Trong đó, sản xuất trong nước mới đáp ứng được 30%, còn lại 70% thịt bò phải nhập khẩu từ các nước. Điều này cho thấy ngành chăn nuôi bò thịt còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.
TS Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, dẫn số liệu thống kê cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập 517.904 con trâu, bò (91,5% là bò) với trị giá hơn 556 triệu USD cho mục đích giết mổ lấy thịt. Cũng trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 80.124 tấn thịt trâu bò đông lạnh, trị giá 295,9 triệu USD. Riêng với sản phẩm thịt mát - được xem là dòng thịt gia súc ăn cỏ chất lượng cao - sản lượng nhập khẩu còn hạn chế, đã nhập hơn 1.546 tấn, trị giá 15,7 triệu USD, từ 10 quốc gia trong 11 tháng qua.
Một điểm bán thịt trâu bò nhập khẩu trên đường Vũ Tùng (quận Bình Thạnh, TP HCM)
Theo TS Tống Xuân Chinh, năm 2020, đàn bò tại Việt Nam ước đạt 6,241,8 triệu con, tương đương 372.500 tấn thịt, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Ngành chăn nuôi bò thịt trong nước đang có cơ hội phát triển nhờ những công nghệ mới (đặc biệt kỹ thuật vỗ béo) và các văn bản pháp lý đang hoàn thiện tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này và đã đặt mục tiêu đạt sản lượng 600.000 tấn thịt gia súc ăn cỏ đến năm 2030, trong đó, chủ lực là thịt bò.
Việt Nam đã có nhiều trang trại nuôi bò vỗ béo có quy mô hàng ngàn con tập trung ở các địa phương như: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đồng Nai, Tây Ninh... Các doanh nghiệp vỗ béo bò thịt nhập từ Úc theo mô hình công nghiệp đã có liên kết với các cơ sở giết mổ đạt tiêu chuẩn ESCAS (hệ thống bảo đảm chất lượng chuỗi cung ứng xuất khẩu) của Úc để bảo đảm sự giám sát vấn đề phúc lợi động vật: 50 doanh nghiệp và 90 cơ sở giết mổ được Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước của Úc chứng nhận.
Xem thêm: mth.61081741202210202-nahp-iht-07-meihc-iaogn-ob-tiht/et-hnik/nv.moc.dln