Triệu cách xoay sở chờ... du khách
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) - Trong khi miền Trung vẫn chưa thể đón nhiều đoàn khách du lịch, một số doanh nhân đã nghĩ ra cách bán rau củ, thực phẩm, bản đồ hay mở nhà hàng để vừa kiếm thêm tiền vừa tự tạo động lực cho chính mình chờ ngày trở lại.
Cửa hàng VB Fresh tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam chuyên thực phẩm sạch và hữu cơ của vợ chồng ông Phạm Vũ Dũng nổi tiếng trong ngành du lịch tại Quảng Nam. Ảnh: Nhân Tâm |
Ba khai trương ngày thứ Bảy
Theo các doanh nghiệp, hôm thứ Bảy, 19-12 là ngày đẹp theo lịch âm, thích hợp cho họp bạn bè, ăn hỏi, khai trương, giao dịch… Và trong ngày hôm qua, có ít nhất 3 doanh nghiệp lâu nay hoạt động trong lĩnh vực du lịch khai trương cửa hàng.
Ông Phạm Vũ Dũng, Giám đốc Công ty du lịch Hoa Hồng (Rose Travel) và sở hữu công ty lữ hành, cơ sở lưu trú và vườn rau sạch tại Hội An, cùng vợ của mình hôm qua đã khai trương cửa hàng thực phẩm tươi mang tên VB Fresh trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Hội An.
Cửa hàng kinh doanh các loại rau củ, thực phẩm, lương thực được cam kết là nuôi trồng và sản xuất theo phương pháp sạch, hữu cơ, thân thiện với môi trường và có lợi cho sức khỏe. Hơn 1.000 mặt hàng được cung cấp từ các nông trại, nhà vườn và nhà sản xuất được cấp chứng nhận.
Ông Dũng cho biết cửa hàng mở ra cung cấp nhiều loại thực phẩm khác nhau theo tiêu chí xanh, sạch cho người dân địa phương và khách còn ở lại Hội An. Sắp tới vườn KyBiMơ của ông cũng sẽ cho “ra lò” một vài loại rau củ sạch. Đây cũng là cách vợ chồng ông duy trì nguồn sinh lực kinh doanh và chuẩn bị cho việc khách quay trở lại.
Ông Dũng chia sẻ thêm cũng trong ngày thứ Bảy, người bạn thân của anh, doanh nhân Trần Quốc Tuấn, cũng khai trương cửa hàng thức uống Red Apron đối diện cửa hàng của ông. Hai người bạn thân cùng nhau tổ chức buổi khai trương chung, với mục đích làm sôi động một góc phố cổ.
Nhà ông Trần Quốc Tuấn được biết đến là một trong những hộ dân đầu tiên cung cấp dịch vụ trải nghiệm một ngày làm nông cho du khách tại làng rau Trà Quế từ những năm 2000.
Ông Tuấn đã dành thời gian tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử văn hóa của làng rau Trà Quế quê nhà, sưu tầm, nghiên cứu từng món ăn đặc trưng, dân dã mà người dân chế biến cũng như cải tạo nhà ở, tổ chức đón khách, phục vụ khách lưu trú, ăn trưa tại chỗ và trải nghiệm cuộc sống lao động cùng người nông dân Trà Quế.
Khi Covid-19 và bão lũ ập tới, tất cả hộ dân tại làng rau Trà Quế điêu đứng và tạm ngưng phục vụ khách cũng như trồng trọt, và đến lúc này ông Tuấn mở nhà hàng rượu như một cách tạo sinh khí để chờ khách du lịch quay lại.
Cũng ngày 19-12, doanh nhân Văn Tiến Việt, Giám đốc Công ty Đà Nẵng Today Travel, đã khai trương thương hiệu Today Food, kinh doanh các loại thực phẩm, thức uống bên cạnh mảng lữ hành lâu nay. Today Food trước mắt phân phối các sản phẩm liên quan đến Đông trùng hạ thảo, như rượu, trà, sản phẩm tươi…
Các sản phẩm này đều có giấy chứng nhận vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, rượu đông trùng hạ thảo được đựng trong các bình thủy tinh hình 12 con giáp, phục vụ cho khách tiếp khách ngày Tết.
Mở nhà hàng, bán bản đồ
Cũng là một doanh nhân kinh doanh du lịch tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Duy Phương, cùng đối tác của mình, ông Trần Quang Trung – Giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng của Triều Hảo Tourist – sản xuất và phân phối các mô hình bản đồ làm từ gỗ. Lắp ghép các địa phương thành bản đồ Việt Nam, dán lên tường, giúp cho trẻ em trong nhà có thể biết thêm địa lý Việt Nam, theo ông Phương, Giám đốc Công ty Sông Trà Travel.
“Người lớn cũng có thể biết rõ hơn vị trí các địa phương của Việt Nam khi lắp ghép”, ông Phương chia sẻ. “Ngoài mục đích kiếm thêm thu nhập trong khi mảng du lịch hầu như đứng bánh, đây cũng là cách để tôi có được động lực trong kinh doanh. Là doanh nhân, tôi cũng không thể ngồi im”.
Các gian hàng bán thực phẩm tại Coco Casa - một không gian ẩm thực - giải trí - nghệ thuật tại thành phố Hội An - thu hút nhiều khách địa phương và người nước ngoài đang sống ở Quảng Nam. Ảnh: Nhân Tâm |
“Không thể ngồi im” cũng là suy nghĩ của nhiều doanh nhân khác tại Đà Nẵng và Quảng Nam khi trong vài tháng qua họ quyết định mở nhà hàng ăn uống để phục vụ khách địa phương cũng như khách nội địa ít ỏi. Nhà hàng Gạo chuyên các món ăn Việt của ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty Vietnam TravelMart, và nhà hàng Lắc Kêu (cùng trên đường Đống Đa, quận Hải Châu) của một nhóm bạn làm trong ngành du lịch là những ví dụ. Đặc biệt, ông Nam còn làm thêm dịch vụ lắp ráp loa nhạc để bán.
Cách đây không lâu, doanh nhân Lê Ngọc Thuận, người kinh doanh mô hình nhà hàng ven biển tại bãi biển An Bàng, thành phố Hội An lâu nay, quyết định mở nhà hàng ven sông Cổ Cò (cũng thuộc thành phố Hội An) với phong cách mới, để phục vụ khách địa phương cũng như lượng khách nước ngoài đang lưu trú tại miền Trung.
Nhà hàng Coco Casa được thiết kế là không gian ẩm thực – giải trí – nghệ thuật nơi thực khách có thể vừa thưởng thức món ăn ngon, vừa trải nghiệm nghệ thuật (vẽ tay, vẽ tranh, trưng bày tranh nghệ thuật) và nghe nhạc sống từ những ban nhạc nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp.
Trong thời gian khai trương, với sự giúp đỡ từ các doanh nghiệp địa phương, nhạc sĩ, nghệ sĩ và những đóng góp của các mạnh thường quân, Coco Casa của ông Lê Ngọc Thuận giúp CHIA, một tổ chức từ thiện, quyên góp được gần 45 triệu đồng để hỗ trợ cho trẻ em gặp khó khăn tại miền Trung. Ông Lê Ngọc Thuận cũng quyên góp được một số tiền để cùng các doanh nghiệp khác “dọn dẹp” lại biển An Bàng bị tàn phá bởi 13 cơn bão, lũ.
“Tôi tin đây sẽ là điểm sáng cho du lịch kết nối cộng động chung tay bảo vệ môi trường và chia sẻ giá trị kinh doanh có trách nhiệm”, ông Thuận nói.
Với sự năng động từ các doanh nhân và người làm trong du lịch tại miền Trung, nhiều người tin rằng bên cạnh kiếm chút ít tiền hiện naym khi có khách du lịch trở lại, họ sẽ có đủ sinh khí để phục vụ tốt hơn.
Xem thêm: lmth.-hcahk-ud-ohc-os-yaox-hcac-ueirt/339113/nv.semitnogiaseht.www