chọn thứ ưu) cho quá trình chuyển đổi số.

Tại sao cần thiết kế các tiêu chuẩn chung?

Có một nghịch lý dễ nhận ra là trong khi sự phát triển của công nghệ lẽ ra phải giúp tạo ra một thế giới thống nhất và kết nối hơn thì thực tế cho thấy từ cấp độ người tiêu dùng đến cấp độ quốc gia, công nghệ lại đang chia nhỏ chúng ta.

Chỉ cách đây 10 năm, thật khó để tưởng tượng rằng sự khác biệt giữa điện thoại của Apple và Samsung không chỉ là về hệ điều hành mà còn khác cả về chân sạc. Những ai đã dùng Samsung sẽ khó có thể “tích hợp” sang iPhone và ngược lại.

Nhưng khi quá trình chuyển đổi số diễn ra, sự xuất hiện của nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, Internet vạn vật (IoT), đám mây (cloud)... khiến việc quy định các tiêu chuẩn mới trở thành nhu cầu cấp thiết để giảm thiểu các xung đột và gia tăng kết nối.

Ở ý nghĩa rộng nhất, việc tiêu chuẩn hóa giúp giảm thiểu chi phí giao dịch (transaction cost) giữa các chủ thể thực hiện các hành vi kinh tế. Không có quá trình tiêu chuẩn hóa này, thế giới không khác gì tập hợp các ốc đảo số.

Những tiêu chuẩn cần được chú trọng từ đầu

Như các thảo luận trước, chuyển đổi số bắt nguồn và bắt buộc bằng việc làm chủ được tài nguyên dữ liệu. Việc thu thập và xử lý số liệu theo hướng thương mại hóa hoặc theo hướng có thể làm tổn hại lợi ích của các quốc gia hoặc cá nhân vẫn đang diễn ra mà thiếu đi các đồng thuận về tính chính đáng, tính chính danh và tính hợp pháp của chúng.

Trong rất nhiều cuộc thảo luận về việc nhân bản vô tính hoặc sửa đổi gene người để chống chọi với các căn bệnh hiểm nghèo, các lập luận được chấp nhận rộng rãi nhất có thể không liên quan đến tính khoa học mà liên quan đến đạo đức được cộng đồng thừa nhận.

Do đó, việc xây dựng các tiêu chuẩn cho các hoạt động và hành vi kinh tế mới không những cần quan tâm đến tính “hợp lý” (nhấn mạnh đến tính khoa học; tính hợp pháp đã được quy định tại từng quốc gia hoặc quy định chung đối với một khu vực đa quốc gia; mức độ khả thi về công nghệ; khả năng phối hợp và điều phối giữa các đơn vị) mà còn cần đặc biệt coi trọng tính chất “hợp tình” (nhấn mạnh đến khía cạnh có thể chấp nhận được về mặt đạo đức).

Tính “hợp tình” thường bị xem nhẹ hoặc hiểu sai theo hướng quá chú trọng mặt cần thiết về công nghệ và thương mại. Chẳng hạn, trong khi dễ dàng trả lời việc các quốc gia có thể thu thuế từ các công ty công nghệ theo cách nào, thì lại rất khó để trả lời điểm dừng của việc phát triển AI là ở đâu. Hoặc như, quyền riêng tư về thông tin/dữ liệu cá nhân nên được coi là một vấn đề mang tính thương mại hay vấn đề thuộc về quyền con người.

Những tiêu chuẩn cần xây dựng từ đầu có thể chia thành hai nhóm: (i) các tiêu chuẩn cứng (chủ yếu là các tiêu chuẩn về kỹ thuật và công nghệ); và (ii) các tiêu chuẩn mềm (bao gồm các chuẩn mực, luật lệ, quy tắc ứng xử, chế tài... mang tính quốc gia và quốc tế). Đối với tiêu chuẩn mềm, bài viết này tập trung thảo luận về các tiêu chuẩn đối với dữ liệu.

Các tiêu chuẩn về dữ liệu

Trong rất nhiều tranh cãi về dữ liệu, nổi lên ba vấn đề cần được các nước thống nhất và đi đến thể chế hóa để nền kinh tế của thế kỷ mới vận hành có quy chuẩn hơn. Nó bao gồm: (i) ai sở hữu dữ liệu; (ii) quyền/nghĩa vụ chia sẻ dữ liệu ra sao; và (iii) việc phân chia lợi ích/trách nhiệm từ việc khai thác dữ liệu sẽ như thế nào. Nói rộng ra, đó là một hệ tọa độ ba chiều để xác định: (i) chủ quyền kỹ thuật số; (ii) quyền riêng tư và bảo mật; và (iii) tiếp cận và khai thác thương mại. Cả ba quyền này đều xoay quanh một câu hỏi cốt yếu về dữ liệu: ai là chủ sở hữu của tài nguyên này?

Phạm vi quyền sở hữu về dữ liệu thường là không chắc chắn và cố định, mặc dù điều này không ngăn các công ty và chính phủ xác nhận chúng. Tại nhiều quốc gia, Luật sở hữu trí tuệ công nhận quyền đối với dữ liệu trong hai trường hợp: (i) khi dữ liệu là thông tin bí mật và có thể bảo vệ được; và (ii) khi dữ liệu là một phần tổng hợp đủ điều kiện để được bảo vệ bản quyền.

Các luật về thông tin bí mật hỗ trợ và bảo vệ các khoản đầu tư của công ty tạo ra dữ liệu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các luật này ngày càng chống lại lợi ích của công chúng trong việc tiết lộ một số thông tin.

Tầm quan trọng của dữ liệu trong việc hiểu các vấn đề ngày càng phức tạp với các tác động xã hội sâu sắc đã dẫn đến việc công nhận các quyền rộng hơn về tiếp cận thông tin bí mật vì lợi ích công cộng trong một số trường hợp hạn chế và kêu gọi công nhận các quyền đó trong một loạt các bối cảnh khác. Đâu là đường biên của quyền sở hữu này? Điều đó sẽ khác nhau tùy góc độ chiều kích mà việc tiêu chuẩn hóa dựa vào.

Trong khi quyền riêng tư xác định việc phải tiêu chuẩn các dữ liệu dựa trên các căn cứ về quyền con người, đảm bảo tính riêng tư và quyền tự do cá nhân thì “chủ quyền” lại nhấn mạnh đến việc sử dụng các dữ liệu đó để xác định các “ranh giới số” giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa quốc gia với các tập đoàn xuyên quốc gia.

Quá trình này thường đòi hỏi việc cá nhân và cộng đồng kinh doanh trao quyền “sở hữu” thông tin cá nhân cho chính quyền để phục vụ các mục tiêu quản trị công. Từ góc độ quyền tiếp cận và thương mại hóa, việc tiêu chuẩn hóa dữ liệu quan tâm đến các tiêu chuẩn về thu thập xử lý thông tin phục vụ cho khai thác thương mại và xử lý tranh chấp giữa các bên dựa trên tiêu chuẩn do chính quyền và các hãng cùng đặt ra.

Với ba chiều kích như vậy, ngày nay có nhiều nước đóng vai trò quan trọng trong vấn đề thiết lập các tiêu chuẩn về dữ liệu, bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và cả khu vực tư nhân. Châu Âu tương đối thiên về chiều kích “quyền riêng tư” khi quy định dữ liệu cá nhân là thuộc về quyền con người trong Chỉ thị chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR).

Về phần mình, tại Mỹ cũng đang có một cuộc tranh luận thực sự về các tiêu chuẩn quyền riêng tư, được thúc đẩy bởi việc bang California áp dụng các tiêu chuẩn trông rất giống GDPR; phần còn lại của nước Mỹ lại đề cao chiều kích “quyền tiếp cận và thương mại hóa”.

Nhật Bản đang nổi lên như một loại nhà môi giới toàn cầu về các vấn đề kỹ thuật số. Trong khi đó, vào tháng 8-2020, Trung Quốc đã công bố “Sáng kiến toàn cầu về an ninh dữ liệu” trong đó nêu rõ tầm nhìn về bảo mật dữ liệu: yêu cầu tái bản địa hóa mạnh mẽ và trao quyền cho các khu vực pháp lý khác nhau để quản lý dữ liệu và nền kinh tế kỹ thuật số dựa trên “sự tôn trọng lẫn nhau”, chủ nghĩa đa phương, “công bằng và công lý”.

Chúng ta cần tìm một điểm cân bằng của hệ tọa độ ba chiều cho vấn đề xây dựng tiêu chuẩn liên quan đến dữ liệu. Mỗi quốc gia sẽ có một ưu tiên tiêu chuẩn hóa dựa trên các giá trị văn hóa, cấu trúc chính trị và thể chế hiện thời, nhưng việc tiêu chuẩn hóa toàn cầu chỉ có thể tiến hành nếu điều phối được cả ba chiều kích này. Hay nói cách khác là xử lý được quan hệ về lợi ích của ba nhóm nhà nước - cá nhân - cộng đồng kinh doanh.

Nhìn chung, một chiến lược dữ liệu quốc gia hiệu quả cần đảm bảo giải quyết được: (i) chủ quyền dữ liệu; (ii) tính riêng tư của dữ liệu; (iii) an ninh dữ liệu; và (iv) tính pháp lý của dữ liệu. Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi số, các quốc gia còn đối diện với việc thiết lập nhiều tiêu chuẩn chuyên biệt khác như tiêu chuẩn về AI; các tiêu chuẩn về mạng 5G; các tiêu chuẩn về nhà cung cấp; các tiêu chuẩn về kế toán... để hình thành nên một hệ sinh thái kỹ thuật số phục vụ cho cả mục đích sống, kinh doanh và quản trị của các bên liên quan.

(*) Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) VNUA

Xem thêm: lmth.ueil-ud-aoh-nauhc-ueit-hnirt-auq-gnort-gnab-nac-meid-mit/408113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tìm điểm cân bằng trong quá trình tiêu chuẩn hóa dữ liệu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools