vĐồng tin tức tài chính 365

Các doanh nghiệp lớn của Mỹ vượt khó ngoạn mục trong năm Covid

2020-12-20 18:51

Các doanh nghiệp lớn của Mỹ vượt khó ngoạn mục trong năm Covid

Khánh Lan

(TBKTSG Online) - Đối với nhiểu doanh nghiệp lớn của Mỹ, 2020 là một năm của những cú sốc và bất ngờ. Trong khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 vẫn giáng đòn không ngừng nghỉ, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ sắp kết thúc một năm hoạt động với kết cục tốt hơn những gì họ hình dung.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn nhất Mỹ không giảm sâu

Từ đầu mùa xuân năm nay, đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu gần như tê liệt, làm dấy lên các nỗi sợ về một ‘cuộc tắm máu’ đối với giới doanh nghiệp. Khi năm 2020 sắp kết thúc, mọi người thấy rõ rằng cuộc khủng hoảng dịch bệnh chưa có tiền lệ này đã sắp đặt lại nền kinh tế theo cách bất ngờ và cũng tạo ra những cơ hội phát triển thịnh vượng hơn cho một số doanh nghiệp.

“Chỉ trong 10 tháng, chúng tôi đã trải qua sự thay đổi đáng lẽ mất 10 năm”, Rajeev Misra, Giám đốc điều hành Quỹ Tầm nhìn của Tập đoàn Softbank (Nhật Bản), nhà đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới, nói. Misra đã lo sợ cơn khủng hoảng Covid-19 sẽ khiến nhiều công ty khởi nghiệp (startup) mà quỹ ông đang đầu tư, sẽ biến mất khỏi thị trường, để rồi rốt cục chứng kiến họ tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với số lượng kỷ lục.

Sau hơn sáu tháng dừng kinh doanh vì đại dịch Covid-19, Royal Caribbean đã chính thức nối lại hoạt động với dịch vụ ‘du thuyền không điểm đến’ trên du thuyền Quantum of the Seas ở Singapore hồi đầu tháng 12. Ảnh: Travel Weekly

Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ  là những người thắng lớn nhất. Họ đã cắt giảm nhân sự, chi phí và sắp xếp lại chuỗi cung ứng. Được khuyến khích bởi các hành động cứu trợ kinh tế chưa có tiền lệ khi các ngân hàng trung ương cắt giảm sâu lãi suất và bơm vào nền kinh tế toàn cầu lượng thanh khoản khổng lồ, giới đầu tư đã dồn dập rót tiền, trám vào những lỗ hổng tài chính lớn của các doanh nghiệp lớn ở Mỹ.

Trong năm nay, các chính phủ trên toàn cầu đã bơm 28.000 tỉ đô la vào nền kinh tế của họ thông qua các gói kích thích kinh tế và biện pháp hỗ trợ thị trường tài chính, theo hãng nghiên cứu kinh tế Cornerstone Macro. Con số này tương đương gần 1/3 GDP toàn cầu.

Người tiêu dùng Mỹ nhanh chóng chi tiêu trở lại, chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn và thay thế những bữa ăn ở tiệm bằng những bữa ăn ở nhà, các chuyến du lịch ở nước ngoài bằng những chuyến nghỉ ngơi gần nhà.

Những giải pháp như sa thải hàng ngàn nhân sự, vay nợ nhiều hơn và thâu tóm thị phần từ các đối thủ gặp khó khăn, đang giúp các tập đoàn khổng lồ của Mỹ trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Các biện pháp đó sẽ tiếp tục định hình đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ trong nhiều năm tới, nếu không muốn nói là nhiều năm tối.

Đại dịch Covid-19 và tác động kinh tế của nó sẽ còn tiếp tục ngay cả khi vaccine Covid-19 bắt đầu được triển khai tiêm chủng. Nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ, kéo giá cổ phiếu của họ đi lên.

Hồi cuối tháng 6, giới phân tích dự báo lợi nhuận quí 3 của 500 công ty đại chúng có vốn hóa lớn nhất Mỹ trong chỉ số S&P 500 giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Rốt cục, mức giảm thực tế chỉ 6%. Lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hàng tiêu dùng và công nghệ đã bù đắp cho mức lợi nhuận suy giảm nghiêm trọng trong ngành năng lượng và công nghiệp.

Dòng tiền như thác của giới đầu tư cứu doanh nghiệp

Hãng du thuyền Royal Caribbean, có trụ sở ở Miami (Mỹ), dừng các chuyến du thuyền hồi tháng 3 và bắt đầu thu xếp các gói tài chính để phòng thủ trong thời kỳ dịch bệnh. Royal Caribbean đã xoay sở vay tiền từ các ngân hàng và phát hành trái phiếu mới cho giới đầu tư khi phải tiếp tục tiêu tốn 300 triệu đô la mỗi tháng dù tạm dừng kinh doanh. Thậm chí, hồi tháng 5, Royal Caribbean mở đợt chào bán trái phiếu trị giá 3,3 tỉ đô la bằng cách sử dụng 28 du thuyền làm tài sản bảo đảm.

Giới phân tích dự báo lợi nhuận quí 3 của 500 công ty đại chúng có vốn hóa lớn nhất Mỹ trong chỉ số S&P 500 giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng mức giảm thực tế chỉ 6%. Ảnh: WSJ

Đến tháng 10, Royal Caribbean cho nghỉ việc tạm thời 23% nhân sự và hồi hương hơn 44.000 thuyền viên.
Tuy nhiên, giếng tiền dường không vơi cạn của giới đầu tư đã giúp các công ty như Royal Caribbean sống sót dù doanh thu mất hút. Giờ đây, Royal Caribbean cho biết lượng khách đặt chỗ trên các du thuyền của tập đoàn này cho nửa đầu năm 2021 đang phục hồi mạnh mẽ. Lượng khách đặt chỗ cho nửa đầu năm sau cũng về mức bình thường như mọi năm.

Hồi tháng 4, hãng xe Ford đặt mục tiêu huy động 3 tỉ đô la thông qua đợt bán trái phiếu hạng rác với lãi suất cao nhưng rốt cục thu về 8 tỉ đô la. Hãng sản xuất máy bay Boeing sốt sắng tìm kiếm gói giải cứu từ chính quyền liên bang mà có thể dẫn đến việc Bộ Tài chính Mỹ trở thành cổ đông lớn của hãng này. Nhưng Boeing đã thay đổi ý định và đã huy động thành công 25 tỉ đô la từ giới đầu tư bằng phát hành trái phiếu với ít điều kiện ràng buộc hơn nhiều.

Hãng hàng không United Airlines (Mỹ) đã nhận được 5 tỉ đô la từ gói cứu trợ kinh tế của chính phủ Mỹ được thông qua hồi tháng 3 để trả lương cho nhân viên. Nhưng con số này vẫn không đủ bù đắp cho dòng tiền đang thiếu hụt nghiêm trọng của United Airlines khi nhu cầu đi lại hàng không giảm mạnh. Phố Wall đã bù đắp cho khoảng trống này. United Airlines đã phát hành thêm cổ phiếu và vay thêm nợ, bao gồm khoản vay 6,8 tỉ đô la Mỹ được bảo đảm bằng chương trình khách bay thường xuyên. Các đối thủ của United Airlines cũng nhanh chóng thu xếp vay nợ bằng cách này.

Tổng cộng, giới đầu tư đã rót số tiền kỷ lục 11.000 tỉ đô la trong năm nay để cứu các doanh nghiệp Mỹ đang chứng kiến doanh thu teo tóp do tác động của dịch bệnh và 50% số đó chảy vào nợ doanh nghiệp, theo dữ liệu của Refinitiv. Hoạt động trên các thị trường vốn ở mọi lớp tài sản đều bùng nổ trong thời kỳ dịch bệnh.
Công ty quản lý đầu tư Apollo Global Management ở New York, đang dụng cơ hội hiếm có để mua tài sản của các công ty lớn với giá hời. Trong hai tuần tới, công ty này chi 800 triệu đô la mỗi ngày để mua nợ doanh nghiệp giá rẻ cũng như các trái phiếu mới từ các công ty như Boeing, Airbnb.

Nền kinh tế số tăng tốc

Đại dịch Covid-19 giúp nền kinh tế số của Mỹ tăng tốc khi các trường học chuyển sang dạy học trực tuyến, các doanh nghiệp triển khai làm việc từ xa và nhu cầu đặt mua đồ ăn trực tuyến tăng vọt. Hơn 86 triệu hộ gia đình đã đăng ký dịch vụ phát sóng trực tiếp (streaming) của hãng truyền thông giải trí Walt Disney trong năm nay.
Trong giai đoàn từ tháng 3 đến tháng 7, thị phần của thương mại điện tử tại Mỹ tăng 5 điểm phần trăm, tương đương mức tăng của năm năm trước đó, theo dữ liệu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ.

Hồi tháng 4 khi Tập đoàn Neiman Marcus, quản lý chuỗi bách hóa cao cấp ở Mỹ, bán được chiếc nhẫn đính viên kim cương 7 carat cho một vị khách chưa từng thấy nó trực tiếp, Giám đốc điều hành Geoffroy van Raemdonck của Neiman Marcus bắt đầu lóe lên tia hy vọng.

Neiman Marcus tạm thời đóng cửa các cửa hàng nhưng những người tiêu dùng giàu có vẫn tiếp tục móc hầu bao để mua các sản phẩm cao cấp của tập đoàn này thông qua kênh trực tuyến. Các nhãn hàng thời trang tiếp tục vận chuyển hàng cho Neiman Marcus dù tập đoàn này đóng cửa tất cả cửa hàng hồi tháng 3, sa thải một lượng lớn trong số 14.000 nhân sự trong tháng 4 và đệ đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 5.
Neiman Marcus thoát ra khỏi tình trạng bảo hộ phá sản hồi tháng 9 sau khi nhận được nguồn vốn mới. Đến nay, tập đoàn này đã tái mở cửa tất cả các cửa hàng.

Đó là tin tức tốt lành cho Quỹ Tầm nhìn của SoftBank. Quỹ này đã rót hàng chục tỉ đô la vào các startup nhưng gặt hái rất ít thành quả, thậm chí hứng thất bại cay đắng chẳng hạn như thương vụ đầu tư vào startup văn phòng dùng chung WeWork.

Trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19, Reev Misra, Giám đốc điều hành Quỹ Tầm nhìn, đã làm việc với các startup nằm trong danh mục đầu tư của quỹ này để yêu cầu họ cắt giảm chi phí. Ông cảnh báo họ sẽ không thể huy động vốn trong 18 tháng tới. Giờ đây, ông thừa đã quá bi quan.

24 công ty trong danh mục đầu tư của Quỹ Tầm nhìn đã huy động được vốn mới từ các nhà đầu tư trong năm nay. Sáu trong số những công ty đó đã tiến hành IPO, bao gồm startup giao đồ ăn DoorDash, có trụ sở ở bang California. Cổ phiếu của DoorDash tăng vọt 86% trong ngày giao dịch đầu tiên vào đầu tháng 12, giúp khoản đầu tư 680 triệu đô la của Quỹ Tầm nhìn vào DoorDash đạt giá trị gần 12 tỉ đô la.

Các công cụ số cũng trở nên quan trọng hơn trong thời kỳ dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 khiến các văn phòng làm việc hào nhoáng của các công ty công nghệ lớn của Mỹ tại California trống vắng khi nhân viên được yêu cầu làm việc tại nhà nhưng cũng thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu đối với nhiều sản phẩm của họ.

Các thiết bị của Apple, các công cụ trực tuyến của Google trở nên thiết yếu đối với các trường học và các công ty chuyển sang dạy học và làm việc từ xa. Nhiều công ty tăng cường sử dụng dịch vụ đám mây của Amazon và Microsoft. Trong năm nay, vốn hóa của bốn ‘ông lớn’ công nghệ này đã tăng thêm 2.000 tỉ đô la Mỹ.

Theo Wall Street Journal

Xem thêm: lmth.divoc-man-gnort-cum-naogn-ohk-touv-ym-auc-nol-peihgn-hnaod-cac/939113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Các doanh nghiệp lớn của Mỹ vượt khó ngoạn mục trong năm Covid”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools