Luật Thủy sản góp phần chuyển hướng ngành thủy sản từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, ngăn chặn vi phạm khai thác hải sản.
Theo Tổng cục Thủy sản, Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019 với nhiều điểm mới, được đánh giá là "bước ngoặt" đối với ngành thủy sản nước ta, nhằm chuyển hướng từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm.
Để giúp ngư dân nắm vững và chấp hành tốt các quy định trong Luật, Chi cục Thủy sản cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đặc biết là xử lý kịp thời các đối tượng khai thác thủy sản bằng sử dụng điện, ngư cụ cấm đã làm nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường tự nhiên.
Vẫn còn vi phạm
Vấn nạn khai thác thủy hải sản ven bờ theo kiểu tận diệt của một số bà con ngư dân ở khu vực miền Trung đã từng nhiều lần bị dư luận lên án. Các cơ quan chức năng cũng đã tìm nhiều giải pháp để ngăn chặn, song vấn nạn này vẫn chưa được ngăn chặn một cách rốt ráo, để lại nhiều hệ lụy...
Theo phản ánh của cử tri nhiều địa phương ven biển, thời gian qua, tuy các cơ quan chức năng đã tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động nghề cấm, vùng cấm khi khai thác thủy sản tại các vùng biển trong tỉnh, nhưng đến nay, vẫn còn nhiều phương tiện bất chấp, sử dụng các dụng cụ mang tính hủy diệt để khai thác thủy sản.
Ngư dân Nguyễn Văn Phai (Phường Ninh Hải, Thị xã Ninh Hòa, Tỉnh Khánh Hòa) cho biết: “Cứ vào mùa khai thác ruốc, các tàu công suất lớn lại tìm đến vùng biển vịnh Vân Phong để hành nghề giã cào. Các tàu này theo quy định phải hoạt động ở vùng lộng hoặc vùng xa bờ nhưng họ lại hoạt động ở vùng cấm, sử dụng lưới giã cào để cào ruốc ven bờ. Không chỉ tận diệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, các tàu giã cào còn cào luôn ngư cụ của ngư dân hoạt động nghề lưới ven bờ.
Đối với tàu cào sò, mỗi đêm kiếm được vài triệu đồng, tàu giã cào nếu trúng cũng kiếm được hơn 10 triệu đồng/chuyến. Do thu nhập cao, nên dù biết làm nghề cấm nhưng họ vẫn lén lút hoạt động.”
Trong 7 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức 334 đợt tuần tra trên các vùng biển của tỉnh; kiểm tra 430 tàu cá; đã tiến hành xử phạt 32 tàu cá vi phạm với tổng số tiền gần 155 triệu đồng, thu giữ 22 tang vật như: Giã cào tuýp, giã cào sò, súng điện…
Tăng cường xử lí
Tại khoản 7 Điều 7 Luật Thủy sản năm 2017 quy định nghiêm cấm các hành vi “sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản”.
Tuy nhiên, tại Đà Nẵng cũng như một số địa phương khác trong khu vực miền Trung, dụng cụ này vẫn được sử dụng tràn lan. Điều đáng lên án, với các bộ xung điện này bà con ngư dân sẽ khai thác thủy hải sản theo kiểu tận diệt. Bởi, người sử dụng chỉ cần cắm 2 que của bộ xung kích điện xuống biển là các loại sò, ốc tự chết rồi nổi lên, ngư dân chỉ cần vớt lên tàu.
Nếu dùng bộ xung kích điện này năng suất đánh bắt sẽ tăng lên nhiều lần, đỡ tốn nhân công hơn. Tuy nhiên, cũng sẽ tận diệt các loại hải sản lớn nhỏ, trong phạm vi ảnh hưởng của dòng điện. Trong khi đó, với cách đánh bắt truyền thống như, bằng lưới, vợt và cào sắt, rất khó để lấy các loại sò, ốc to, có giá trị vì những loại này nằm sâu trong đá, bùn.
Mặc dù, gần đây chế tài xử phạt đối tượng khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt tăng lên, song nhìn chung vẫn chưa đủ sức răn đe. Nhiều người vẫn lén lút thực hiện, bất chấp những hệ lụy có thể xảy ra.
Năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã triển khai “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hoá” năm 2020 từ ngày 15.3 đến ngày 15.5.2020. Từ đó mang lại những hiệu quả nhất định trong nhận thức của ngư dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bền vững, qua đó ngăn chặn các hoạt động khai thác vi phạm tại vùng ven bờ trong mùa sinh sản.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản trên các vùng cửa sông, vùng nội thủy và trên vùng biển tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là tại các cửa lạch có nhiều hộ khai thác thủy sản bằng nghề đăng, đáy như lạch Sung, lạch Trường, lạch Hới, lạch Ghép và lạch Bạng.
Kết quả đã thực hiện được 32 chuyến biển tuần tra, kiểm soát 243 tàu cá, kiểm tra 164 lượt tàu cá, xử phạt hành chính 06 trường hợp vi phạm với các lỗi về thủ tục hành chính, với số tiền là 22,5 triệu đồng. Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh thực hiện tháo dỡ 09 hàng đáy tại các cửa lạch và cam kết không tái phạm; bắt và xử lý 10 vụ tàng trữ kích điện để khai thác thủy sản, với số tiền 43 triệu đồng.
Xem thêm: odl.120468-nas-iah-caht-iahk-gnort-mahp-iv-nahc-nagn-gnouc-gnat-nas-yuht-taul/et-hnik/nv.gnodoal