Dự kiến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 41 tỉ USD, nhiều ngành hàng đã vượt qua đại dịch COVID-19 để tăng trưởng khá.
Xuất khẩu "lội ngược dòng"
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), năm 2020 là một năm thử thách cho ngành nông nghiệp khi phải đối mặt với những khó khăn kép do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu; các hình thái thời tiết cực đoan; thiên tai gây thiệt hại cả về người và nhiều diện tích cây trồng, vật nuôi; dịch bệnh trên gia súc gia cầm gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất chăn nuôi...
Thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước phát triển có xu hướng bảo vệ sản xuất trong nước thông qua việc tăng cường các hàng rào kỹ thuật khiến cho xuất khẩu nông sản gặp nhiều trở ngại, nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng khó khăn làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước...
Theo TS Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ngành NNPTNT, trong 11 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt kết quả khả quan.
“Cán cân thương mại ngành nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ước đạt thặng dư 9,36 tỉ USD, tăng 11% so với thặng dư thương mại cùng kỳ năm 2019; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 11 tháng năm 2020 đạt 37,4 tỉ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2019” – TS Nguyễn Quốc Toản thông tin.
Bất chấp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản vẫn đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: Gạo tăng 10,4%, sắn tăng 2,3%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 14,1%. Đặc biệt, một số mặt hàng như sản phẩm gỗ và lâm sản, thủy sản, rau quả, càphê, hạt điều, gạo... tiếp tục là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam” – TS Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Năm 2021: Tiếp tục tái cơ cấu, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch
Các chuyên gia kinh tế đều dự báo, năm 2021, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường thể hiện ở việc cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt...
Để đạt được kim ngạch xuất khẩu từ 40-42 tỉ USD, ngành NNPTNT cần thực hiện quyết liệt tái cơ cấu ngành. Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Trung An, đối với mặt hàng trái cây, rau, củ, quả, lợi thế của Việt Nam là hàng hóa nhiệt đới, phong phú đa dạng không cạnh tranh với hàng hóa của các nước ôn đới, được đầu tư bài bản chuyên sâu từ trồng trọt đến chế biến theo chuỗi khép kín...
Đỗ gỗ Việt Nam cũng bứt phá vì Việt Nam đã chủ động được nguồn nguyên liệu do có các cánh rừng bạt ngàn trải dài khắp đất nước, Việt Nam được hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại với các nước đem lại mà các quốc gia khác cũng xuất khẩu gỗ nhưng không có lợi thế này.
Ở góc độ quản lý, TS Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh: Năm 2021, chúng ta tiếp tục tập trung trong nhóm ngành chính như đồ gỗ, thủy sản, đặc biệt là ngành hàng trái cây cần đẩy mạnh chế biến để gia tăng giá trị. Bên cạnh đó duy trì cung ứng mặt hàng gạo và các sản phẩm sau gạo, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; tập trung vào các thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Xem thêm: odl.788368-dsu-it-14-uahk-taux-hcagn-mik-tad-gnan-ahk-oc-91-divoc-touv-man-teiv/et-hnik/nv.gnodoal