Dù chưa đến Giáng sinh nhưng tại các nhà thờ lớn như nhà thờ An Bình (Q.8) đã có rất đông người dân đến tham quan, vui chơi
Trong niềm vui chung đó, những mảnh đời cơ nhỡ cũng không bị lãng quên.
Chung sức
21h đêm 18-12, hẻm xóm đạo 2299 trên đường Phạm Thế Hiển (Q.8, TP.HCM) sáng rực đèn. Là hẻm cụt nên hang đá mừng Giáng sinh của xóm được đặt ở cuối hẻm.
Đến khuya, ông Phạm Tiến Thành (57 tuổi) vẫn lọ mọ chỉnh sửa, ngắm nghía "công trình" do cả xóm chung tay dựng nên suốt cả mười ngày qua.
Cứ có người nào ghé lại chụp ảnh, ông Thành đều hỏi thăm ý kiến về mẫu dáng, màu sắc, ánh đèn... rồi lại quay qua bàn bạc thêm với mấy người cùng xóm.
Ông Thành nói rằng để một người, một nhà đứng ra làm thành một cái hang đá không ý nghĩa bằng việc cả xóm cùng chung tay, chung sức.
"Cây chuối, điện đóm này kia là của nhà cố Hồng. Cây quất là của ông bà Hải chưng tết xong trồng lại, giờ lại chưng ở đây. Đèn nháy là của nhà đầu xóm. Cứ thế, người có công thì góp công, có tiền góp tiền, có thùng trà đá thì góp thùng trà đá. Đã là của chung thì quan trọng vẫn là mọi người chung sức" - ông Thành liệt kê trong sự vui vẻ.
Là gia đình không theo đạo Công giáo nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (57 tuổi, ngụ Q.8) cũng tham gia đóng góp nhiều cây xanh, đèn điện để trang hoàng cho hang đá của xóm.
"Đóng góp vào cái chung để đẹp hơn là điều nên làm. Dù theo đạo gì thì tình làng nghĩa xóm mới là điều mà ai cũng mong muốn hướng tới" - bà Hồng chia sẻ.
23h đêm 18-12, tại một hẻm nhỏ trên đường Bàn Cờ (Q.3), mọi người vẫn còn chộn rộn căng đèn dây để chuẩn bị đón Giáng sinh.
Ông Lê Hồng Ân (52 tuổi) nói rằng năm nay tình hình thu nhập của mọi người giảm sút nên xóm chỉ trưng gần 20 bộ đèn nháy nhằm tạo chút không khí.
"Tất cả cũng do các nhà tự đóng góp với nhau thôi. Năm khó khăn nên cũng chỉ mong mọi sự sớm qua đi, năm mới đất nước được an lành, vui vẻ" - ông Ân nói thêm.
Giữa đêm khuya, những suất quà giúp người nghèo khó cảm thấy ấm lòng - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Thêm yêu đời khi được sẻ chia
Đồng hồ đã điểm 12h đêm, 40 bạn trẻ của một công ty có trụ sở ở Q.Tân Bình vẫn rong ruổi trên khắp nẻo đường TP.HCM.
Đêm nay họ sẽ trao đi hơn 200 phần quà - gồm có bánh, sữa, áo ấm và 200.000 đồng - cho những người vô gia cư, bán vé số, công nhân quét đường hay cả những người chạy xe ôm trong đêm.
Anh Nguyễn Đức Tuấn (28 tuổi, đại diện nhóm) chia sẻ: "Giá trị của 200 phần quà cũng chẳng là bao nhưng hi vọng phần nào giúp mọi người cảm nhận được hơi ấm của tình người, sự sẻ chia gửi gắm qua từng suất quà mà anh chị em trong công ty tự phát đóng góp".
Trong khi đó, không tìm đến những địa điểm được trang hoàng lộng lẫy, nhóm sinh viên gồm Hữu Khoa, Vĩnh Đạt, Thiên Trang, Trọng Nhân và hai người bạn khác (cùng 21 tuổi) chọn việc trao đi những phần quà đến các mảnh đời khó khăn là cách để thắt chặt tình bạn, tạo cho nhau những kỷ niệm đẹp.
Cả nhóm quyết định tìm đến những con đường nhỏ ở quận 1, 3, 10 và Bình Thạnh để có thể tiếp cận được nhiều người lao động trong đêm.
"Đều là sinh viên năm cuối nên chúng mình mong muốn cùng nhau làm một điều gì đó để vừa có kỷ niệm đẹp nhưng vẫn mang lại ý nghĩa cho cộng đồng" - Hữu Khoa tâm sự.
Gần 1h sáng. Đôi bạn trẻ Hoàng Phước và Mỹ Linh (cùng 23 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) còn mải miết trên đường phố Sài Gòn.
Gặp hoàn cảnh nào khó khăn bên đường, họ cũng dừng xe, tiến lại hỏi thăm, trao đi những phần quà. Mỹ Linh tâm sự rằng muốn tìm kiếm chút gì đó yên vui qua việc được sẻ chia lần này.
Lượm nhặt từng chiếc vỏ lon bên vỉa hè đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), bà Lê Thị Ánh Mai (65 tuổi, trọ trên đường Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh) vui mừng khi đón nhận món quà từ đôi bạn Hoàng Phước và Mỹ Linh. Đi cùng bà Mai còn có bà Nguyễn Thị Cảnh (64 tuổi).
Bà Cảnh không người thân, bị tai biến và liệt hai chân hơn 4 năm nay. "Mọi người cứ bảo tôi dại khi bản thân nghèo còn đèo bồng thêm một người bệnh tật thế kia, nhưng biết sao bây giờ khi bà Cảnh bệnh tật, lại mồ côi đơn chiếc" - bà Mai bộc bạch.
Món quà nhỏ của đôi bạn trẻ như thêm phần chia sẻ với những khó nhọc của bà Mai trong đêm lạnh.
Bán niềm vui, nuôi hi vọng
Gần đến mùa Giáng sinh, cảm nhận về mùa "kiếm cơm" của nhiều cặp vợ chồng trẻ, lao động nghèo không nghề nghiệp ổn định cũng là có thật.
Dù ban ngày làm thuê cho một cửa hàng bán phụ tùng xe máy ở chợ Tân Thành (Q.5) nhưng tối đến anh Nguyễn Trọng Thẳm (35 tuổi) lại tìm một mặt bằng nhỏ trước nhà thờ An Bình (Q.8) để bán đồ chơi trẻ em.
"Bán đồ chơi này như bán niềm vui cho con nhỏ, lời lãi đắp cả vào tiền điện nước, mặt bằng, rồi cả trăm thứ phí khác" - anh Thẳm nói.
Gần 0h, sương trời đã phủ một màu xám mờ. Cạnh ngã tư giao lộ Hồng Bàng - Ngô Quyền (Q.5), vợ chồng anh Ngọc Hoàng (43 tuổi, quê Đồng Tháp) vẫn thấp thỏm mong ngóng khách ghé lại gian hàng mô hình ông già Noel đang trưng bên vệ đường.
Cạnh đó, đứa con gái út của anh Hoàng - bé Huỳnh Như - vẫn miệt mài với quyển sách toán lớp 6 trên tay để chuẩn bị cho tiết học ngày mai.
Cứ thế, giữa dòng người đông đúc chật chội, có những mảnh đời vẫn miệt mài mưu sinh. Rất thực tại, một cuộc sống không quá chật vật mới là điều mà những người nơi đây mơ về.
Kết nối mọi người
Giáo phận Xuân Lộc (Đồng Nai) với hơn 1 triệu giáo dân được xem là địa phương có nhiều giáo dân nhất cả nước. Những năm gần đây, giáo xứ Hà Phát (phường Tân Biên, TP Biên Hòa) trở thành điểm đến của mọi người chứ không chỉ của đồng bào Công giáo.
Một trong những điểm nhấn thu hút các bạn trẻ đến vui chơi là cây thông Noel cao hàng chục mét làm từ chiếc nón lá truyền thống.
Để hoàn thành cây thông này, từ 3 tháng trước, các giáo dân trong khu vực lên ý tưởng và cùng góp sức thực hiện. Năm nay, cây thông cao 35m, có 4 tầng, được làm từ 2.340 chiếc nón lá.
Mỗi chiếc nón đều có gắn đèn, quấn dây kim tuyến và quả châu xung quanh. Khi đèn bật lên, cây thông tỏa sáng cả một vùng rộng lớn.
Theo ghi nhận, trong hai đêm đầu chính thức đón khách (17 và 18-12), hàng ngàn bạn trẻ ùn ùn kéo đến địa điểm này tham quan, vui chơi. Trong số này, rất nhiều khách không phải đồng bào Công giáo.
Điểm chung của họ là đều xuýt xoa, tươi cười, tranh thủ chụp ảnh selfie cạnh cây thông "đặc biệt" này. Hơn 40 giáo dân sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương tham gia giữ gìn trật tự suốt 10 ngày lên đèn của cây thông này.
Cây thông Noel làm từ hơn 2.300 chiếc nón lá tại giáo xứ Hà Phát (TP Biên Hòa, Đồng Nai) thu hút hàng ngàn người đến tham quan - Ảnh: A LỘC
Chị Trần Thị Nga (27 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) - một người đến ngắm cây thông - nói Giáng sinh bây giờ gần như đã trở thành một mùa lễ của tất cả mọi người.
Bởi ngoài Tết Nguyên đán, không khí mùa này là một trong hai mùa nhộn nhịp nhất năm. "Lễ Giáng sinh dường như kết nối mọi người gần nhau hơn" - chị Nga bộc bạch.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng huy động không chỉ giáo xứ Hà Phát; dọc con đường Nguyễn Ái Quốc, từ ngã tư Tân Phong đến công viên 30-4, hàng chục giáo xứ, nhà thờ, nhà dân… đều trang trí rực rỡ.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, ngụ phường Hố Nai, cho biết: "Mặc dù đa số hộ dân khu vực Hố Nai là người Công giáo, nhưng một số người không theo đạo cũng rất ngóng chờ, đồng lòng tổ chức các hoạt động mừng đón Giáng sinh".
Ông Nguyễn Hữu Thắng - phó chủ tịch xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất - cho biết mùa Giáng sinh năm nay, trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp, hầu hết các nơi đều chủ động phòng chống dịch khi vui chơi như trang bị nước sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu...
Trong lễ Giáng sinh năm nay, giáo xứ Thành Tâm (ấp Suối Trầu 3, xã Bình Sơn, huyện Long Thành) là một trong những địa điểm đặc biệt nhất. Bởi sắp tới, toàn bộ ba ấp của xã Suối Trầu cũ (nay là ấp Suối Trầu 1, 2, 3 thuộc xã Bình Sơn) sẽ giải tỏa để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành.
Mùa Noel năm nay, giáo xứ xây dựng hang đá bằng bao tải dài hơn 200m với nhiều mô hình, tiểu cảnh gắn đèn rực rỡ.
Đây cũng là lần đầu tiên giáo xứ dựng hang đá trước cổng giáo xứ nhằm tạo sân chơi cho đồng bào Công giáo và người dân trên địa bàn tới vui chơi, tham quan nhân dịp lễ Giáng sinh.
A LỘC
Giáng sinh yêu thương ở xóm đạo
Một tuần trước lễ Giáng sinh, con đường Đất Thánh nhỏ ở giáo xứ Nam Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã được kết đèn rực rỡ. 8h tối, chị Phương (43 tuổi) vẫn ngồi tỉ mẩn may cắt vì "mùa này các chị, các em đặt may áo dài nhiều".
Xóm đạo nhiều nhà khóa cửa nhưng hang đá trước nhà vẫn bật sáng. "Mọi người đi tổng duyệt cho đêm trình diễn thánh ca ngày mai rồi. Tối mai giáo xứ này vui lắm", chị cho biết. Cả chồng và con gái 8 tuổi của chị cũng đều đi tổng duyệt.
"Cách đây 10 ngày bắt đầu giăng dây đèn, làm hang đá rồi. Dây đèn này cả giáo xứ cùng đóng góp, ai có nhiều góp nhiều, khó khăn thì thôi. Nhà tôi ngay "mặt tiền", được đẹp nhiều nên góp nhiều hơn" - chị vui vẻ kể.
Những con đường ở xóm đạo bỗng rực rỡ, nên thơ trong những ngày trước Giáng sinh - Ảnh: VŨ THỦY
Cách nhà chị không xa là một tiểu cảnh với hang đá cùng một ông già Noel lớn hơn người thật có thể nhảy múa và cả một ống khói. Bà Phương, một người trong xóm, dắt hai đứa cháu ngoại là một cặp song sinh 3 tuổi tên Sóc và Thỏ ghé vào.
Hai đứa trẻ lí lắc chạy nhảy lăng xăng khiến bà phải vất vả lắm mới chụp được vài tấm hình. Bà kể bà ở cách đây vài căn, mấy tối nay tối nào cũng dắt các cháu đi dạo một vòng xem đèn, xem hang đá.
"Hang đá này là của anh Dũng. Năm nào anh ấy cũng làm cho mọi người tới chụp hình, vui chơi" - bà nói. Anh Hà Quốc Dũng là một trong những người làm quản lý trong nhà thờ Nam Hòa, cũng là một trong những người chủ xướng làm đèn, trình diễn thánh ca.
"Năm nào cũng vậy, cứ đầu tháng là bà con giáo xứ xúm vào làm đèn xung quanh nhà thờ, các xóm hẻm. Nhà tôi thì hơn 10 năm nay đều làm tiểu cảnh để tụi nhỏ có thêm chỗ vui chơi, chụp hình.
Năm nay thì khác năm ngoái vì có thêm ông già Noel nhảy múa. Các nhà khác cũng trang trí rồi giáo xứ có ban đi chấm điểm, tặng quà nên mọi người cũng hào hứng lắm" - anh Dũng chia sẻ.
Giáng sinh ở giáo xứ cũng là dịp mà các bé mồ côi, các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn ở lớp học tình thương tham gia các chương trình hát múa.
"Các em cũng có các ca đoàn riêng, cũng tham gia trong đêm trình diễn thánh ca, tập hát nhiều tuần liền rồi" - anh nói thêm.
Xóm đạo giáo xứ An Lạc (Q.Tân Bình) những ngày này cũng giăng đèn màu rực rỡ ở các tuyến đường. "Cũng giống nhiều xóm đạo khác, mọi người cùng góp tay làm, tùy điều kiện đóng góp nhiều ít chứ cũng không bắt buộc" - chị Nguyễn Thị Diệu Linh, một người dân ở giáo xứ, chia sẻ.
"Ở đây tối 24-12 đi lễ sớm xong là mọi người cùng nhau liên hoan vui lắm" - chị kể. Chỉ ngay một đoạn đường rộng, chị bảo đó là nơi tổ chức tiệc, "nhà hàng ngàn sao", ai có gì góp nấy.
Đầu bếp chính là anh Dũng đây. Ảnh sẽ nấu ăn miễn phí cho mọi người" - chị Linh vui vẻ khoe kế hoạch của xóm và giới thiệu người bạn của mình. Họ là người cùng xóm, là bạn từ nhỏ cho đến tận bây giờ khi mọi người đều đã có gia đình, con cái.
Vũ Thủy
TTO - Trên đường phố Sài Gòn, một nhóm bạn trẻ rong ruổi trong đêm. Thấy ông cụ đang nằm co ro trên vỉa hè, họ xuống xe, đắp cho ông chiếc chăn ấm.
Xem thêm: mth.11203600102210202-pa-ma-hnis-gnaig-aum-uahn-neh/nv.ertiout