vĐồng tin tức tài chính 365

Xuất khẩu gạo - viễn cảnh không mấy sáng trong năm 2021

2020-12-20 10:34

Xuất khẩu gạo - viễn cảnh không mấy sáng trong năm 2021

Nguyễn Đình Bích

(TBKTSG) - Gần như chắc chắn, năm 2020 Việt Nam vượt qua Thái Lan và giành vị trí nước xuất khẩu gạo số 2 thế giới. Không những vậy, gạo xuất khẩu cũng được giá, giúp cải thiện thu nhập của nông dân trồng lúa. Tuy nhiên, không phải toàn bộ bức tranh đều là màu sáng và có thể gam màu tối sẽ sớm quay lại ngự trị trong năm 2021.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh minh họa: TTXVN

Được giá, nhưng lượng "co lại"...

Số liệu thống kê cho thấy tổng lượng gạo xuất khẩu 11 tháng năm nay đạt 5,74 triệu tấn, giảm 2,2% so với cùng kỳ, còn tổng kim ngạch đạt 2,85 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,4%. Nếu tháng 12 cũng đạt như tháng 11 thì xuất khẩu cả năm sẽ hơn 6,1 triệu tấn, giảm 3,8%, với kim ngạch hơn 3 tỉ đô la, tăng 8,8%, và giá xuất khẩu bình quân cả năm sẽ đạt 498 đô la/tấn, tăng 13,1% so với năm 2019.

Trong khi đó, số liệu thống kê của Thái Lan cho thấy xuất khẩu gạo của nước này 10 tháng vừa qua chỉ được 4,49 triệu tấn, giảm hơn 2 triệu tấn, tương đương giảm 31,4% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong khi năm nay Việt Nam vẫn thực hiện được mục tiêu sản xuất 43,5 triệu tấn lúa như ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhưng xuất khẩu gạo lại thấp khá xa so với mục tiêu 6,7 triệu tấn. Điều này có nghĩa là, kết thúc năm nay chúng ta sẽ còn khoảng hơn nửa triệu tấn gạo tồn kho sẽ phải xuất khẩu trong năm 2021.

Vấn đề đặt ra là tại sao được giá mà Việt Nam lại không thực hiện được mục tiêu về lượng xuất khẩu?

Nhìn vào “rổ” gạo xuất khẩu hiện nay, nếu cho rằng chúng ta đã chuyển sang sản xuất và xuất khẩu những loại gạo có giá cao hơn cho nên giá bình quân cao hơn là không thuyết phục.

Gạo thơm và gạo nếp là hai loại gạo có giá cao hơn nhiều so với gạo trắng, nhưng sản lượng xuất khẩu 10 tháng đầu năm chỉ chiếm tỷ trọng 39,7%, tuy có cao hơn so với mức 36,7% của năm 2019, nhưng vẫn thấp xa so với kỷ lục 46,4% của năm 2017 và 46% của năm 2018, hoặc 44,6% của năm 2016. Thực tế đó có nghĩa là, chuyển đổi cơ cấu sản xuất để tăng giá gạo xuất khẩu không phải năm nay chúng ta mới làm, mà đã làm tốt từ nhiều năm nay.

Mặt khác, các số liệu thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, giá gạo nếp năm nay cũng chỉ có ba tháng giữa năm được giá như cuối năm 2019, còn từ tháng 7 trở lại đây đã giảm rất mạnh, thấp xa so với cùng kỳ. Còn đối với gạo thơm, sau hai tháng đầu năm rớt giá thảm hại, tình hình đã tốt lên, nhưng vẫn có tới năm tháng ở dưới ngưỡng 500 đô la/tấn, chưa bằng một nửa giá gạo thơm của Thái Lan.

Những con số trên cho thấy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam năm nay tăng mạnh chắc chắn có phần không nhỏ do giá gạo trắng đã được đẩy lên.

Rõ ràng, cho dù chất lượng gạo trắng của Việt Nam đã được cải thiện, nhưng phẩm chất của các giống gạo ngắn ngày không thể sánh được gạo dài ngày, nên việc đẩy giá lên ngang bằng, thậm chí cao hơn gạo Thái Lan là một trong những nguyên nhân khiến lượng gạo xuất khẩu của chúng ta những tháng gần đây giảm mạnh.

Nhưng Ấn Độ mới là nguyên nhân chính khiến chúng ta “ế hàng” và gạo của Thái Lan càng ế ẩm hơn. Nguồn cung gạo từ Ấn Độ rất dồi dào và nước này đang “bung hàng” dữ dội với giá rất “mềm”. Đó là, trừ tháng đầu năm và tháng 4, các tháng còn lại nước này đều xuất khẩu hơn 1 triệu tấn, đặc biệt là tháng 7, tháng 9 và tháng 10 xuất khẩu tới 1,4-1,5 triệu tấn, nên 10 tháng đầu năm đã xuất khẩu 11,9 triệu tấn với giá gạo trắng (gạo non Basmati) bình quân chỉ là 372 đô la/tấn.

Thực chất của câu chuyện cán cân cung - cầu gạo năm nay là không có việc các quốc gia tăng cường tích trữ gạo dẫn tới giá tăng và hạn hán hồi đầu năm và tiếp đó là lũ lụt cũng không ảnh hưởng quá nặng, cho nên việc Thái Lan và tiếp theo đó là chúng ta đẩy giá gạo xuất khẩu lên quá cao đã khiến không ít khách hàng lần lượt quay lưng lại và chuyển sang nhập khẩu gạo của Ấn Độ.

... Và viễn cảnh phải hạ giá để giải phóng tồn kho

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, giá gạo thế giới trong những năm tới sẽ diễn biến theo chiều hướng giảm, cụ thể là năm 2021 sẽ chỉ còn là 495 đô la/tấn so với 505 đô la/tấn năm nay. Dự báo tháng 12 vừa qua của USDA cũng cho thấy những căn cứ sau đây để cho rằng, giá gạo thế giới sẽ biến động theo chiều hướng đó.

Thứ nhất, kho gạo dự trữ của thế giới đang rất đầy và nhu cầu nhập khẩu không tăng chắc chắn sẽ cộng hưởng lẫn nhau khiến xuất khẩu gạo khó khăn, nên giá sẽ giảm.

Trước hết, các số liệu thống kê và dự báo của USDA cho thấy, dự trữ gạo thế giới ở thời điểm bước vào năm 2021 đạt hơn 178 triệu tấn, tuy chỉ cao hơn không đáng kể so với cùng kỳ năm nay, nhưng vẫn là kỷ lục, tính ra đủ bảo đảm cho thế giới tiêu dùng trong 131 ngày giống như cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, vẫn theo cơ quan này, nhập khẩu gạo của thế giới năm 2021 chỉ ở mức 42,5 triệu tấn, hầu như không tăng so với năm 2020.

Nếu quan sát chuỗi số liệu thống kê này trong lịch sử, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, giá gạo thế giới chỉ tăng khi dự trữ gạo thế giới dao động trong khoảng trên dưới 80 ngày tiêu dùng và nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới tăng. Từ đó, có thể khẳng định rằng, việc giá gạo thế giới tăng trong năm 2020 là không bình thường, nhưng có thể hiểu được. Bởi lẽ, hạn hán đầu năm và đặc biệt là đại dịch Covid-19 khiến một số quốc gia xúc tiến nhập khẩu gạo sớm, còn ở phía cung, đại dịch Covid-19 khiến các chuỗi cung ứng lúa gạo bị đứt gãy hàng loạt.

Do vậy, trong điều kiện thế giới đã thích ứng với tình hình này, giá gạo thế giới giảm là điều tất yếu, bởi đó là quy luật cung - cầu.

Thứ hai, sản lượng gạo thế giới tăng khá, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng không nhiều, cho nên dự trữ gạo thế giới cuối năm sẽ tiếp tục tăng.

Cụ thể, các số liệu thống kê và dự báo của USDA cho biết, tổng sản lượng gạo thế giới năm 2021 tăng 5,1 triệu tấn và lần đầu vượt qua ngưỡng 500 triệu tấn. Trong khi đó, tổng tiêu dùng gạo thế giới năm 2021 chỉ tăng gần 3,7 triệu tấn và đạt 497,7 triệu tấn, nên dự trữ gạo cuối năm 2021 tiếp tục giữ vững 131 ngày tiêu dùng như đầu năm. Đây đương nhiên là những tác nhân cộng hưởng khiến giá gạo thế giới sẽ bị kéo xuống.

Trong điều kiện chung như vậy, áp lực kéo giá xuống để kéo một phần khách hàng rời bỏ Ấn Độ quay lại với chúng ta đương nhiên sẽ gia tăng. Lịch sử xuất khẩu gạo cho thấy, trong điều kiện bình thường, sau mỗi đợt Việt Nam nâng giá gạo xuất khẩu ngang bằng và vượt Thái Lan, xuất khẩu lập tức khó khăn, nên sau đó sẽ phải kéo giá xuống rất thấp thì mới có thể đẩy khối lượng gạo lớn ra thị trường thế giới.

Hiện tại và sắp tới, câu chuyện này không chỉ diễn ra đối với hai quốc gia Việt Nam và Thái Lan như trước đây, mà cả hai sẽ phải đối diện với cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới là Ấn Độ với thế thượng phong đang khuynh đảo cả thị trường này của thế giới.

Nói tóm lại, nếu không có gì đột biến, rất có thể không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta sắp tới sẽ phải đối diện với tình thế càng ôm nhiều gạo dự trữ với giá trong nước bị đẩy lên cao trong những tháng gần đây thì nguy cơ thua lỗ càng lớn do sẽ phải giảm giá mạnh để đẩy ra thị trường thế giới.

Xem thêm: lmth.1202-man-gnort-gnas-yam-gnohk-hnac-neiv--oag-uahk-taux/997113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xuất khẩu gạo - viễn cảnh không mấy sáng trong năm 2021”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools