Theo dữ liệu mà Bloomberg thu thập được từ những bản ghi âm các cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn thế giới trong 5 tháng gần đây, hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp đã kêu gọi cần gấp rút cắt giảm các chi phí liên quan đến bất động sản. Các giải pháp được đưa ra gồm giảm diện tích thuê văn phòng, đẩy nhanh việc đóng cửa các chi nhánh, đàm phán lại giá thuê kho bãi và thậm chí là đóng cửa các trung tâm dữ liệu.
Trong 4.767 cuộc họp diễn ra trong thời gian từ 21/7 đến 8/12, khoảng 1/10 bản ghi âm cho thấy các doanh nghiệp đang suy nghĩ lại về nhu cầu bất động sản của mình, với dự tính sẽ tiết kiệm được hàng triệu USD.
Trong khi đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến các chủ đất và khiến cổ phiếu của các công ty có liên quan đến bất động sản thương mại lao dốc, những tác động tiêu cực đến dòng tiền là rủi ro mang tính dài hạn hơn đối với nhà đầu tư. Trong số 10.000 tỷ USD đang được rót vào bất động sản trên toàn thế giới với mục đích đầu tư, nguồn vốn chủ lực của ngành này – các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm – đang dựa trên những nguồn thu nhập ổn định để trả các nghĩa vụ tài chính dài hạn.
"Đó là lý do chính để mua bất động sản. Hầu hết các chủ đất là các quỹ hưu trí và quỹ bảo hiểm. Nếu như nguồn thu nhập của họ sụt giảm mạnh vì cuộc khủng hoảng này, chúng ta gặp rất nhiều rắc rối", Adrian Benedict, chuyên gia đang làm việc tại quỹ Fidelity International, nói.
Chỉ số gồm các cổ phiếu bất động sản toàn cầu đã giảm hơn 10% kể từ đầu năm đến nay bất chấp chỉ số gồm tất cả các ngành tăng khoảng 13%. Về nợ, tỉ lệ vỡ nợ trên thị trường thế chấp tại Mỹ đã tăng gần 6% trong tháng 11. Phần bù rủi ro cho các chứng khoán MBS xếp hạng BBB đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm đến nay.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái sâu hơn và các công ty thích nghi với trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp sẽ cần đến ít không gian hơn so với thời trước dịch. 74% các công ty tham gia khảo sát tháng 10 của 1 viện nghiên cứu ở Anh cho biết họ có dự định cho nhân viên làm việc từ xa nhiều hơn dù đại dịch giảm bớt. Hơn một nửa có kế hoạch giảm diện tích thuê văn phòng.
Mặc dù những tin tức tích cực về vaccine làm nhà đầu tư lạc quan và cũng giúp cổ phiếu bất động sản hồi phục, còn quá sớm để "ăn mừng". Những thay đổi mà các lãnh đạo doanh nghiệp đang thảo luận là dài hạn và sẽ được các cổ đông cũng như giới phân tích hoan nghênh.
Kể cả những công ty chủ yếu thuê văn phòng ở những nơi có giá rẻ cũng đang dự định cắt giảm chi phí bất động sản. "Chúng tôi muốn cắt giảm 35% diện tích thuê tại các trụ sở", CEO của 1 ngân hang ở Prague nói. Các lãnh đạo ngân hang cũng thảo luận về "văn phòng thông minh, nơi làm việc linh hoạt" – mô hình kết hợp giữa làm việc tại nhà và chỗ ngồi linh hoạt (hot-desking) để có thể cắt giảm tối đa diện tích cần dùng.
Đại dịch cũng thôi thúc nhiều ngân hàng đóng cửa các chi nhánh nhanh hơn, trong khi S&P Global dự định sẽ tối ưu hoá các trung tâm dữ liệu.
Mặc dù hưởng lợi từ đại dịch vì hoạt động mua sắm trực tuyến bùng nổ khiến nhu cầu về nhà kho tăng cao, dòng tiền của thị trường bất động sản công nghiệp vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực. Các khách hàng lớn, trong đó có các hãng hàng không, kiệt quệ vì hoạt động du lịch trên toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng.
Tất nhiên các công ty mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của kế hoạch cắt giảm chi phí và sẽ cần 1 thời gian nữa nhà đầu tư mới cảm nhận những tác động. Nhưng trong bối cảnh các công sở rục rịch hoạt động trở lại vào đầu năm 2021 nếu tiến độ phát triển vaccine tiếp tục như hiện tại, các câu hỏi dài hạn về nhu cầu bất động sản sẽ trở nên cấp thiết hơn khi mà những lo ngại về sức khoẻ, sự an toàn và cách chúng ta tương tác với nhau càng lớn hơn.
Chúng ta sắp bước vào thế giới mới mà ở đó con người có quyền lựa chọn như nhau giữa làm việc tại nhà và tới văn phòng làm việc. Điều đó đồng nghĩa thế giới cần đến ít diện tích văn phòng làm việc hơn.
Tham khảo Bloomberg
Xem thêm: nhc.37824946102210202-gnort-nac-cus-teh-nac-nas-gnod-tab-ut-uad-ahn-cac-grebmoolb/nv.fefac